TP Hồ Chí Minh phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm giai đoạn 2020-2030

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tham quan sản phẩm thực phẩm chế biến tại triển lãm trưng bày nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố (nguồn:thanhuytphcm.vn)

UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) và sản phẩm ngành chế biến lương thực - thực phẩm Thành phố giai đoạn 2020 - 2030.

Theo đó, Thành phố đặt mục tiêu hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm ngành chế biến lương thực - thực phẩm của Thành phố thông qua việc hỗ trợ đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến mở rộng thị trường. Gia tăng đóng góp của các ngành công nghiệp trọng yếu vào GRDP của Thành phố. Triển khai cụ thể các giải pháp, đề án, dự án tại Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến lương thực - thực phẩm Thành phố giai đoạn 2020 -2030.

Đồng thời, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện các đề án, dự án trong Chương trình từ đó làm cơ sở đề xuất, tham mưu UBND Thành phố ban hành các chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển ngành chế biến lương thực - thực phẩm trên địa bàn.
Triển khai chương trình nhằm thu hút mạnh mẽ nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển nhanh, hiệu quả ngành chế biến lương thực - thực phẩm và công nghiệp hỗ trợ của ngành chế biến lương thực - thực phẩm. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng tăng trưởng công nghiệp nói riêng và kinh tế Thành phố nói chung.

Mặt khác, thu hút, tiếp nhận có chọn lọc các dự án đầu tư; phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên nêu trên thành các ngành công nghiệp hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Qua đó, tạo sự dẫn dắt, lan tỏa về thị trường, công nghệ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động; đóng góp trực tiếp vào quá trình tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế công nghiệp Thành phố theo hướng bền vững.

Để thực hiện mục tiêu trên, Thành phố đề ra các nhiệm vụ, giải pháp như: Xác định danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của ngành chế biến lương thực - thực phẩm Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 và các chính sách hỗ trợ phát triển. Phát triển nguồn nhân lực cho ngành chế biến lương thực - thực phẩm như tổ chức hội thảo khoa học về mô hình phát triển của các DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực chế biến lương thực - thực phẩm; đào tạo tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, cập nhật các quy định của pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm; triển khai các chương trình, kế hoạch hợp tác với các DN nhằm đào tạo nguồn nhân lực bậc cao cho ngành chế biến lương thực - thực phẩm; tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN ngành chế biến lương thực - thực phẩm.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Triển khai các giải pháp về kích cầu đầu tư như triển khai các chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ sản xuất cho ngành lương thực - thực phẩm; hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn. Hỗ trợ phát triển, ứng dụng các giải pháp công nghệ. Triển khai các giải pháp về truyền thông.

Mặt khác, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất như rà soát, ưu tiên bố trí quỹ đất trong Khu công nghiệp cho các dự án ngành chế biến lương thực - thực phẩm sử dụng công nghệ cao, đảm bảo các tiêu chí về môi trường. Quy hoạch phân khu chức năng chuyên ngành trong các Khu công nghiệp mới để bố trí các dự án cùng tính chất ngành nghề; quy hoạch phân lô đất phù hợp với quy mô đầu tư của DN. Quy hoạch, bố trí quỹ đất phục vụ ngành chế biến lương thực - thực phẩm tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ và Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.

Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp bảo vệ thị trường như nghiên cứu xây dựng các tiêu chí, quy chuẩn, quy định về an toàn thực phẩm trong quá trình lưu thông bán sản phẩm trên thị trường. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đến người tiêu dùng, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Phản hồi

Các tin khác