Cân nhắc chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2026

Đề nghị thay đổi một số nhận định, đánh giá

Đồng chí Phan Việt Cường đánh giá dự thảo báo cáo trình Đại hội XIII đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2026 đã phân tích, đánh giá khá cơ bản, toàn diện tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể, về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, đồng chí thống nhất cao với nhận định về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, đó là “đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật”. Trong giai đoạn này, khó khăn, thách thức là rất lớn và trong điều kiện triển khai thực hiện nhiều chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, như: Cơ cấu lại nền kinh tế; đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.... nhưng với quyết tâm chính trị cao, chúng ta đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển của giai đoạn tiếp theo.

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội góp ý các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII (Ảnh: KT)

Tuy nhiên, để phản ánh đúng hơn thực trạng chuyển biến kinh tế - xã hội của đất nước trong 5 năm qua, đồng chí Phan Việt Cường đề nghị xem xét thay đổi một số nhận định, đánh giá.

Cụ thể, về chất lượng tăng trưởng, đồng chí cho rằng, nhận định "chất lượng tăng trưởng được nâng cao" là đánh giá quá cao mức độ tăng lên của chất lượng tăng trưởng, chưa tương xứng với năng lực thực tế của nền kinh tế. “Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, kinh tế nước ta đã có nhiều thay đổi hết sức tích cực, song vẫn còn nhiều vấn đề chưa đạt như kỳ vọng” – đồng chí nói. Đồng thời chỉ ra, tăng năng suất lao động thời gian qua chủ yếu do tăng vốn đầu tư và sử sụng lao động chi phí thấp, vẫn chủ yếu dựa vào hoạt động kinh tế thâm dụng lao động, ở mức nhất định vẫn dựa vào xuất khẩu và dựa vào đầu tư nước ngoài ngày càng tăng; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng năng suất lao động còn thấp và chưa bền vững. Sức cạnh tranh và chống chịu của nền kinh tế chưa cao... Do vậy, nội dung này đề nghị đánh giá ở mức độ "chất lượng tăng trưởng có nâng lên".

Về nông nghiệp, đồng chí Phan Việt Cường cho rằng, đánh giá như dự thảo là chưa mang tính khái quát cao, chưa thể hiện được vai trò lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước trong việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, cần đánh giá đúng thực trạng việc đầu tư của doanh nghiệp vào khu vực nông nghiệp và vấn đề liên kết sản xuất ở mức độ vừa phải, khách quan. Vì vậy, đề nghị đánh giá và thiết kế lại nội dung này cho hợp lý hơn.

Riêng phần đánh giá mức độ đầu tư của doanh nghiệp vào khu vực nông nghiệp và liên kết sản xuất, đồng chí đề xuất nhận định ở mức độ: “Đầu tư vào khu vực nông nghiệp của các doanh nghiệp có xu hướng tăng; liên kết sản xuất theo chuổi giá trị, khép kín có bước phát triển" là phù hợp.

Đối với thị trường bất động sản, theo đồng chí cần xem xét lại nhận định "Thể chế phát triển thị trường bất động sản và quyền sử dụng đất được hoàn thiện và hoạt động bền vững hơn, huy động được nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội". Thực tế trong những năm qua, mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, song thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn quá nhiều bất cập, hạn chế, tình trạng "thổi giá", mua bán đất ảo, đất trên giấy tờ, lừa đảo... và hệ lụy của nó còn kéo dài nhiều năm. Do vậy, chưa thể đánh giá thị trường bất động sản là hoàn thiện và hoạt động bền vững được.

Về những hạn chế, yếu kém, đồng chí đề nghị dự thảo Báo cáo bổ sung, phân tích, đánh giá cụ thể, làm rõ hơn một số nội dung. Đó là, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ còn lúng túng, chưa có định hướng cụ thể, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển chung của nền kinh tế.

