Phụ nữ là nguồn nhân lực quan trọng trong xây dựng và phát triển bền vững đất nước

Tạo điều kiện để phụ nữ đóng góp nhiều hơn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước

Thời gian qua, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức các cuộc hội thảo nhằm thu thập được nhiều nhất trí tuệ, các gợi ý, kiến giải của các vị chuyên gia, các tầng lớp phụ nữ, để từ đó tổng hợp, nghiên cứu và đóng góp có chất lượng vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo“Những vấn đề về phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới” . Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo“Những vấn đề về phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới” . Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tại hội thảo “Những vấn đề về phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới” được tổ chức ngày 23/10, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga thông tin, một số đề xuất của Hội đã được tiếp thu, thể hiện trong dự thảo văn kiện, nhất là quan điểm về xây dựng lực lượng phụ nữ, cụ thể: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thực hiện các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, miền núi; hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới; phát huy tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”.

Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, trung tâm là Dự thảo Báo cáo chính trị, vai trò quyền làm chủ của nhân dân, trong đó có hơn 50% dân số là phụ nữ, được đặc biệt đề cao. Theo Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, để thực hiện quyền làm chủ thực tế của mình, phụ nữ cần thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - tổ chức đại diện và bảo vệ nguyện vọng, lợi ích chính đáng, hợp pháp, vì hạnh phúc, sự tiến bộ của bản thân phụ nữ, gia đình, thế hệ trẻ nói riêng, sự phồn vinh của đất nước nói chung.

Tại Hội thảo “Kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và tham gia các Hiệp định Thương mại quốc tế” được tổ chức ngày 26/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định, trong phát triển kinh tế, lao động nữ đã và đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước với lực lượng hơn 50,2% dân số cả nước; khoảng 71,24% phụ nữ tham gia lực lượng lao động, cao hơn mức trung bình thế giới. Ở Việt Nam, doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng nhiều trong những năm qua, từ 4% năm 2009, lên 21% năm 2011, và đến nay đạt tỷ lệ 25%, cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng chia sẻ, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ở nước ta vẫn còn những hạn chế nhất định, trong đó phụ nữ ở Việt Nam thường không nhận được sự đối xử bình đẳng. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, trong đó có việc tạo điều kiện để phát triển các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ cần được coi là ưu tiên quan trọng trong phát triển kinh tế, phát huy các tiềm năng của phụ nữ, góp phần đảm bảo tăng trưởng bền vững, tăng trưởng bao trùm và tiến bộ xã hội.

Đại diện cho các nữ doanh nhân, Phó Chủ tịch Hội nữ doanh nhân Việt Nam Hà Thị Thu Thanh đề xuất cần tập trung ưu tiên phát triển doanh nghiệp nữ làm chủ, mạng lưới nữ doanh nhân Việt Nam; định hướng một cách rõ ràng cho sự phát triển của phong trào nữ doanh nhân Việt Nam với mục tiêu là gia tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; qua đó, thúc đẩy bình đẳng giới thực sự trong khu vực kinh tế tư nhân, góp phần thúc đẩy sự nghiệp bình đẳng giới trong toàn xã hội.

Nâng cao năng lực bảo vệ quyền, lợi ích của phụ nữ

Còn tại Hội thảo “Nâng cao năng lực đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ - Những nội dung liên quan trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng” được tổ chức ngày 2/11, tại Hà Nội và 55 điểm cầu cấp tỉnh, thành, 323 điểm cầu cấp huyện đã tập trung cho ý kiến về hai chủ đề: vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; quyền làm chủ của nhân dân, tiếng nói của các tầng lớp phụ nữ đối với Đảng. Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Hồ Chí Minh Trần Thị Huyền Thanh, dự thảo Báo cáo chính trị nhiều lần khẳng định vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, tuy nhiên, trong phần phương hướng chiến lược lại ít đề cập đến các giải pháp phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, cần bổ sung thêm định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách nhằm phát huy vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đặc biệt là trong việc giám sát, phản biện xã hội.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Cùng với đó, dự thảo đã mở rộng phương châm “Dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, như vậy là đã nhấn mạnh hai quyền rất quan trọng của nhân dân là quyền giám sát, quyền thụ hưởng theo tinh thần Hiến pháp 2013 và một số quyết định của Bộ Chính trị, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của nhân dân nhưng cần tiếp tục thể chế hóa phương châm này thành những chính sách quy chế, quy định cụ thể để nhân dân phát huy quyền làm chủ trên thực tế, thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ đối với Nhà nước, xã hội.

Bày tỏ sự nhất trí cao khi dự thảo văn kiện của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bà Nguyễn Thị Tuyến Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang, phân tích, các văn kiện trước đây thường dùng chữ “nòng cốt” nay lại bổ sung thêm từ “chính trị” để thấy rõ điểm khác biệt với các tổ chức xã hội, nghề nghiệp về tôn chỉ mục đích, nhiệm vụ, phương thức hoạt động, tổ chức bộ máy, về mối quan hệ trong hệ thống chính trị được Hiến pháp, pháp luật và các văn bản của Đảng quy định.

Còn tại Hội thảo “Giáo dục - Đào tạo; Khoa học - Công nghệ và Nguồn nhân lực chất lượng cao”, được tổ chức ngày 4/11, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Thị Thanh Hà đề nghị bổ sung nội dung “vị thế của khoa học Việt Nam trên bản đồ khoa học thế giới đã tiến bộ rõ rệt”. Bà Hà phân tích, Việt Nam đã hội nhập sâu với khoa học và công nghệ quốc tế (năm 2010 xếp thứ 64, năm 2019 đã xếp thứ 49 trong top 50 của thế giới theo xếp hạng của tổ chức xếp hạng thế giới SCIMAGO); có 2 Trung tâm khoa học quốc tế về Toán học và Vật lý được UNESCO công nhận và bảo trợ, trong ASEAN hiện nay có 6 trung tâm tương tự... Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm nội dung “có chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ nhà khoa học nữ tham gia hoạt động khoa học và công nghệ.

Liên quan đến phần về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng ban Tổ chức cán bộ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần chú trọng hơn giáo dục đạo đức, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam.

Góp ý về nội dung xây dựng chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Thủy kiến nghị, cùng với đề cao vị trí, vai trò và trách nhiệm xã hội, cần đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt. Sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Qua các Hội thảo do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức nhằm đóng góp vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII đã khẳng định, việc lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân là phát huy trí tuệ, tâm huyết, quyền làm chủ của nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong quá trình hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng để phát triển đất nước. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, thể hiện sức mạnh “ý Đảng, lòng dân”./.

 

 

Phản hồi

Các tin khác