Thái Nguyên vững bước đi lên
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, các địa phương của tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng, cải tạo, nâng cấp được trên 8.000km đường giao thông nông thôn. (Ảnh: PV).

Thực hiện xây dựng nông thôn mới, các địa phương của tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng, cải tạo, nâng cấp trên 8.000km đường giao thông nông thôn. (Ảnh: PV).

Trước hết, “điểm nhấn” quan trọng trong bức tranh phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thái Nguyên đó là Thái Nguyên trở thành địa phương dẫn dầu 14 tỉnh trung du và miền núi phía bắc về xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã có 103 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 09 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, vượt 06 xã so với mục tiêu. Xây dựng nông thôn mới đã thúc đẩy các ngành sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng khá; giá trị sản xuất tăng bình quân 4,5%/năm. Chăn nuôi phát triển nhanh theo hướng chăn nuôi tập trung, trang trại, chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong 5 năm toàn tỉnh đã trồng mới được gần 31.000 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 53,18%. Hiệu quả kinh tế rừng được nâng lên. Nhiều vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tập trung, chuyên canh, quy mô lớn được hình thành. Cây chè tiếp tục khẳng định là cây trồng thế mạnh, phát triển nhanh cả về sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đưa Thái Nguyên trở thành địa phương có diện tích, sản lượng lớn nhất cả nước. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt năm 2020 đạt 103 triệu đồng, bình quân tăng khoảng 4%/năm. Với các kết quả này, Thái Nguyên là tỉnh dẫn đầu 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc về xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tỉnh Thái Nguyên cũng vinh được tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhất (lần 2) về những thành tích xây dựng nông thôn mới. Chị Trần Thị Dinh ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Đến nay bà con đã và đang được thụ hưởng những kết quả của việc xây dựng nông thôn mới. Giao thông đi lại thuận lợi, chất lượng chăm sóc y tế được nâng lên; đời sống mọi mặt được cải thiện... Do đó, mọi người đều tự giác, tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của cấp ủy đảng, chính quyền về xây dựng nông thôn mới”.

Song song với đó, tỉnh Thái Nguyên cũng có những bước tiến lớn trong công tác cải cách hành chính. Đến nay, 100% cơ quan Nhà nước của tỉnh đã thực hiện liên thông văn bản điện tử được tích hợp chữ ký số từ các sở, ban, ngành và các đơn vị hành chính, đồng thời liên thông hồ sơ một cửa, hồ sơ dịch vụ công mức độ 3 từ tỉnh đến các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn. Thái Nguyên đã triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến tại Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, các thủ tục hành chính (TTHC) được cập nhật thường xuyên trước thời hạn trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC của Chính phủ... Kết quả của công tác cải cách hành chính (CCHC) chính là chìa khóa vàng để Thái Nguyên thực hiện thành công thu hút đầu tư trên địa bàn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 238 nghìn tỷ đồng. Thu hút đầu tư nước ngoài 156 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 8,3 tỷ USD. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tiếp tục phát triển với số lượng đăng ký thành lập mới bình quân mỗi năm khoảng 350 doanh nghiệp. Đặc biệt, từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018 được tổ chức với quy mô và tầm vóc lớn nhất trong nhiệm kỳ, đến nay đã có 41 nhà đầu tư đang triển khai 53 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 108.961 tỷ đồng. Hiện có 29/53 dự án đã hoàn thành về thủ tục đầu tư; 24/53 dự án đang hoàn thiện các thủ tục về đầu tư...

Công nhân Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Thái Nguyên tích cực sản xuất. (Nguồn: thainguyen.gov.vn).

Công nhân Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Thái Nguyên tích cực sản xuất.

(Nguồn: thainguyen.gov.vn).

Theo đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, năm qua đã ghi nhận những tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế xã hội của toàn tỉnh. Nhất là tỉnh đã có 19/19 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra là kết quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường Tỉnh ủy trong nhiệm kỳ 2015 – 2020. Điển hình là các chỉ tiêu bứt phá, tạo dấu ấn như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 11,1%/năm. Đặc biệt, GRDP bình quân đầu người tăng từ 51 triệu đồng/người năm 2015 lên 90 triệu đồng/người năm 2020 (gấp 1,76 lần so với năm 2015) đã thể hiện rõ nhất tăng trưởng của tỉnh thông qua chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. Tổng thu ngân sách nhà nước trong cân đối tăng bình quân 16,3%/năm, từ 7.484 tỷ đồng năm 2015 lên 15.555 tỷ đồng năm 2020 (gấp 2,1 lần so với năm 2015), với kết quả này, trong 5 năm liên tiếp, Thái Nguyên là tỉnh đứng thứ nhất trong các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, đứng thứ 17 trong cả nước về thành tựu thu ngân sách. Giá trị sản xuất công nghiệp, tăng bình quân 16,3%/năm vươn lên đứng thứ 2 trong vùng Thủ đô Hà Nội, đứng đầu vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân 13,1%/năm, về trước mục tiêu Nghị quyết 2 năm, Thái Nguyên là tỉnh đứng thứ 4 trong cả nước về chỉ tiêu này...

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025; đồng thời cũng là năm theo dự báo, tình hình sẽ còn nhiều khó khăn nhất là việc diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, phát huy những kết quả đã đạt được trên cơ sở sự đoàn kết, đồng lòng của các cấp, các ngành, các lực lượng sẽ là “chìa khóa” để tỉnh Thái Nguyên tiếp tục vững bước đi lên trên con đường phát triển hiệu quả, bền vững./.

Phản hồi

Các tin khác