Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/01 đến ngày 01/02/2021, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội.
Tham dự Đại hội có 1.587 đại biểu đại diện cho hơn 5 triệu đảng viên. Trong đó, đại biểu đương nhiên: 191 đồng chí; đại biểu bầu tại các tại các Đại hội Đảng bộ trực thuộc: 1.381 đồng chí; đại biểu chỉ định: 15 đồng chí. Đây là kỳ Đại hội có số đại biểu đông nhất trong 13 kỳ Đại hội của Đảng.
Về công tác chuẩn bị, các văn kiện được chuẩn bị rất công phu, chu đáo, kỹ lưỡng, dân chủ, bài bản, khoa học qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo rất sát sao, chặt chẽ, bảo đảm tính khoa học, kết tinh được trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Cùng với việc chuẩn bị rất công phu, chất lượng cho các văn kiện Đại hội, công tác chuẩn bị nhân sự cũng được chuẩn bị rất sớm, chủ động, kỹ lưỡng, chặt chẽ, bài bản, quán triệt nguyên tắc, quan điểm, tiêu chuẩn, quy trình khoa học, dân chủ, hiệu quả.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ báo cáo tại Hội nghị. Ảnh Mạnh Quân
|
Về Báo cáo chính trị trình Đại hội đã đánh giá sâu sắc, toàn diện kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết XII của Đảng với nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trên mọi lĩnh vực. Gắn với nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội: đất nước ta đã đạt được những mục tiêu to lớn, có ý nghĩa lịch sử…
Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, một trong các đột phá chiến lược trong nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, đó là: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội. Xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành”; hay trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Đại hội Đảng chỉ rõ: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”.
Để đạt được những định hướng đó, Đảng ta đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển, cụ thể:
Một là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước các cấp, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức. Đẩy mạnh tinh giản biên chế, cải cách quản lý biên chế theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; xây dựng và ban hành chế độ tiền lương mới bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động. Đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả.
Hai là, xây dựng Nhà nước kiến tạo, Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ; nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch. Tăng cường năng lực dự báo và khả năng phản ứng chính sách trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tiếp tục cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục sản phẩm, hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành; kiểm soát chặt việc quy định các thủ tục hành chính mới. Đẩy mạnh công tác chọn lọc, quy hoạch, đào tạo các thế hệ cán bộ, công chức có đức, có tài, có bản lĩnh chính trị dựa trên cơ chế cạnh tranh về tuyển dụng, chế độ đãi ngộ, đề bạt và đánh giá công bằng. Xây dựng cơ chế khuyến khích, khơi dậy tinh thần cống hiến vì đất nước, tạo động lực và áp lực để mọi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, tận tụy phục vụ nhân dân; có cơ chế bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ, công chức, viên chức.
Ba là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, xây dựng và thực hiện Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ hành chính công của những đối tượng khó khăn đặc thù. Thúc đẩy việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng hướng tới cơ quan nhà nước "không giấy tờ". Hoàn thiện các Hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công các cấp kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia. Hoàn thành kết nối, liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và các doanh nghiệp. Hoàn thiện các quy trình, thủ tục hành chính phù hợp với hoạt động của chính phủ số, cắt giảm tối đa giao dịch trực tiếp. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Phấn đấu đến năm 2025 thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hợp quốc.
Bốn là, cải cách quyết liệt, hiệu quả thủ tục hành chính, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Phấn đấu đến năm 2030 môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu.
Năm là, xây dựng nhanh nền hành chính hiện đại, dựa trên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo, phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị, phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực hiện phương thức, công cụ quản lý nhà nước chủ yếu bằng điều tiết gián tiếp, tăng cường hậu kiểm; giảm tối đa rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ đối với người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, nhất là dữ liệu về dân cư, y tế, giáo dục, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Chính phủ số; đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số.
Sáu là, đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, uỷ quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Củng cố, hoàn thiện hệ thống chính quyền địa phương; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương. Kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương. Phân định rõ nguồn thu, nhiệm vụ chi của các cấp ngân sách theo hướng tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, đồng thời bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khuyến khích và thúc đẩy sáng tạo của chính quyền địa phương.
Về bầu cử Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, Đại hội đã tập trung, dân chủ bầu đủ Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII gồm 200 đồng chí (Trong đó: 180 đồng chí Ủy viên chính thức; 20 đồng chí là Ủy viên dự khuyết).
Ngày 31/01/2021, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII họp Hội nghị lần thứ nhất và tiến hành bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Kết quả có 18 đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị Khóa XIII. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII được Hội nghị tín nhiệm cao bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Ban Bí thư gồm một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư và 5 đồng chí Ủy viên Trung ương được bầu vào Ban Bí thư.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 19 đồng chí, đồng chí Trần Cẩm Tú tiếp tục được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Khóa XIII.
Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, với phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp, mở ra một thời kỳ mới ,phát triển cho đất nước./.
Thanh Tuấn