Dự thảo cũng phân định rõ hơn vai trò, nội dung, yêu cầu và các công cụ quản lý kinh tế của Nhà nước trong phát triển và củng cố các quan hệ gắn kết giữa kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, dự thảo Báo cáo chính trị nhấn mạnh và làm rõ hơn mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; nhấn mạnh nguyên tắc doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, áp dụng quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế, lấy hiệu quả kinh tế làm mục tiêu chủ yếu và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Các nguồn lực kinh tế của Nhà nước được sử dụng phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển đất nước và cơ bản được phân bổ theo yêu cầu thị trường.
Tuy nhiên, để toàn diện và đồng bộ hơn, dự thảo Báo cáo chính trị cần bổ sung và làm rõ hơn cơ chế quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước, nhất là loại hình 100% vốn nhà nước, không hoạt động trong lĩnh vực lợi nhuận, không phải cạnh tranh với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác và do đó không thể hoạt động theo cơ chế thị trường. Tiếp đến, cần bổ sung nguyên tắc “quản lý nhà nước phải phù hợp với các yêu cầu và quy luật của kinh tế thị trường” thành đầy đủ là “quản lý nhà nước phải phù hợp với các yêu cầu, quy luật và quy trình của kinh tế thị trường, cũng như với các điều khoản hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã cam kết”. Điều này là cần thiết để cơ chế thị trường được thực thi đầy đủ, bảo đảm uy tín chính trị, niềm tin thị trường và khai thác các cơ hội mới. Đồng thời cũng cần bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước là chủ động dự báo và ngăn chặn, xử lý các khuyết tật, tác động mặt trái và khủng hoảng chu kỳ của kinh tế thị trường.
Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XIII cũng nhấn mạnh tới mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước…
Điều này khẳng định một nguyên lý cơ bản đó là: Sự cân bằng giữa chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường là quy luật của sự phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng ta ở nhiệm kỳ tiếp theo. Bản chất của nguyên lý này chính là tôn trọng các nguyên tắc của kinh tế thị trường nhưng không xa rời chủ nghĩa xã hội. Đây chính là phép biện chứng duy vật, giải quyết mối quan hệ giữa yếu tố chính trị và yếu tố phát triển, hai thành phần chính cấu tạo ra chiến lược chính trị.
Thực tế cũng cho thấy, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một quan điểm không mới nhưng nay được hiểu theo một cách mới. Trước kia, đôi khi chúng ta duy trì các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội một cách cứng nhắc, làm yếu đi độ tự do của kinh tế thị trường. Thời kỳ đầu, do chiến tranh kéo dài, chúng ta không có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế cho nên không có các sai lầm thật căn bản về kinh tế. Bây giờ, chúng ta đã hội nhập sâu, đã bị lôi kéo bởi quy luật tự do của kinh tế thị trường, nhưng đồng thời vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội.
|
Đảm bảo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Ảnh minh họa)
|
Xây dựng nền kinh tế thị trường là tuân thủ các đòi hỏi của thị trường, còn định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường ấy được điều hành sao cho không xâm phạm các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa. Tức là chúng ta vừa tôn trọng tính khách quan của kinh tế thị trường, vừa bảo vệ các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội. Như vậy Đảng ta có quyền tự do ở trong cả việc bảo vệ nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội và việc tuân thủ các nguyên tắc của kinh tế thị trường. Biện chứng là sự tác động, giao lưu tự do giữa các yếu tố với nhau. Biện chứng không chỉ có đối lập mà còn có cả hợp tác. Phép biện chứng là nguyên lý triết học phản ánh đầy đủ tính đấu tranh và hợp tác giữa các mặt đối lập. Nếu không tự do trong đấu tranh và không tự do trong hợp tác thì không biện chứng.
Xây dựng nền kinh tế phải dựa trên sự ổn định của xã hội, mà các nguyên lý của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam chính là nguyên lý để bảo vệ sự ổn định. Ổn định chính trị là điều kiện nền tảng của sự phát triển. Không ổn định thì không ai có ý đồ sản xuất hay đầu tư. Nếu xã hội không có những người có ý đồ sản xuất hay đầu tư thì lấy đâu ra công ăn việc làm cho người dân. Mà không có công việc thì lấy đâu ra thu nhập để sống. Sống là phải có thu nhập, có tiêu dùng. Có thu nhập, có ham muốn, có tiêu dùng chính là quy trình của sự phát triển con người.
Tất nhiên, chất lượng của chủ nghĩa xã hội và sự cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường là hai yếu tố không dễ điều hòa. Cho nên cần phải làm một cách "từ tốn" theo hướng "thả dần" cho các lực lượng tham gia vào thị trường một cách tự do hơn, còn vai trò của Nhà nước "co lại" một cách hợp lý hơn. Cần phải tiến hành cải cách để điều chỉnh một số yếu tố mang chất lượng động lực đối với sự phát triển như: Giảm thêm tỷ trọng kinh tế Nhà nước, xí nghiệp Nhà nước và tạo không gian cho khu vực tư nhân; Cần phải xác định rõ vai trò của Nhà nước, của thể chế kinh tế, xác định rõ hệ thống luật pháp và đặc biệt là chuyên nghiệp hóa các định nghĩa liên quan đến sở hữu. Chất lượng sở hữu là giấy thông hành cho các tài sản tham gia vào quá trình xây dựng thị trường ở Việt Nam./.
Hà Anh