Là một người công tác lâu năm trong lĩnh vực kinh
tế, dù đã nghỉ hưu 10 năm, nhưng ông Phạm Văn Chắt ở địa chỉ 27/28B
Huỳnh Tịnh Của, phường 8, quận 3, Tp Hồ Chí Minh vẫn rất quan tâm đến những biến
đổi của nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế. Ông
đã gửi tới Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam một số góp ý về nội dung hội nhập
kinh tế quốc tế ở Việt Nam bởi theo ông, chúng ta vẫn còn khá lúng túng trong
vấn đề này.
|
Hội nhập kinh tế
quốc tế luôn được Đảng và Nhà nước ta chú trọng. Ảnh minh họa: HM
|
Ông Chắt cho rằng, Đảng và Nhà nước ta đã nhận rõ
tầm quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế, ban hành nhiều chính sách, chủ động
cho quá trình hội nhập và đã đạt được những kết quả quan trọng như trong Dự thảo
Văn kiện Đại hội nêu: “Chúng ta đã đạt được nhiều thành
tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn
nổi bật”. Tuy nhiên, Bác nhận định, chúng ta vẫn còn những tồn
tại hoặc khó khăn mới phát sinh trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, do đó sự
lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và sự điều hành của Chính phủ trong việc đưa đất nước vượt
qua được thách thức, biến thách thức thành động lực phát triển là
hết sức cần thiết.
Về văn bản quy phạm pháp luật, theo
ông Chắt, Việt Nam ta còn thiếu khá nhiều luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội
trong đó có luật liên quan đến hôi nhâp kinh tế quốc tế, đặc biệt là các thoả
thuận trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp
định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư
(EVIPA) Việt Nam – EU và sắp tới là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực
(ASEAN + 6). Thứ hai, có quá nhiều văn vản dưới luật được ban hành nhưng thiếu
tính rõ ràng, minh bạch do đó việc xử lý vi phạm hành chính tai nước ta đang gặp
rất nhiều trở ngại. Thứ ba, thực tiễn cũng cho thấy tính khả thi trong nhiều quy
định của pháp luật nước ta không cao do nhiều văn bản quy phạm pháp luật không
theo kịp thực tiễn.
Ông cho rằng, cần
thay đổi cách xây dựng luật và các văn bản dưới luật, sao cho sát và phù hợp với
thực tiễn, có tính khả thi; sửa đổi các bộ luật, tránh việc luật vừa ra đời đã
lạc hậu so với thời cuộc.
Về nhân sự làm công tác quản lý điều hành, có
một thực tế là, trong nhiều cuộc hội thảo, khi được hỏi về các Hiệp định FTA và
nội dung cũng như cơ hội và thách thức khi gia nhập FTA, rất ít đại biểu hiểu và
trả lời được. Khoảng trống này có nguyên nhân là ở các địa phương, nhất là từ
cấp huyện trở xuống, việc tổ chức các hội nghị, hội thảo phổ biến cho cán bộ
quản lý rất hạn hữu. Trong khi đó các kênh thông tin đại chúng, đặc biệt là báo
chí và truyền hình chưa sản xuất được các chương trình hội nhâp thu hút khán,
thính giả người đọc.
Trong thời gian tới, cần và nên có các chương trình
đa dạng hoá hình thức và nội dung nhằm truyền đạt đến các cán bộ và đảng viên
nội dung các FTA, cơ hội và thách thức đối với cả nước nói chung và địa phương
mình nói riêng. Đối với các cán bộ công chức, nhất là đảng viên đang công tác
trong các cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương, ngoài những quy định phải
đáp ứng tiêu chuẩn, thiết nghĩ cần quy đinh thêm: Đối với những người hoạt động
trong lĩnh vực, địa bàn liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế phải nắm vững các
thoả thuận trong các FTA liên quan đến lĩnh vực, đến địa phương mình và nghiên
cứu kiến nghị lãnh đạo thực hiện các giải pháp để vượt qua khó khăn, thách thức,
khai thác hiệu quả nhất lợi thế so sánh của địa phương mình. (thực tế đã có
những địa phương rất quan tâm và được nông dân hưởng ứng thực hiện tốt như Đồng
Tháp, An Giang là những ví dụ).
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương với
nhau và với các địa phương, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ nhằm nâng cao sức
cạnh tranh, phát triển hài hòa các yếu tố kinh tế thị trường. Mặt khác, cần xây
dựng và thực hiện cơ chế nhận biết, cảnh báo sớm tác động trong các lĩnh vực hội
nhập kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới.
