Ngày 19/4, Uỷ ban về các vấn đề Xã hội phối hợp với Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam và Ban Công tác đại biểu tổ chức hội thảo khu vực phía Bắc “Nữ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và việc thúc đẩy bình đẳng giới”.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Nhóm Nữ đại biểu quốc hội Việt Nam, Ủy ban về các vấn đề Xã hội và Ban Công tác đại biểu đã có sáng kiến tổ chức tập huấn cho các nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trước mỗi kỳ bầu cử.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, qua các nhiệm kỳ Quốc hội, nữ đại biểu Quốc hội đã có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động Quốc hội, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng cử tri và Nhân dân cả nước, góp phần tích cực nâng cao vị thế của phụ nữ Việt Nam; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, nữ đại biểu Quốc hội giữ vai trò nòng cốt trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật và ngày càng có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động ngoại giao nghị viện.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TG)
|
Trước Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, tổng hợp toàn quốc đối với 888 người do địa phương giới thiệu, tỷ lệ ứng cử đại biểu Quốc hội cơ cấu nữ đạt 48,65%. Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh đạt 41,76%; cấp huyện 42,36%; cấp xã đạt 39,05%. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội hy vọng tỷ lệ trúng cử sẽ đạt yêu cầu mà Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đặt ra, cụ thể là, đạt tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35 - 40% và tỷ lệ do Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định bảo đảm có ít nhất 35%.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nêu rõ, không khí dân chủ, dân trí của cử tri và nhân dân ngày được mở rộng; những gửi gắm, mong muốn của lãnh đạo địa phương, của cử tri ngày càng cụ thể hơn, kỳ vọng cao hơn. Tuy nhiên, các nữ ứng cử viên không nên quá bị áp lực, cần biết rõ thế mạnh của mình để phát huy; xây dựng chương trình hành động ngắn gọn, thuyết phục, trình bày tự tin, chân thành, hấp dẫn, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, vì lợi ích của nhân dân để cử tri có nhiều thiện cảm, ấn tượng và tin tưởng bỏ phiếu cho mình.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam và Ủy ban Về các vấn đề xã hội tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong việc tăng cường năng lực, chất lượng của nữ đại biểu Quốc hội và thúc đẩy bình đẳng giới thực chất; đồng thời, chúc các nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND sẽ thành công trong cuộc bầu cử tới đây.
Tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm nữ Đại biểu Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thúy Anh cho biết, bình đẳng giới là quyền con người, là mục tiêu phấn đấu của các quốc gia và thước đo để đánh giá mức độ tiến bộ, phát triển của xã hội. Tuy nhiên, giữa quy định của pháp luật và thực tiễn luôn có khoảng cách nhất định. Việt Nam còn phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đạt được mục tiêu bình đẳng giới thực chất, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng cho biết còn khoảng một tháng nữa là đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, tỉ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp phải đảm bảo tối thiểu 35%. Để đạt được tỉ lệ tối thiểu này và cao hơn nhiệm kỳ trước là thách thức lớn, do đó phải có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, mạnh mẽ, quyết tâm chính trị cao và quan trọng là sự nỗ lực, cố gắng của chính nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.
Tại hội thảo, các nữ ứng cử viên được cung cấp thông tin cơ bản về Quốc hội, tình hình kinh tế - xã hội, một số chính sách pháp luật kinh tế - xã hội và bình đẳng giới mà cử tri quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm, thực hành các kĩ năng tiếp xúc cử tri, vận động tranh cử, xây dựng chương trình hành động... Đồng thời, các ứng cử viên được các đại biểu, nguyên đại biểu Quốc hội hướng dẫn về các kỹ năng tiếp xúc cử tri, vận động tranh cử, xây dựng chương trình hành động, xây dựng hình ảnh xuất hiện trước các phương tiện truyền thông, tạo quan hệ với báo chí./.
Tú Giang