Đây là niềm vinh dự, tự hào, là nguồn cổ vũ động viên hết sức to lớn đối với hàng nghìn cán bộ nhân viên và người lao động trong toàn hệ thống ngân hàng tín dụng chính sách từ Trung ương xuống địa phương, là động lực để toàn thể cán bộ nhân viên ngành thêm quyết tâm hơn nữa, góp phần chung tay thực hiện hiệu quả công cuộc “xóa đói giảm nghèo”, “không bỏ ai lại phía sau” mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện.
Chiều 21/12, tại Hà Nội, Ngân hàng chính sách xã hội đã trang trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh - Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TW tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
|
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho đại diện lãnh đạo Ngân hàng chính sách xã hội. (Ảnh: PV) |
Nhìn lại việc triển khai Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) giai đoạn 2011 - 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định 852/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 (Chiến lược phát triển), Uỷ viên Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển, tại một số thời điểm nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt, đại dịch COVID-19 xảy ra trong năm 2020 và thiên tai, dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, nguy cơ nghèo và tái nghèo luôn rình rập, khiến tín dụng chính sách xã hội cũng cần có những bước chuyển mới cả về nguồn lực và phương thức hỗ trợ. Cũng bởi vậy việc triển khai có hiệu quả Chiến lược cùng với sự quan tâm đặc biệt của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40-CT/TW) đã kết nối hệ thống chính trị - xã hội thành một thể thống nhất cả về trí và lực tham gia công cuộc giảm nghèo, làm sâu sắc hơn hiệu quả một chính sách đặc thù phù hợp với cấu trúc chính trị Việt Nam.
100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Nguồn vốn tín dụng chính sách tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới
Kết quả từ việc thực hiện theo đúng phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân cùng làm”, “Trung ương và địa phương cùng làm” đã làm tăng quy mô tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH gấp 2,6 lần, từ 90.400 tỷ đồng năm 2010 lên 235.661 tỷ đồng (ước đến thời điểm 31/12/2020) sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển, tốc độ tăng trưởng tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt bình quân 10%/năm.
|
Tổng Giám đốc VBSP báo cáo hoạt động của NHCSXH trong chặng đường 10 năm qua.
(Ảnh: PV) |
Dây chuyền quản lý và truyền tải vốn giờ không chỉ đặt lên vai các các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, mà có sự tận lực, tận tâm của chính quyền địa phương. Trong đó, việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH cấp huyện đã tạo sự chuyển biến tích cực và đồng đều trên các mặt hoạt động, nâng cao chất lượng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đặc biệt của chính quyền cấp xã với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Phương thức ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục triển khai có hiệu quả hơn từ năm 2014 với việc NHCSXH cùng các tổ chức này ký kết lại đã gắn kết chặt chẽ 4 nhà là: “Ngân hàng; Chính quyền; Tổ chức chính trị - xã hội; Tổ tiết kiệm và vay vốn” chung tay giúp người nghèo và đối tượng chính sách khác. Đến 30/11/2020, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đang phối hợp với NHCSXH tham gia quản lý 224.344 tỷ đồng, chiếm 99,5%/tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội.
Đặc biệt việc thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn được ví như “cánh tay nối dài” của NHCSXH trong việc thực hiện tín dụng chính sách, đã góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng kịp thời, tiết giảm chi phí, thời gian cho người vay và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Cùng với gần 173.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 10.426 Điểm giao dịch xã hoạt động định kỳ phủ rộng trên hầu hết các thôn, xã, phường, thị trấn trong toàn quốc đặc biệt vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn đã giúp NHCSXH thực hiện hiệu quả phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, “Giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”.
Những thành quả này một lần nữa minh chứng tính hiệu quả của phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù của Chính phủ, đã và đang phù hợp với cấu trúc chính trị của Việt Nam.
Cũng theo Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng, kết quả của tất cả những chuyển biến trên đã khắc sâu vào bức tranh tín dụng chính sách với những gam màu ấm áp. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được đầu tư đến 100% xã phường, thị trấn trên cả nước với trên 21,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, với doanh số cho vay lên tới 504.565 tỷ đồng. Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đã giảm từ 9,88% (năm 2016) xuống còn 3,75% (năm 2019), dự kiến xuống dưới 3% (năm 2020).
|
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch HĐQT VBSP Nguyễn Thị Hồng tại buổi lễ (Ảnh: PV) |
Khẳng định trong phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch HĐQT VBSP chỉ rõ, hiệu ứng từ nguồn vốn tín dụng chính sách trong thời gian tới sẽ còn mạnh mẽ hơn cùng với những trợ lực từ Nhà nước cũng như toàn thể hệ thống chính trị - xã hội.
Tuy nhiên, những thách thức mới đang cũng đang đặt ra cho NHCSXH khi tới đây chuẩn nghèo mới sẽ được ban hành cùng với đó công cuộc hội nhập ngày càng sâu cùng những rủi ro khó lường đoán đang tăng lên.
Trong bối cảnh đó, yêu cầu cấp thiết xây dựng một chiến lược mới cho NHCSXH giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó yêu cầu nâng cao năng lực tài chính là một yếu tố có tính tiên quyết để NHCSXH có thể làm tốt hơn nữa trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó trong bối cảnh mới.
Điều này đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị chung tay giảm nghèo bền vững, cùng với đó là việc xây dựng chính sách kết hợp với phân bổ nguồn lực hợp lý để gia tăng hiệu quả trên từng chính sách cũng như cân nhắc, củng cố phương thức quản lý vốn để nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong tương lai.
|
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu chỉ đạo (Ảnh: PV) |
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, sau gần 35 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, vị thế và uy tín trên trường quốc tế được nâng cao. Tuy nhiên, quá trình đô thị hoá tiếp tục diễn ra nhanh, tạo sức ép lớn về nhu cầu phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường; chênh lệch giàu - nghèo và trình độ phát triển giữa một số vùng, miền, địa phương có xu hướng giãn rộng. Vì vậy, tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH thực hiện cần tiếp tục phát huy được hiệu lực, hiệu quả của mô hình tổ chức và phương thức quản lý, tiếp tục bố trí, tăng cường nguồn lực để đáp ứng vốn cho thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo các nội dung của thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH để phát triển theo hướng tự chủ, ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước cho các đối tượng chính sách xã hội theo quy định.
Theo đó, NHCSXH căn cứ kết quả thực hiện Chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2020, định hướng phát triển của đất nước, chiến lược phát triển ngành Ngân hàng, để xây dựng chiện lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030, bảo đảm tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới cũng như phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; các Bộ, ngành, tham mưu, đề xuất để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bảo đảm tập trung nguồn lực cho NHCSXH thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Ngoài ra, NHCSXH phát huy kết quả, thành quả đã đạt được, tiếp tục đồng hành, nắm bắt kịp thời nguyện vọng của người dân theo đúng phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”; thực hiện sâu sắc hơn mô hình tổ chức và phương thức quản lý vốn tín dụng đặc thù phù hợp với thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị Việt Nam; chú trọng củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở; cung cấp các dịch vụ cơ bản phù hợp với đối tượng khách hàng của NHCSXH./.
Lê Anh