(ĐHXIII) - Trong 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, song với ý chí, khát vọng vươn lên, tinh thần chủ động tìm hướng đi, cách làm, quyết tâm đổi mới, Bình Thuận đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Vùng đất nhiều tiềm năng phát triển đột phá
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, khắc phục khó khăn, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bình Thuận đã đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và các nghị quyết của Trung ương đạt kết quả tích cực về mọi mặt. Kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội căn bản được giữ vững; tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; đời sống nhân dân được nâng lên.
Bình Thuận nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp từ năng lượng tái tạo điện gió. Ảnh: vnexpress.net
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân 7,64%/năm vượt so với kế hoạch. Tỷ lệ huy động GRDP vào ngân sách bình quân hàng năm đạt 10,6%. Chi đầu tư phát triển hơn 35% tổng chi ngân sách địa phương. Thu hút vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP chiếm 39,3%. Bình quân hàng năm, giải quyết việc làm cho hơn 24.000 lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,94%.
Đặc biệt, công nghiệp tiếp tục phát triển, nhất là công nghiệp năng lượng có sự bứt phá mạnh mẽ. Tiềm năng về năng lượng được phát huy tốt hơn, công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao, là động lực chính thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh; đặc biệt, cùng với nhiệt điện than, các dự án điện gió, điện mặt trời được đầu tư, hòa lưới điện quốc gia, đã góp phần đưa Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển mạnh mẽ về công nghiệp năng lượng, từng bước trở thành trung tâm năng lượng lớn của cả nước. Đến nay, địa bàn tỉnh có 36 nhà máy điện đang hoạt động với tổng công suất 6.077 MW.
Đến năm 2020, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 35,47%; dịch vụ chiếm 35,04%; nông - lâm - thủy sản chiếm 29,49%. GRDP bình quân đầu người đạt 2.856 USD. Sản lượng lương thực đạt hơn 789.000 tấn. Sản lượng hải sản khai thác 222.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 673 triệu USD. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt hơn 46%. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90%. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,5%. Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom, xử lý đạt 93,5%.
Để đạt kết quả trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, lựa chọn công việc có trọng tâm, trọng điểm. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chú trọng xây dựng các quy hoạch, định hướng rõ về sự phát triển; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thu hút đầu tư, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển. Mặt khác, Tỉnh ủy và các cấp ủy đã quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp có phẩm chất, năng lực, dám nghĩ, dám làm, có trách nhiệm cao đối với sự phát triển của tỉnh và các địa phương, đơn vị.
Một trong những thành quả nổi bật trong nhiệm kỳ qua đó chính là việc thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế. Theo đó kinh tế tăng trưởng khá, đặc biệt có sự bứt phá trong giai đoạn 2018, 2019. Quy mô tổng giá trị sản phẩm nội tỉnh (GRDP) liên tục tăng qua các năm, từ hơn 47.100 tỷ đồng năm 2015 tăng lên 81.800 tỷ đồng năm 2020. Các ngành kinh tế phát triển khá đồng đều; kinh tế biển được tập trung đầu tư, phát triển đúng hướng. Hạ tầng giao thông như quốc lộ 1A, quốc lộ 55, quốc lộ 28B, cảng tổng hợp quốc tế Vĩnh Tân… được đầu tư, nâng cấp, liên thông, từng bước hình thành rõ nét liên kết vùng, tạo cơ hội cho việc quy hoạch hệ thống logistics, trọng tâm là các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ.
Tăng trưởng công nghiệp cũng ghi dấu mốc ấn tượng trong nhiệm kỳ qua với giá trị tăng thêm là 18,33%/năm. Đến nay, có 6 khu công nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, với tổng diện tích 1.094 ha, thu hút 81 dự án đầu tư thứ cấp (trong đó có 27 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký đầu tư 3.532 tỷ đồng và 230 triệu USD, diện tích lấp đầy 28%. Toàn tỉnh có 23 cụm công nghiệp thu hút 171 dự án đầu tư với tổng diện tích 266,2 ha, chiếm khoảng 35,4% diện tích đất công nghiệp.
Sản lượng điện thiết kế khoảng 30,6 tỷ kWh/năm. Trong đó, 4 nhà máy nhiệt điện, 6 nhà máy thủy điện, 1 nhà máy điện diesel, 3 nhà máy điện gió và 21 nhà máy điện mặt trời.
Bình Thuận phấn đấu đưa du lịch thành ngành có thương hiệu trong khu vực. Ảnh: vtr.org.vn
Bứt phá mạnh mẽ về du lịch
Theo Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được tổ chức thực hiện có hiệu quả. Du lịch Bình Thuận nói chung và Khu Du lịch Quốc gia Mũi Né nâng cao chất lượng, giữ vững được thương hiệu và uy tín; từng bước trở thành địa bàn trọng điểm về du lịch của cả nước và là Trung tâm Du lịch thể thao biển mang tầm quốc gia. Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh Bình Thuận đón hơn 27 triệu lượt du khách, tăng bình quân 5,64%/năm. Doanh thu du lịch đạt 61.000 tỷ đồng, tăng bình quân 12,51%/năm. Công tác quy hoạch, tổ chức lại không gian du lịch được quan tâm; thu hút được một số nhà đầu tư có tiềm lực; các dự án du lịch triển khai đạt kết quả tốt. Hạ tầng và nguồn nhân lực ngành du lịch từng bước được nâng dần chất lượng. Hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả, có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng ngành du lịch.
Bên cạnh đó, tái cơ cấu nông nghiệp đạt kết quả bước đầu, năng suất, chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống thủy lợi. Cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp từng bước được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Bước đầu thu hút một số dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi đúng hướng; hệ số sử dụng đất lúa tiếp tục tăng, những vùng đất lúa kém hiệu quả được luân canh trồng các loại cây khác có hiệu quả hơn. Cây thanh long trở thành sản phẩm lợi thế có sự tăng trưởng nhanh về diện tích, gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Bình Thuận hiện có khoảng 10.500 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP (chiếm hơn 31% tổng diện tích thanh long toàn tỉnh).
Kinh tế - xã hội các vùng, các địa phương có nhiều chuyển biến tiến bộ. Hệ thống đô thị từng bước được hình thành; tỉ lệ đô thị hóa tương đương với mức bình quân chung của cả nước. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, đến năm 2020 có 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 69,9% số xã, vượt kế hoạch đề ra. Các điều kiện phát triển dân sinh, kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục cải thiện. Các ngành kinh tế biển phát triển khá đồng bộ; huyện đảo Phú Quý có sự phát triển bứt phá về nhiều mặt, được công nhận huyện nông thôn mới vào đầu năm 2015.
Những thành tựu đạt được 5 năm qua thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận. Những chủ trương, Nghị quyết của Đảng được ban hành đã bám sát thực tế và triển khai kịp thời với đặc điểm của từng địa phương. Nhờ đó kết quả mang lại thiết thực và hiệu quả.
Mỗi kỳ Đại hội là thêm một dấu mốc trưởng thành của tỉnh. Đây sẽ là động lực, đòn bẩy để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận bước vào nhiệm kỳ mới 2020 - 2025 với quyết tâm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc trong thời kỳ mới./.
TL