Xây dựng Tam Điệp trở thành đô thị phát triển

 Tam Điệp phấn đấu trở thành đô thị động lực phát triển của tỉnh Ninh Bình.
(Ảnh: https://baoninhbinh.org.vn)

Nhìn lại chặng đường 5 năm qua

Hiện tại, Tam Điệp có 680 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp (tăng 151 cơ sở so với năm 2015), giải quyết trên 17.700 lao động, trong đó 15 doanh nghiệp đang đầu tư phát triển sản xuất trong Khu công nghiệp Tam Điệp I. Thành phố luôn chủ động phối hợp tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc,tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh được nâng lên, giữ vững thị trường trong nước và từng bước vươn ra thị trường khu vực và thế giới. Các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, giày, trang thiết bị y tế, nông sản xuất khẩu là những ngành chủ yếu, có giá trị và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp.

Cùng với đó, thương mại, dịch vụ phát triển mạnh. Đến nay, thành phố có 4.932 cơ sở kinh doanh dịch vụ (tăng 446 cơ sở so với năm 2015) trên các lĩnh vực: thương mại, ngân hàng, xây dựng, vận tải, y tế, khách sạn, nhà hàng, giải quyết trên 13.600 lao động. Sản phẩm dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng trên tất các lĩnh vực như: dịch vụ dành cho quyền sở hữu của con người (ngân hàng, tiết kiệm, bảo hiểm, kế toán, pháp luật); dịch vụ dành cho tài sản con người (chuyên chở hàng hóa, xây dựng, bưu chính, giúp việc gia đình); dịch vụ dành cho tinh thần con người (giáo dục, thông tin liên lạc, phát thanh truyền hình, giải trí, du lịch); dịch vụ dành cho cơ thể con người (chuyên chở khách, chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ, khách sạn, nhà hàng)...đã cơ bản đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của nhân dân và doanh nghiệp.

Trong những năm qua, thành phố Tam Điệp từng bước hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng của vùng đất Đồng Giao - Tam Điệp, tiêu biểu là các loại hình: du lịch tâm linh, lịch sử, văn hóa, trải nghiệm, khám phá, thể thao, du lịch kết nối cộng đồng... bước đầu hoạt động hiệu quả; mỗi năm đón trên 50.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh tham gia du lịch tâm linh; gần 10.000 lượt khách tham gia du lịch văn hóa, lịch sử, trải nghiệm... Kết quả trên các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch ở địa bàn thành phố những năm qua đã cơ bản đáp ứng với tình hình thực tiễn, song, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của thành phố. Công nghiệp chiếm tỷ trọng 67,5% trong cơ cấu kinh tế nhưng số lượng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường còn hạn chế. Dịch vụ chiếm tỷ trọng 30% trong cơ cấu kinh tế nhưng một số lĩnh vực còn nhỏ lẻ, thiếu thương hiệu, chất lượng chưa cao. Tiềm năng phát triển du lịch lớn, tuy nhiên việc khai thác, phát huy chưa được quan tâm đầy đủ. Những vấn đề đó đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân thành phố cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng là một trong những vùng kinh tế động lực của tỉnh.

Giải pháp phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch giai đoạn 2020-2025

Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế trong giai đoạn tới, đây là những chủ trương rất quan trọng, thiết thực và có tính khả thi cao, mở ra cơ hội mới về phát triển kinh tế trên địa bàn toàn tỉnh. Đảng bộ, quân và nhân dân thành phố đã nhanh chóng cụ thể hóa đưa các chủ trương đó vào hiện thực cuộc sống để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch tạo động lực phát triển bền vững, xây dựng Tam Điệp là một trong hai đô thị động lực phát triển của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII./.

Trên lĩnh vực công nghiệp, thành phố đẩy mạnh thu hút các dự án phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Định hướng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cả về số lượng và chất lượng.

Phối hợp với chủ đầu tư sớm hoàn thiện hạ tầng Khu công nghiệp Tam Điệp II, tạo điều kiện để chủ đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thu hút các dự sản xuất kinh doanh vào khu công nghiệp. Với diện tích trên 360ha, Khu công nghiệp Tam Điệp II là một lợi thế rất lớn của tỉnh, thành phố trong việc thu hút doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương “Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025.

Tam Điệp là điểm kết nối giữa khu III và khu IV; giữa khu vực đồng bằng, ven biển với khu vực miền núi; gần và các khu, điểm du lịch lớn của tỉnh, có Quốc lộ 1A, 12B, 21B đi qua, nhất là sau khi hoàn thành dự án đường cao tốc Bắc - Nam sẽ không còn hiện tượng tắc nghẽn giao thông, tạo môi trường an toàn, thông thoáng trên toàn thành phố. Đây là lợi thế rất lớn trong việc đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ. Vì thế, thành phố tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, hộ cá thể trong lĩnh vực dịch vụ, trong đó trọng tâm là phát triển loại hình dịch vụ dành cho quyền sở hữu của con người (ngân hàng, tiết kiệm, bảo hiểm, kế toán, pháp luật) và dịch vụ dành cho cơ thể con người (chăm sóc sức khỏe, chuyên chở khách, thẩm mỹ, khách sạn, nhà hàng).

Chủ động phối hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp và nhân dân làm tốt việc huy động các nguồn lực để mở rộng, phát triển các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ chất lượng cao. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho chủ doanh nghiệp và người lao động, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Là vùng đất cổ, được thiên nhiên ban tặng cho nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, có vị trí chiến lược trong quân sự như bức tường thành thiên nhiên án ngữ con đường Thiên lý ra Bắc vào Nam; là nơi giao thoa văn hóa giữa nền văn minh châu thổ sông Hồng với nền văn hóa cổ hạ lưu sông Mã và nền văn hóa vùng Tây Bắc,Tam Điệp hiện có 61 di tích lịch sử - văn hóa; nhiều thắng cảnh đẹp, huyền bí và tâm linh như: Phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn, Kẽm Đó, Đèo Tam Điệp, động Trà Tu, động Tam Giao, đền Dâu, đền Quán Cháo,hệ thống các hồ lớn... Bên cạnh đó, Tam Điệp còn giữ vị trí trung tâm kết nối với quần thể danh thắng Tràng An và các khu, điểm du lịch của huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô, Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) và huyện Thạch Thành, huyện Nga Sơn, thị xã Bỉm Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Đây là tiềm năng trong việc phát triển tour du lịch vùng, du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh, sinh thái, trải nghiệm, mạo hiểm...

Với lợi thế đó, hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm, thành phố Tam Điệp xác định làm tốt công tác quy hoạch phát triển du lịch theo tiêu chí bền vững gắn với Quy hoạch tổng thể tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tận dụng lợi thế các hạ tầng giao thông lớn của quốc gia, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối đồng bộ, tạo sự lan toả đến khu điểm du lịch địa phương lân cận (Tam Điệp - Yên Mô, Kim Sơn, Tam Điệp - Hoa Lư, Nho Quan); chú trọng đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị xây dựng đô thị công nghiệp - dịch vụ văn minh, công dân thân thiện. Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch, bảo vệ môi trường, bảo tồn di tích lịch sử, phát triển văn hóa bản sắc của người Đồng Giao - Tam Điệp kết hợp với việc giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của thành phố như “Dứa Đồng Giao”, “Chè Trại Quang Sỏi”, “Đào phai Tam Điệp”.

Phản hồi

Các tin khác