Sơn La tích cực triển khai công tác chuẩn bị bầu cử

Nhân dịp này, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử (UBBC) tỉnh Sơn La đã dành thời gian trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác chuẩn bị cho sự kiện chính trị quan trọng này.

Đảm bảo tiến độ, đúng luật định

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBBC tỉnh Sơn La

Phóng viên (PV): Trước hết, xin đồng chí cho biết tiến độ và khối lượng công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử tính đến thời điểm hiện tại?

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh: Có thể nói, đến nay, những nội dung công việc thực hiện chuẩn bị cho cuộc bầu cử cơ bản đều đã hoàn thành đúng tiến độ theo đúng quy định. Có thể kể đến những công việc lớn sau đây đã được triển khai.

Thứ nhất, để chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cấp ủy, UBND, Ban chỉ đạo công tác bầu cử, UBBC tỉnh đã ban hành 92 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tỉnh Sơn La được bầu: 5.081 đại biểu trong đó 07 đại biểu Quốc hội; 65 đại biểu HĐND cấp tỉnh; 405 đại biểu HĐND cấp huyện; 4.604 đại biểu HĐND cấp xã.

Thứ hai, đến 30/3/2021, tỉnh Sơn La đã hoàn thành việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương gồm 217 Ủy ban bầu cử các cấp, 1.309 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, 1.769 Tổ bầu cử.

Thứ ba, UBBC các cấp của tỉnh Sơn La đã tiếp nhận 9.711 hồ sơ trong đó 9.708 hồ sơ của người được tổ chức giới thiệu ứng cử (11 hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, 122 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, 775 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND huyện, 8.800 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND xã), 03 hồ sơ tự ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã (02 hồ sơ tự ứng cử đại biểu HĐND các cấp huyện, 01 hồ sơ tự ứng cử đại biểu HĐND cấp xã).

Thứ tư, Ủy ban bầu cử các cấp của tỉnh đã phối hợp với Ban thường trực MTTQ Việt Nam các cấp của tỉnh tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội do tỉnh Sơn La giới thiệu và những người ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Số lượng, cơ cấu, thành phần những người ứng cử đại biểu Quốc hội do tỉnh Sơn La giới thiệu và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đảm bảo theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Tỉnh đã hoàn thành việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và người ứng cử đại biểu HĐND các cấp.

Thứ năm, để kiểm tra, giám sát việc lãnh, chỉ đạo công tác chuẩn bị cuộc bầu cử, tỉnh ủy Sơn La đã ban hành quyết định thành lập 12 đoàn giám sát công tác chuẩn bị và tiến hành bầu cử đối với 12/12 ban thường vụ huyện ủy, thành ủy. Đến nay, các Đoàn kiểm tra, giám sát của tỉnh ủy, Ủy Ban bầu cử tỉnh đã tổ chức 41 cuộc kiểm tra. Thông qua các cuộc kiểm tra, giám sát giúp các thành ủy, huyện ủy kịp thời phát hiện, sửa chữa, khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác bầu cử.

Thứ sáu, đến hết ngày 13/4/2021, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc lập và niêm yết danh sách cử tri: Theo kết quả thống kê sơ bộ tính đến ngày 12/4/2021, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 819.974 cử tri.

Thứ bảy, Ủy ban bầu cử tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thông tin tuyên truyền về cuộc bầu cử; thực hiện kiểm tra, đôn đốc, giám sát về công tác bầu cử; xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn và y tế, phòng chống dịch bệnh; đảm bảo cơ sở vật chất liên quan đến cuộc bầu cử.

Như vậy, có thể khẳng định, trong thời gian qua cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Sơn La đã tích cực, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời toàn diện đảm bảo tiến độ theo quy định của pháp luật.

PV: Thưa đồng chí, như vậy thì trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử lần này có gặp khó khăn, vướng mắc gì không?

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh: Trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2021-2026, tỉnh Sơn La cũng có gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đó là, tỉnh Sơn La có 819.974 cử tri, việc lập và niêm yết danh sách cử tri còn gặp khó khăn do một số huyện, số lượng cử tri đi làm ăn xa lớn, công tác lập danh sách cử tri ban đầu có khó khăn, có thể biến động phải điều chỉnh.

Hơn nữa, một số bản ở vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới Quốc gia, thông tin liên lạc chưa thuận lợi, công tác thông tin, tuyên truyền có những khó khăn nhất định.

So với cuộc bầu cử trước, các quy định về mức chi, nội dung chi phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp không có sự thay đổi trong khi giá cả thị trường tăng so với thời gian trước.

Bên cạnh đó, việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử theo quy định của Thông tri số 13/TT-MTTW-BTT ngày 19/01/2021 của Ban thường trực UBTW MTTQ Việt Nam có một số nội dung khó thực hiện. Đó là, quy định số cuộc tiếp xúc cử tri tối thiểu, nhất là đại biểu HĐND cấp xã, có nhiều đơn vị bầu cử chỉ có 01 khu vực bỏ phiếu mà phải tổ chức tối thiểu 03 hội nghị tiếp xúc cử tri, như vậy có thể phải tổ chức lặp lại. Hơn nữa, đối với tỉnh Sơn La có địa bàn rộng, dân cư phân bố không đồng đều, nhiều vùng cao, vùng sâu, giao thông, liên lạc còn khó khăn, do đó quy định việc gửi tiểu sử tóm tắt đến các hộ gia đình là khó khăn và tốn kém.

Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội chiếm 70%

PV: Vấn đề mà cử tri quan tâm nhất trong tất cả các cuộc bầu cử là việc lựa chọn giới thiệu ứng cử viên có đức, có tài để đưa vào danh sách bầu cử. Xin đồng chí cho biết chất lượng của các ứng cử viên đại biểu và cơ cấu các thành phần trong xã hội mà hội nghị hiệp thương các cấp đã lựa chọn lần này?

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh: Việc lựa chọn giới thiệu ứng cử viên có đức, có tài để đưa vào những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, cấp ủy, chính quyền tỉnh Sơn La đã thực hiện theo Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH ngày 11/01/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20/01/2021 về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và các văn bản của cấp có thẩm quyền.

Chất lượng, cơ cấu thành phần những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba cụ thể như sau:

Đối với người giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, tỉnh Sơn La được giới thiệu 10 người. Về trình độ chuyên môn, sau đại học: 07 người (chiếm 70%), Đại học: 2 người (chiếm 20%); dưới đại học: 01 người (chiếm 10%). Về cơ cấu thành phần, nữ: 04 người (chiếm 40%); ngoài đảng: 01 người (chiếm 10%); trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): 04 người (chiếm 40%); dân tộc thiểu số: 07 người (chiếm 70%), không có đại biểu tái cử.

Đối với người ứng cử, tự ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã: gồm 8.563 người. Trong đó, về trình độ chuyên môn, sau đại học: 211 người (chiếm 2,46%); đại học 2.828 người (chiếm 33,0%); dưới đại học: 5.524 người (chiếm 64,5%). Về cơ cấu thành phần, nữ: 3.252 người (chiếm 37,9%); ngoài đảng: 1.713 người (chiếm 20%); trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): 5.514 người (chiếm 64,4%); dân tộc thiểu số: 7.492 người (chiếm 87,4%); tái cử: 2.592 người (chiếm 30,3%).

 

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026

PV: Công tác thông tin, tuyên truyền là một trong những yếu tố quan trọng góp phần cho thành công của cuộc bầu cử, nhất là với tỉnh Sơn La là địa phương có địa bàn rộng, đông đồng bào dân tộc thiểu số, vậy công tác tuyên truyền cho cuộc bầu cử sẽ được chú trọng như thế nào? Cách thức, phương pháp tuyên truyền có nét đặc thù nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh: Căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, kế hoạch của UBBC tỉnh, các cơ quan có chức năng về thông tin, tuyên truyền và các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, lựa chọn các hình thức tuyên truyền phù hợp, thiết thực để tuyên truyền về cuộc bầu cử: treo băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu, tổ chức các đội thông tin lưu động phát tờ rơi, thông báo... về cuộc bầu cử tại các cơ quan, đơn vị, trường học, các bản, tiểu khu, tổ dân phố. Đài phát thanh và truyền hình tỉnh mở tiểu mục “Hướng tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND” trong chương trình thời sự truyền hình và phát thanh tổng hợp và xây dựng chuyên mục “Người đại biểu nhân dân” trên sóng truyền hình tỉnh. Đối với Báo Sơn La xây dựng chuyên trang trên báo in và banner trên báo điện tử “Hướng về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch triển khai các hoạt động cổ động trực quan như In, căng treo các cụm pa nô cổ động tấm lớn tại khu vực trung tâm thành phố, thị trấn, tổ chức hoạt động của các đội thông tin lưu động; tổ chức triển lãm, văn hóa, văn nghệ, thể thao chào mừng cuộc bầu cử. In, phát hành 5.500 tờ áp phích tới toàn bộ hệ thống xã, phường, thị trấn, bản, tổ, tiểu khu, cơ quan, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang trong toàn tỉnh.

Về đặc thù, là tỉnh có diện tích rộng, có đông đồng bào người dân tộc thiểu số sinh sống đặc biệt là người dân tộc Thái, người dân tộc Mông... cấp ủy, chính quyền của tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan như Báo, Đài tổ chức biên dịch các tin, bài tuyên truyền về cuộc bầu cử thành tiếng dân tộc Thái, Mông để phát sóng và đăng tải trên trang Thông tin điện tử của Đài PTTH tỉnh.... qua đó tạo sự đồng thuận trong xã hội để tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đạt kết quả cao, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.

PV: Từ nay đến ngày 23/5/2021, là ngày hội toàn dân đi bầu cử, thời gian không còn nhiều. Để cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân, UBBC tỉnh và UBBC các cấp trong tỉnh tập trung vào những vấn đề trọng tâm gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh: Từ nay đến ngày bầu cử, UBBC tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, xác minh và trả lời về các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp theo quy định tại Điều 46, 54 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND (nếu có).

UBBC các cấp lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo từng đơn vị bầu cử. Niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp ở khu vực bỏ phiếu.

Giải quyết khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp (nếu có).

Cùng với đó là phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương như Báo Sơn La, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh tổ chức đăng tải nội dung về vận động bầu cử của những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh.

Tiếp tục chỉ đạo các tổ giúp việc của UBBC tỉnh, UBBC các cấp thực hiện công tác nhân sự, tổ chức thông tin tuyên truyền về cuộc bầu cử, đảm bảo cơ sở vật chất, an ninh trật tự an toàn xã hội và y tế để phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đạt kết quả cao.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!./.

Phản hồi

Các tin khác