Tính kết nối trong phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng các loại hình giao thông chưa cao, thiếu đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến phát triển và tính cạnh tranh của ngành Logistics. Giao thông khu vực miền núi còn rất khó khăn và chưa được đầu tư đúng mức.

Khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất nhiều khó khăn, kinh tế phát triển chậm, vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5%-7% là rất khó khả thi

Về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đối với các chỉ tiêu chủ yếu, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường cơ bản thống nhất với các số liệu của dự thảo Báo cáo, có tính khả thi và thể hiện được mục tiêu phấn đấu.

Tuy nhiên, theo đồng chí, chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5%-7% cần cân nhắc, tính toán cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Đại biểu phân tích, cho dù một số tổ chức có uy tín trên thế giới đều đánh giá tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020 là rất tích cực, song với độ mở của nền kinh tế hiện nay, và nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới rất khó khăn, nguy cơ suy thoái, khủng hoảng toàn cầu kéo dài nặng nề. Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thương mại và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam.

“Khi đó, chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5%-7% là rất khó khả thi” – đồng chí Phan Việt Cường nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường đề xuất nhiều nội dung đối với phần nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Cụ thể, đối với chủ trương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thiện cơ bản thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đề nghị bổ sung nội dung sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và tiếp tục hoàn thiện thể chế đối với thị trường bất động sản; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quản lý đất đai nhằm đưa đất vào sử dụng hiệu quả, khai thông các điểm nghẽn, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi, tăng trưởng.

Về cơ cấu lại các ngành sản xuất, đề nghị xác định rõ một số ngành công nghiệp có lợi thế, khả năng phát triển để có cơ chế, chính sách đầu tư phát triển tiến thẳng lên hiện đại, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học và công nghệ cao. Đồng thời, tập trung phát triển và quản lý chặt công nghiệp khai khoáng, huy động hiệu quả nguồn lực tài nguyên phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước, khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên. Có chính sách cụ thể để phát triển công nghiệp hỗ trợ; hình thành các Tập đoàn công nghiệp có quy mô, tầm cỡ khu vực trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao để tạo hiệu ứng lan tỏa, dẫn dắt các ngành công nghiệp Việt Nam phát triển.

Về nông nghiệp, ngoài những nội dung báo cáo đã nêu, đề nghị bổ sung nội dung: Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, có chính sách khuyến khích đầu tư nâng cao chất lượng rừng trồng, phát triển các loại dược liệu quý dưới tán rừng nguyên sinh (như Sâm Ngọc Linh, tam thất, đẳng sâm...), khai thác lâm đặc sản hợp lý nhằm thực hiện đồng thời 2 mục tiêu: nâng cao thu nhập, đời sống của người dân khu vực miền núi và duy trì tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%.

Về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, đề nghị ưu tiên đầu tư phát triển mạnh hệ thống giao thông khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xem đây là một chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch 2021-2025. Hệ thống giao thông kết nối khu vực miền núi với đồng bào thuận lợi, sẽ tạo điều kiện để lưu thông phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

“Bài toán cho con cá hay trao cần câu cũng không thể giải quyết dứt điểm được tình trạng đói nghèo, lạc hậu, mà chỉ có giao thông thuận lợi mới tạo môi trường giao lưu kinh tế, văn hóa, làm thay đổi tư duy, thói quen, tập tục sản xuất, giúp đồng bào khu vực miền núi phát triển” – đồng chí Phan Việt Cường nói. Đồng thời khẳng định, cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 chúng ta sẽ giải quyết được mục tiêu “kép”: Xóa đói giảm nghèo bền vững, thúc đẩy tăng trưởng, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực miền núi với khu vực đồng bằng, đảm bảo công bằng xã hội.

Ngoài ra, đồng chí cũng đề nghị cần bổ sung nội dung, chỉ đạo, định hướng rõ hơn đối với việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và bố trí thành một mục riêng. Bởi, đây là một chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, có tác động tích cực đến đời sống, an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo./.

Phản hồi

Các tin khác