Về doanh
nghiệp, cần
tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước.
Theo công bố ở “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020", tính đến ngày
31/12/2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động. Về kết quả hoạt động
kinh doanh: Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có kết quả kinh doanh hiệu quả,
tiếp đến là doanh nghiệp FDI, trong khi doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả nhất.
Điều này cũng dễ lý giải vì, thực tiễn cũng cho thấy, trên 95% doanh nghiệp tại
Việt Nam là nhỏ và vừa hoặc siêu nhỏ. Sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh
nghiệp và sản phẩm vẫn còn yếu so với các nước, kể cả các nước trong khu vực.
Các ngành kinh tế, các doanh nghiệp mang tính mũi nhọn vươn ra chiếm lĩnh thị
trường khu vực và thế giới chưa đáng kể.
Về nông nghiệp, mặc dù có nhiều
mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm vị trí cao trên thị trường
thế giới, nhưng cũng gặp rất nhiều vấn đề: thu nhập người nông dân thấp, trình
độ hạn chế, thường xuyên xảy ra hiện tượng được mùa thì rớt giá, được giá thì
mất mùa, thị trường xuất khẩu thiếu ổn định, tỷ lệ hàng hóa đạt tiêu chuẩn thấp,
liên kết “4 nhà” còn quá lỏng lẻo.
Do vậy, Đảng, Chính phủ cần có biện pháp cụ thể thực
hiện tốt liên kết 4 nhà thông qua việc quy định trách nhiệm nghĩa vụ và quyền
lợi của từng nhà, tránh nêu khẩu hiệu chung chung. Đặc biệt trong việc giúp
ngành nông nghiệp hình thành chuỗi giá trị hàng nông sản – sự sống còn của nông
nghiệp. Cần có cơ chế cụ thể trong chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp,
trong đó chú trong việc hình thành kinh tế vùng và liên kết vùng dựa trên cơ sở
tiềm năng của các vùng kinh tế để khai thác có hiệu quả năng lược ngành nông
nghiệp nước ta.
Bên cạnh đó việc thực thi các quy định pháp luật về
quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có việc đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý cần
được triển khai nhằm giúp nông dân nắm và thực thi quyền này. Đồng thời cần có
chế tài đầy đủ để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Về công nghiệp, các
doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn lúng túng trong đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ
trợ cho các nhà sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Đây cũng là nguyên
nhân là cho sản phẩm công nghiệp Việt Nam có giá thành cao, khó cạnh tranh với
sản phẩm cùng loại của Thailand, Indonesia và Malaysia...
Do vậy, Nhà nước cần nghiên cứu và vận hành các giải
pháp để đổi mới, chính sách thu hút vốn đầu tư FDI, khắc phục tình trạng dự án
FDI tuy tăng về số lượng, nhưng chất lượng chưa đảm bảo, công nghệ chưa tốt.
Đồng thời có biện pháp để phát triển thị trường công nghệ tại Việt Nam bền vững,
khắc phục tình trạng doanh nghiệp Nhà nước chưa quan tâm nhiều đến đổi mới công
nghệ, doanh nghiệp tư nhân thiếu vốn, thiếu công nghệ.
Chính phủ cần giao cho các Bộ, ngành phối hợp với
nhau và với địa phương nghiên cứu, hỗ trợ chuyển đổi mô hình doanh nghiệp thành
doanh nghiệp số phù hợp CM 4.0, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Về nguồn nhân lực, cần
nâng cao đào tạo kỹ năng cho người lao động đáp ứng các tiêu chuẩn của các doanh
nghiệp, đặc biệt là kỹ năng sử dụng máy móc, công nghệ; các nhà trường, cơ sở
đào tạo cần thiết kế lại chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học,
nâng cao các kỹ năng mềm cho sinh viên và học sinh, đặc biệt trong thời đại 4.0,
đáp ứng theo nhu cầu của xã hội, cần tiếp cận theo hướng đa ngành thay vì chuyên
ngành như trước đây.
Nghiên cứu, bổ sung thêm các chuyên ngành đào tạo
các nghề về ICT, blockchain, Trí tuệ nhân tạo (AI) để đáp ứng về nhu cầu nhân
lực trong CMCN 4.0.
Ông mong muốn,chúng ta tiếp tục phát huy thành tựu
đã đạt được, xây dựng và thực hiện tốt các giải pháp để vượt qua khó khăn thách
thức. Đây chắc chắn sẽ là động lực quan trong để Việt Nam thành công trong hội
nhập kinh tế quốc tế.
PV