Tạo bước đột phá về thể chế kinh tế trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Ông Hoàng Thanh Hoài ở 61 Lý Thường Kiệt, P. Quyết Thắng, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum cho rằng, Đảng ta rất chú trọng đến công tác nghiên cứu lý luận, vận dụng linh hoạt vào quá trình lãnh đạo và điều hành đất nước, đảm bảo phù hợp với xu thế mới của thời đại. Các văn kiện đại hội Đảng từ nhiệm kỳ VI đến nay đều nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác nghiên cứu lý luận, nhằm tham mưu cho Đảng ta đề ra đường lối phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam theo từng giai đoạn.

Tạo bước đột phá về thể chế kinh tế trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: PC

Tạo bước đột phá về thể chế kinh tế trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: PC

Đại hội VI đã mở ra một trang sử mới cho cách mạng nước ta, đề ra đường lối đúng đắn để phát triển kinh tế đất nước, xác định mục tiêu tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.

Hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã lãnh đạo đất nước giành được nhiều thắng lợi to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao,… tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng với tiềm lực hiện có của đất nước và kỳ vọng của nhân dân.

Để góp phần đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 theo dự thảo Nghị quyết trình Đại hội trở thành hiện thực, ông Hoàng Thanh Hoài tham gia ý kiến như sau: Về thể chế kinh tế, trong Mục IV- Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tại điểm 1 và 2 - xác định các thành phần kinh tế, chỉ mới đề cập đến 3 thành phần: Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân, nên đưa vào thêm thành phần kinh tế tư bản nhà nước và tư bản tư nhân để có định hướng quản lý, tạo điều kiện phát huy tiềm lực to lớn của các thành phần kinh tế này; đặc biệt, kinh tế tư bản nhà nước chiếm một vai trò vô cùng quan trọng trong việc tích lũy vốn và giá trị thặng dư, tạo cơ sở vật chất kỹ thuật cho Chủ nghĩa xã hội trong tương lai.

Chúng ta nên tạo bước đột phá về thể chế kinh tế, từ thể chế kinh tế này, sẽ hình thành quan hệ sản xuất mới phù hợp với lực lượng sản xuất, thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội.

Theo ông Hoàng Thanh Hoài việc chú trọng phát triển thành phần Chủ nghĩa tư bản nhà nước là phù hợp quy luật phát triển. Chúng ta không sợ chệch hướng XHCN, chính lâu nay vẫn đang áp dụng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhưng ở trình độ thấp hơn mà thôi. Để tránh chệch hướng, việc chúng ta nên làm là tăng cường kiểm soát quyền lực, chống chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, tư túi,… Những điều gì tốt đẹp, có lợi cho nước cho dân thì chúng ta mạnh dạn học tập và làm theo.

Ông Vũ Báu có địa chỉ email vubau0107@gmail.com góp ý về nôi dung khi viết về mô hình kinh tế của nước ta. Ông cho biết, trong Báo cáo chính trị có viết :"Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển.". Đoạn này  có thể viết lại như sau :"Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tư nhân giữ vai trò quan trọng và là động lực chính; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển". Bởi vì chúng ta đang khuyến khích để phát triển kinh tế tư nhân và đặc biệt là khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của người dân và phát huy nội lực trong nước nên việc đưa kinh tế tư nhân sau kinh tế nhà  nước  sẽ chúng ta sẽ thể hiện được việc tiếp tục coi trọng kinh tế tư nhân. Mặt khác, kinh tế thị trường thì yếu tố kinh tế  tư nhân là cơ sở chính nhưng do chúng ta vận hành theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì kinh tế nhà nước có vai trò dẫn dắt và định hướng. Cho nên việc đặt kinh tế tư nhân đứng sau kinh tế nhà nước và đứng trước các thành phần kinh tế khác là phù hợp về mặt lý luận lẫn thực tiễn./.

Phản hồi

Các tin khác