Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị cũng như Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, nhiều trí thức, doanh nhân Việt đang sinh sống, làm việc tại Nga đều nhận thấy, sau 35 thực hiện đổi mới cũng như 10 năm thực hiện Cương lĩnh mới từ năm 2011, đất nước đã có những bước phát triển toàn diện. Nhiều ý kiến trong cộng đồng người Việt tại Nga bày tỏ sự khâm phục trước những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội mà đất nước đã đạt được trong những năm qua.
Theo đó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển. Kinh tế vĩ mô ổn định. Tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao. Đời sống nhân dân được cải thiện. Chính trị - xã hội ổn định. Quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đạt nhiều thành tựu nổi bật.
Ưu tiên, tạo thuận lợi cho kiều bào đầu tư trong nước
Là một công dân Việt Nam sống và làm việc tại Liên bang Nga đã nhiều năm, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, chuyên gia Trung tâm chiến lược Nga tại châu Á, Viện kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga rất quan tâm đến những dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng nhận thấy rằng, trong Dự thảo Báo cáo chính trị lần này bổ sung, nhấn mạnh một số như nội dung về thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, chuyên gia Trung tâm chiến lược Nga tại châu Á, Viện kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga (Ảnh: VOV).
Cụ thể, về thể chế, Dự thảo Báo cáo chính trị mở rộng phạm vi thành thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh theo pháp luật.
Về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, Dự thảo Báo cáo chính trị bổ sung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở chú trọng nâng cao, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục - đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Góp ý về huy động nguồn lực kiều bào vào phát triển đất nước, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng cho rằng: “Huy động nguồn lực kiều bào, nguồn nhân lực chất lượng cao cần có những cơ chế, chính sách cụ thể tạo động lực để thu hút nguồn nhân lực kiều bào chất lượng cao theo hướng chúng ta quan tâm không chỉ đúng mức về lợi ích kinh tế mà cả thể chế, cách thức; ví dụ: tạo ra những trung tâm khoa học, trung tâm tiếp nhận đổi mới công nghệ… để những người tài năng có thể trở về nước, quyết định gắn bó, cống hiến cho đất nước”.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Bá, chủ doanh nghiệp ở thành phố Novosibirsk cũng mong muốn rằng, Nhà nước có chính sách ưu tiên, tạo thuận lợi cho kiều bào đầu tư về trong nước: “Những người muốn đầu tư nhỏ về chế biến, sản xuất về Việt Nam cỡ 2-3 triệu USD rất nhiều. Bây giờ làm thế nào phải ưu tiên Việt kiều, làm thế nào để đầu tư được thuận lợi?”.
Bên cạnh đó, để phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, bà con đề xuất, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân cần có quy chế mạnh mẽ hơn hiện nay, giám sát phải thực hiện từ đồng chí giữ cương vị cao nhất, phải gương mẫu.
Về vấn đề chống tham nhũng, tạo niềm tin cho người dân, văn kiện nên nhấn mạnh chế tài thu hồi tài sản tham nhũng, phòng chống tham nhũng phải quyết liệt hơn thì mới ngăn chặn được.
Chính sách đối ngoại của đất nước trong những năm tới cũng nhận được sự quan tâm của cộng đồng người Việt tại Nga. Nhiều ý kiến cho rằng, hội nhập vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng trước tình hình thế giới có nhiều biến động, vấn đề tạo lòng tin là quan trọng. Do đó, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục coi trọng vai trò của ngoại giao nhân dân, bao gồm cả ngoại giao kinh tế, văn hóa, khoa học…
Ngoài ra, bà con mong muốn, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga, nhất là về kinh tế, văn hóa được tăng cường hơn nữa, mở rộng xuất khẩu các mặt hàng sang thị trường rộng lớn của Nga, thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Người Việt tại Lào: Đảng và Chính phủ đã làm tốt công tác chống tham nhũng
Tại cuộc họp trao đổi, lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng người Việt tại Lào vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng do Đại sứ quán Việt Nam tại Lào tổ chức vào ngày 11/11, đại diện một số chi hội và các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Người Việt tại Lào đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng cho biết, Đảng ủy tại Lào đã gửi các văn bản, thông báo xuống các chi bộ, các nơi trong Đảng và trong cộng đồng; đồng thời đưa lên mạng văn kiện này và hướng dẫn bà con xem văn kiện và đóng góp ý kiến trên mạng.
Ngoài tổ chức bằng hình thức gián tiếp, Đại sứ quán tiếp tục tổ chức lấy ý kiến trực tiếp của bà con đóng góp và 4 dự thảo văn kiện của Đại hội.
Hoàn toàn nhất trí với các nội dung trong văn kiện, Phó Chủ tịch Tổng Hội người Việt Nam tại Lào Phạm Văn Hùng cho rằng, thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã làm tốt công tác chống tham nhũng và được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con trong và ngoài nước và mong rằng nhiệm kỳ tới, Đại hội sẽ bầu ra những người có tài, có đức để làm tốt hơn nữa nhằm đáp ứng mong mỏi của toàn thể cộng đồng bà con Việt Nam tại nước ngoài.
