Sáng 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội.
Thông qua hơn 70 luật và pháp lệnh
Trình bày tóm tắt báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội đã đạt được các kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước đến các hoạt động trong ngoại giao nghị viện đã góp phần đưa đất nước vững bước vượt qua khó khăn, tạo ra những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân, đóng góp lớn vào những thành tựu vô cùng ý nghĩa của công cuộc gần 35 năm đổi mới, làm giàu thêm truyền thống 75 năm vẻ vang của Quốc hội.
Phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: QH)
|
Cụ thể, xác định hoạt động lập pháp là nhiệm vụ trọng tâm, trong nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XIV đã tập trung ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa, đưa Hiến pháp năm 2013 vào đời sống. Trong số 72 luật, 02 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật đã được thông qua (chưa bao gồm các luật, nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 11), có những đạo luật giữ vị trí, vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật, có những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn; nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách mang tính đột phá, thể hiện tính kịp thời, sự quyết liệt, tạo hành lang pháp lý về đổi mới tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn. Bên cạnh đó, nhiều hiệp định thương mại, công ước, điều ước quốc tế quan trọng được phê chuẩn, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế phù hợp với lợi ích của quốc gia.
Trong nhiệm kỳ này, công tác giám sát của Quốc hội được chú trọng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát hầu hết các lĩnh vực, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri, nhân dân đánh giá cao. Thông qua hoạt động giám sát, đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, tiếp tục phát huy những việc làm tốt, kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy các cơ quan hữu quan thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước.
Quốc hội đã đề cao việc bảo đảm tính tổng thể, gắn kết chặt chẽ giữa yêu cầu nhiệm vụ với nguồn lực thực hiện khi xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 và hằng năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, hệ thống kế hoạch trong lĩnh vực tài chính, ngân sách.
Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai hiệu quả, đóng góp quan trọng vào thành công chung của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế...
“...Quốc hội khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hoạt động, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, chủ động trong các hoạt động đối ngoại; góp phần nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực cũng như trên thế giới. Những quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước, tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” – đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.
Làm nổi bật hơn nữa những bài học kinh nghiệm
Cho ý kiến về báo cáo, các đại biểu đều nhất trí rằng, nhìn lại chặng đường 5 năm qua, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, Quốc hội khóa XIV vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng cao nhất để hoàn thành trọng trách mà cử tri và Nhân dân giao phó.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị, dự thảo báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Quốc hội cần làm nổi bật hơn nữa những thành tựu và bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: QH)
|
Nêu bật điểm nhấn trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong nhiệm kỳ qua, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, Quốc hội đã thông qua 9 điều ước quốc tế có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với đất nước. Trong đó, 4 điều ước quốc tế liên quan đến vấn đề biên giới giữa Việt Nam - CHDCND Lào và Việt Nam - Campuchia; 3 điều ước quốc tế được kỳ vọng sẽ tạo đà phát triển cho đất nước trong giai đoạn tới gồm CPTPP, EVFTA và EVIPA; bên cạnh đó, Quốc hội đã phê chuẩn việc gia nhập 2 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế ILO. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 6 điều ước quốc tế, nhiều hơn so với những nhiệm kỳ trước.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nhấn mạnh, những kết quả này cho thấy rằng đất nước ta trong nhiệm kỳ vừa qua đã hội nhập nhanh, hiệu quả và chất lượng cao hơn. Nêu lên điểm nhấn trong hoạt động đối ngoại song phương của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, hoạt động đối ngoại đa phương và song phương cũng tạo được dấu ấn sâu sắc, tiếp tục khẳng định và nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Văn Giàu chia sẻ, điều lớn nhất khiến ông còn đang day dứt là với nông nghiệp vẫn còn tình trạng được mùa mất giá. Ứng cử tại An Giang, đồng chí Nguyễn Văn Giàu cũng bộc bạch đang còn thấy nợ cử tri nơi này là cơ sở hạ tầng giao thông quá tải, tụt hậu, Nhà nước có quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của khu vực.
Trong khi đó, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý cho biết điều trăn trở là lẽ ra nhiệm kỳ này phải tập trung cao xử lý chất thải rác thải, ô nhiễm môi trường bởi đi đến đâu cũng thấy rác thải là vấn nạn. Trưởng ban Trần Văn Túy cũng trăn trở về vấn đề an ninh nguồn nước, 60% lưu lượng tập trung trong mùa mưa, sông đầu nguồn đều phụ thuộc vào bên ngoài và Việt Nam chưa có chiến lược giữ nước ngọt..
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, UBTVQH đã chỉ đạo triển khai công tác chuẩn bị cho tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV từ rất sớm, công phu và tổng kết từ dưới lên trên…
Đánh giá khái quát nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh:"Đây là một nhiệm kỳ Quốc hội thành công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho. Chúng ta tiến hành 11 kỳ họp và hàng tháng UBTVQH đều họp, thậm chí có những lúc phải họp đột xuất để giải quyết những yêu cầu của đất nước, của Chính phủ để đảm bảo sự vận hành của Nhà nước không bị ách tắc".
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, đây là một nhiệm kỳ mà tính dân chủ được phát huy rất mạnh mẽ, nhưng dân chủ trong kỷ cương, theo Hiến pháp và pháp luật. Mở rộng dân chủ từ thảo luận sang tranh luận, tạo điều kiện nhiều hơn cho đại biểu được tranh luận, không khí hội trường rất cởi mở, phản biện của ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội rất sâu sắc, đáp ứng sự mong mỏi và nguyện vọng của nhân dân, nhất là những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm.
"Mỗi một kỳ họp, mỗi một phiên họp chúng ta đều lắng nghe ý kiến của cử tri, của Nhân dân nhận xét, đánh giá. Mục đích và ý nghĩa của cơ quan dân cử phải gắn với dân, nói tiếng nói của dân, giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đưa ra những chủ trương, đường lối của Đảng trong Nghị quyết của Đại hội, Nghị quyết của Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị để thể chế hóa thành những quy định của luật pháp...", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm hoàn thiện hai dự thảo báo cáo tóm tắt tổng kết công tác nhiệm kỳ, trong đó, cần chọn những dấu ấn, thành tựu nổi bật trong từng lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước để đưa vào các dự thảo báo cáo./.
Tú Giang