Phát triển nền công nghiệp không khói
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, Khánh Hòa thực hiện đạt và vượt 16/20 chỉ tiêu kinh tế - xã (KT-XH) đề ra. Về quy mô GRDP, Khánh Hòa xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố; quy mô ngành dịch vụ xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố, thứ 2/8 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Khánh Hòa tiếp tục là 1 trong 16 tỉnh, thành phố có đóng góp vào ngân sách Trung ương. Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm đạt 6,1%/năm, trong đó 4 năm 2016 - 2019 tăng bình quân 7,7%; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 73,31 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 5 năm đạt 206,87 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 12,6%/năm. Giá trị các ngành kinh tế biển và ven biển của tỉnh chiếm 80% tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn. Tổng thu ngân sách trong 5 năm đạt 91.541 tỷ đồng, trong đó năm cao nhất (năm 2018) đạt 21.868 tỷ đồng.
|
Lợi thế về biển giúp Khánh Hòa phát triển ngành du lịch. Ảnh: baokhanhhoa.vn
|
Với lợi thế về biển, ngành du lịch Khánh Hòa phát triển theo định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong giai đoạn 2016-2020, doanh thu du lịch tăng bình quân 5%/năm; tổng số khách du lịch đến Khánh Hòa đạt 26,39 triệu lượt, khách quốc tế đạt 11,07 triệu lượt, tăng bình quân 9,9%/năm; cơ sở kinh doanh du lịch tiếp tục phát triển theo xu hướng đầu tư chiều sâu và quy mô lớn. Cũng từ đó, hoạt động thương mại phát triển với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn này tăng bình quân 4,9%/năm; dịch vụ vận tải, nhất là vận tải hàng không và vận tải biển tăng nhanh. Riêng Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh mỗi năm tiếp nhận 2,5 triệu lượt khách, và trên 3 triệu tấn hàng hóa/năm. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh năm 2020 ước đạt 1.450 triệu USD; thị trường xuất khẩu mở rộng đến 135 quốc gia, tăng 30 quốc gia so với năm 2015; mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh là tàu biển, thủy sản, hàng may mặc, nông sản...
Về chăn nuôi thủy hải sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chiếm từ 35 đến 44% giá trị xuất khẩu của tỉnh, đưa Khánh Hòa trở thành 1 trong 5 tỉnh xuất khẩu thủy sản mạnh của cả nước. Ngành nông nghiệp từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, thâm canh, tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị của nông sản Khánh Hòa.
Đẩy mạnh phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm và 4 chương trình KT-XH.
Một trong những nét nổi bật trong phát triển KT-XH địa phương thời gian qua là Khánh Hòa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển đồng bộ để phát huy tiềm năng, thế mạnh của 3 vùng kinh tế trọng điểm; tạo động lực phát triển KT-XH của từng địa phương và cả tỉnh. TP. Nha Trang phát huy vai trò là đô thị hạt nhân, đô thị trung tâm của tỉnh, đang trở thành trọng điểm du lịch của quốc gia và là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước; doanh thu du lịch của thành phố chiếm 85,5% tổng doanh thu du lịch toàn tỉnh. Khu vực vịnh Cam Ranh tiếp tục đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, đầu tư hạ tầng đồng bộ, từng bước trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, khu vực kinh tế động lực phía nam của tỉnh. Đến nay, Khu Kinh tế Vân Phong đã có 91 dự án đi vào hoạt động, thu hút 4,1 tỷ USD vốn đăng ký; đóng góp vào ngân sách của tỉnh khoảng 20.950 tỷ đồng, chiếm khoảng 26,6% thu ngân sách trên địa bàn, giải quyết việc làm cho 6.251 lao động.
