Đắk Nông: Tuyên truyền giúp đồng bào hiểu rõ quyền công dân

Từ đầu tháng 5 đến nay, Đồn biên phòng Cửa khẩu Thuận An (Đắk Mil) đã tăng cường cán bộ, chiến sĩ xuống tận các thôn, bon để tuyên truyền cho người dân về ngày bầu cử. Theo các cán bộ, chiến sĩ, vấn đề khó khăn nhất vẫn là chữ viết và tiếng nói, nên việc tuyên truyền phải từng bước, chi tiết, cụ thể để đồng bào hiểu về bầu cử và quyền công dân. Riêng tờ rơi được in bằng 2 thứ tiếng Việt - M’nông để đồng bào hiểu và nhớ, có cả việc nhắc nhở bà con nhớ ngày đi bầu cử và tránh tình trạng đi làm ăn xa không về hoặc một người đại diện cho cả nhà đi bỏ phiếu.

Đặc biệt, để việc phổ biến tuyên truyền về bầu cử trực quan, sinh động, có hiệu quả, cán bộ, chiến sĩ còn sử dụng xe máy chở theo loa di động, không chỉ phát những nội dung đã được ghi âm sẵn, mà còn giải thích trực tiếp những ý kiến, băn khoăn của cử tri. Nhờ đó, công tác tuyên truyền sát thực hơn, bà con đều nắm chắc thông tin về người ứng cử, quy trình, thủ tục thực hiện bầu cử.

Chị H’Neo, trú ở bon Bu Đắk, xã Thuận An (Đắk Mil) cho biết: "Có cán bộ biên phòng tuyên truyền, người dân đã hiểu được ý nghĩa ngày bầu cử sắp đến, từ đó sáng suốt lựa chọn được đại biểu nhằm gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình. Trong ngày 23/5 tới, vợ chồng tôi sẽ nghỉ một buổi đi làm rẫy để cùng nhau đến điểm bỏ phiếu".

Xã Đắk R’măng (Đắk Glong) là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào phía Bắc. Xác định bầu cử là sự kiện chính trị quan trọng nên thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã đã phối hợp, có kế hoạch tuyên truyền cho đồng bào hiểu rõ về ý nghĩa của ngày hội lớn, nhất là các thể thức, quy định bầu cử.

Cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu Thuận An tới tận nương rẫy của đồng bào để tuyên truyền bầu cử. (Ảnh: Dương Phong)

Ông Lê Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Đắk R’măng cho biết: "Để ngày bầu cử diễn ra thuận lợi, đúng quy định, xã đã phát hơn 4.200 tờ rơi tuyên truyền khi người dân lên UBND xã nhận trợ cấp, chế độ hàng tháng. Nội dung tập trung vào quyền bầu cử và ứng cử của công dân; trách nhiệm của cử tri trong quá trình bầu cử; nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu; việc kiểm phiếu; xử lý vi phạm pháp luật về bầu cử; công bố kết quả trúng cử...".

 Cũng theo ông Đại, xuất phát từ tình hình thực tế và đặc thù của địa phương, ngoài tờ rơi, áp phích tuyên truyền, xã còn nêu cao tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, giúp cử tri hiểu về quyền, nghĩa vụ của mình.

“Chúng tôi đã mời các già làng, trưởng cụm, người có uy tín của từng thôn, bon, cụm dân cư lên nói chuyện để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tuyên truyền về ngày bầu cử. Chính những già làng, trưởng cụm, người có uy tín này sẽ trở về nơi sinh sống và phổ biến lại cho người dân. Ngoài ra, chúng tôi cũng lồng ghép thông tin về ngày bầu cử vào các buổi sinh hoạt tôn giáo, giúp người dân nắm rõ hơn”, ông Đại thông tin thêm.

Ngày bầu cử đến gần, để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, xã Đắk R’măng còn cắt cử cán bộ mang theo loa di động, đi vào từng ngõ ngách, từng cụm dân cư nằm xa trung tâm, tuyên truyền cho người dân. Vùng đồng bào nào sẽ nói tiếng của đồng bào đó, để người dân hiểu và nhận thức sâu sắc.

“Xã có chợ phiên truyền thống của đồng bào Mông, mỗi sáng chủ nhật, xã đặt một chiếc loa tại chợ, tuyên truyền bằng tiếng Mông. Từ đó, đồng bào Mông trên địa bàn hiểu rõ được ý nghĩa của ngày bầu cử và nêu cao ý thức tham gia bầu cử, thực hiện quyền công dân của mình”, ông Đại cho biết./.

Phản hồi

Các tin khác