Theo Phó Bí thư Đảng ủy tại Lào Lê Nho Thạnh và đại diện Tổng hội người Việt Nam tại Lào, Hội người Việt Nam tại Vientiane, Hội doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào, Ban cán sự Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại Lào cùng đại diện một số chi hội và các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đều nhất trí với các nội dung được nêu ra trong 4 dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng; đồng thời khẳng định, báo cáo được xây dựng rất công phu, tỉ mỉ và chặt chẽ với nhiều ý kiến mới được bổ sung vào trong văn kiện. Đặc biệt, trong văn kiện để trình Đại hội lần này cũng đã chắt lọc được các ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân, tầng lớp trí thức, các tổ chức Đảng Trung ương và địa phương.
Một số ý kiến của các đại biểu cũng quan tâm đến các vấn đề như phòng chống tham nhũng, giáo dục, phát triển kinh tế, quan tâm đến bà con Việt kiều. Tất cả ý kiến của các đại biểu tham dự hôm nay đều được tiếp thu và tổng hợp lại để gửi về trong nước qua kênh Bộ Ngoại giao.
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng giới thiệu một số nội dung chính trong dự thảo các văn kiện với bà con Việt kiều (Ảnh:VOV)
Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng cho biết, Đảng ủy tại Lào đã gửi các văn bản, thông báo xuống các chi bộ, các nơi trong Đảng và trong cộng đồng; đồng thời đưa lên mạng văn kiện này và hướng dẫn bà con xem văn kiện và đóng góp ý kiến trên mạng. Ngoài tổ chức bằng hình thức gián tiếp, Đại sứ quán tiếp tục tổ chức lấy ý kiến trực tiếp của bà con đóng góp và 4 dự thảo văn kiện của Đại hội.
Người Việt tại Australia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng
Tại Tọa đàm lấy ý kiến của cộng đồng người Việt tại Australia về dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII do Đại sứ quán Việt Nam tại Australia tổ chức, đại diện giới tri thức, các nhà nghiên cứu khoa học, doanh nhân, Hội sinh viên Việt Nam và cộng đồng người Việt tại các vùng, miền của Australia đã sôi nổi đóng góp ý kiến vào từng văn kiện lớn nhằm thể hiện trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của cộng đồng người Việt tại Australia đối với các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII.
Các đại biểu nhất trí cho rằng việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, trong đó có cộng đồng bà con Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện được sự cởi mở, tinh thần phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước cho các năm tới. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện quan trọng của Đảng; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Nhiều đại biểu đánh giá các dự thảo văn kiện đã được chuẩn bị công phu, khoa học, kết cấu chặt chẽ, quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển.
Các văn kiện đã có những đánh giá khách quan, toàn diện và cụ thể các kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đồng thời có những đánh giá, dự báo sát thực về tình hình, bối cảnh thế giới cũng như trong nước.
Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng phát triển đến năm 2030, năm 2045, các văn kiện dự thảo thể hiện được những quan điểm, chủ trương lớn, giải pháp chủ yếu nhằm đạt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ. Các đại biểu đã đưa ra nhiều nhận xét, góp ý, đề xuất cụ thể về nội dung các văn kiện, tập trung vào các vấn đề kinh tế, giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phát triển bền vững…
Một số ý kiến cho rằng, phần dự báo tình hình thế giới và trong nước cần cân bằng hơn giữa các nội dung về thách thức và cơ hội, cần bổ sung đánh giá về các thuận lợi và yếu tố có triển vọng thúc đẩy triển vọng phát triển kinh tế-xã hội, củng cố tính khả thi của các chỉ tiêu đặt ra trong 5 năm tới. Các khái niệm mới cũng cần được định nghĩa, làm rõ nội hàm để thống nhất triển khai và theo dõi đánh giá thực hiện theo lộ trình đề ra.
Về giáo dục- đào tạo, các đại biểu cho rằng để tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cần chú trọng đến thu hút nhân lực, nhân tài của kiều bào ta ở nước ngoài.
Đặc biệt, các đại biểu cho rằng cần bổ sung nội dung đánh giá về tầm quan trọng và đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trên cơ sở đó, cần thể hiện sâu sắc hơn quan điểm, chính sách đối với người Việt tại nước ngoài và có giải pháp nhằm khuyến khích và nâng cao đóng góp của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Ngoài ra, đại diện lưu học sinh Việt Nam tại Australia nêu kiến nghị cần có các giải pháp cụ thể trong việc đào tạo, xây dựng thế hệ thanh niên năng động, nhiệt huyết và nhạy bén trước những khó khăn. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới cần có sự quan tâm đặc biệt, phù hợp đối với các đối tượng thanh niên ở từng khu vực, vì đây là nguồn lao động trẻ vừa có năng suất lao động, có trí tuệ và khả năng thích ứng với sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ, là nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.
Khánh Lan (tổng hợp)