|
Khánh Hòa - điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Ảnh: baokhanhhoa.vn
|
Việc thực hiện hiệu quả 4 chương trình KT-XH đã thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn, đô thị và giảm nghèo bền vững. Trong đó, chương trình phát triển nguồn nhân lực đã nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Chương trình phát triển đô thị tạo nên diện mạo đô thị của tỉnh ngày càng khang trang, hiện đại. Theo tiêu chí đô thị trực thuộc Trung ương, Khánh Hòa đạt 67,8 điểm (điểm chuẩn là 75 - 100 điểm). Chương trình xây dựng nông thôn mới thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 56/92 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 60,9% tổng số xã. Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tạo hiệu quả tích cực trong việc nâng cao đời sống, thu nhập, giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Chú trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, 5 năm qua, tỉnh luôn quan tâm đầu tư, phát triển đồng bộ các lĩnh vực. Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa. Chất lượng giáo dục - đào tạo được nâng lên; công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được tăng cường; khoa học - công nghệ có nhiều tiến bộ; công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, di tích lịch sử được quan tâm… Tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, nhất là giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm lo cho các đối tượng chính sách, đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi, các đối tượng yếu thế góp phần ổn định xã hội. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,18%, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân đạt 1,5%/năm. Quốc phòng - an ninh được củng cố vững chắc; tình hình trật tự xã hội ổn định; công tác xây dựng tiềm lực trong khu vực phòng thủ tỉnh có nhiều tiến bộ.
Cùng với phát triển KT-XH, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được thực hiện có hiệu quả. Nhiệm kỳ qua, công tác xây dựng Đảng được triển khai đồng bộ trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đảng bộ đã chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong xã hội. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng bộ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên trong toàn Đảng bộ. Công tác cán bộ được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ. Công tác củng cố tổ chức đảng, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên được chú trọng. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, toàn Đảng bộ tỉnh đã kết nạp 9.351 đảng viên, trong đó, đảng viên được kết nạp trong độ tuổi thanh niên đạt tỷ lệ 60,44%. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường. Công tác dân vận của Đảng bộ và hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới.
Khát vọng 2025
Đại hội đại biểu lần thứ XVIII của tỉnh vừa qua đã thể hiện khát vọng và quyết tâm đổi mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa, phấn đấu xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, trở thành trung tâm kinh tế, du lịch, dịch vụ, khoa học và công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân của vùng và cả nước. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Khánh Hòa quyết tâm thực hiện được 26 chỉ tiêu chủ yếu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường và phát triển bền vững, xây dựng Đảng vớilộ trình phấn đấu phù hợp, bảo đảm tính khoa học, khả thi cao.
|
Đồng chí Nguyễn Khắc Định - Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa
|
Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, trong xây dựng phương hướng phát triển, Đảng bộ Khánh Hòa không theo tư duy nhiệm kỳ mà hướng tới mục tiêu khá xa: Đến năm 2025, Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước, tạo cơ sở nền tảng để đến năm 2030, Khánh Hòa phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trở thành đô thị trực thuộc Trung ương; đến năm 2045, Khánh Hòa trở thành địa phương phát triển hiện đại, thu nhập bình quân của người dân thuộc nhóm các tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Cụ thể, đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm đạt 7,5% trở lên; GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 5.685 USD; tỷ trọng các ngành dịch vụ chiếm 52,6% trong nền kinh tế; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2025 đạt 2 tỷ USD; thu ngân sách nội địa năm 2025 gấp 2,2 lần so với năm 2020.
Nhằm tạo lực đẩy cho phát triển, Khánh Hòa tiếp tục thực hiện có hiệu quả 4 chương trình KT-XH và đẩy mạnh phát triển 3 vùng động lực. Trong đó, khu vực vịnh Vân Phong là vùng kinh tế trọng điểm, động lực của tỉnh và khu vực nam Phú Yên - bắc Khánh Hòa và Nam Trung Bộ; TP. Nha Trang là vùng trọng điểm về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; khu vực vịnh Cam Ranh là vùng trọng điểm về kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh. Đồng thời, tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ đột phá: Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch để đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội; tập trung phát triển khu vực vịnh Vân Phong, tạo động lực phát triển mới; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hướng tới mục tiêu xây dựng Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, có chất lượng môi trường sống tốt và là trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế.
Bước vào nhiệm kỳ mới, cùng với việc tập trung phát triển KT-XH, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa quyết tâm thực hiện tốt những ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng; trọng tâm là tiếp tục thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII). Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, hoạt động của hệ thống chính trị với phương châm “tỉnh sát xã, huyện sát thôn, xã sát từng hộ dân”; phát huy tinh thần đoàn kết trong toàn Đảng bộ, trước hết là trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị; củng cố và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, trong đó quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát triển cán bộ trẻ.
Thương Huyền