Thái Bình: Nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII
 

Ông Nguyễn Văn Đạt, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Kiến Xương: “Tôi nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Các định hướng, giải pháp phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội hoàn toàn phù hợp. Trong phần giải pháp về phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội, đề nghị Trung ương quan tâm hơn nữa đến giáo dục, đề cao trách nhiệm của gia đình và xã hội; tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; hoàn thiện cơ bản chế độ, chính sách với người có công; nâng cao hiệu quả chính sách an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Giải pháp về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đề nghị cần có biện pháp kiên quyết hơn để thực hiện triệt để, có hiệu quả; đề cao kỷ luật trong Đảng; thực hiện đồng bộ đề án tinh giản bộ máy với cải cách chế độ tiền lương...”

Chị Đinh Thị The, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hưng Hà: “Thời gian qua, một số đề xuất của các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) đã được tiếp thu, thể hiện trong dự thảo các văn kiện, nhất là quan điểm về xây dựng lực lượng phụ nữ như: hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, miền núi; hoàn thiện và thực hiện tốt pháp luật, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới; phát huy tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ..., góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Lực lượng lao động nữ đã và đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế đất nước. Tôi mong muốn dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, trung tâm là dự thảo Báo cáo chính trị sẽ nêu bật được vị trí, vai trò cũng như tạo điều kiện để phụ nữ thực sự là một nguồn nhân lực quan trọng, nền tảng, tiến tới bình đẳng giới, qua đó đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển bền vững đất nước. Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng cần thể hiện rõ quan điểm gia đình là tế bào của xã hội, cái nôi nuôi dưỡng và là môi trường quan trọng hình thành, giáo dục nhân cách của trẻ em. Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là mầm xanh tương lai của đất nước. Từ đó, phát huy tối đa vai trò, tiềm năng của phụ nữ, phát triển hơn nữa công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em”.

Ông Ngô Duy Thẳng, Bí thư Chi bộ tổ 3, phường Phú Khánh, thành phố Thái Bình: “Dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng không chỉ đánh giá nhiệm kỳ 5 năm qua mà còn nhìn lại chặng đường 35 năm đổi mới đất nước. Cho nên, mặc dù là văn kiện của một Đại hội trong một nhiệm kỳ nhưng đánh giá cả quá trình đổi mới của đất nước với nhiều bài học kinh nghiệm lớn. Chúng tôi mong Đảng tiếp tục tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chú trọng hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp”.

Đồng chí Trần Tuấn Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Bình Định, huyện Kiến Xương: “Qua nghiên cứu dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tôi thấy dự thảo các văn kiện được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chuẩn bị công phu, bố cục khoa học, chặt chẽ, mang tầm chiến lược, phản ánh đúng thực tiễn sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển toàn diện đất nước. Tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung dự thảo các Văn kiện, đánh giá tổng quát 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, nhất trí với đánh giá chung về 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Các quan điểm về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong thời gian tới đã được thể hiện rất rõ ràng. Tôi đề xuất lựa chọn mục tiêu phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 theo phương án 2 “Đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 là nước công nghiệp hiện đại có thu nhập cao”. Tôi rất tin tưởng và kỳ vọng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ đưa ra được chiến lược phát triển đất nước nhanh, bền vững hơn, từ đó nâng cao đời sống nhân dân, có văn hóa - xã hội phát triển, đồng thời giữ gìn được các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, bảo đảm an ninh - quốc phòng, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”.

Ông Vũ Đình Hiện, thôn Trung, xã Đông Phương, huyện Đông Hưng: “Tôi đánh giá cao dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nhiệm kỳ Đại hội XIII. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên mà Đảng ta xác định liên quan đến công tác xây dựng Đảng. Bên cạnh những nội dung như trong dự thảo Báo cáo, tôi đề nghị cần bổ sung thêm nội dung “Chú trọng phát triển đội ngũ đảng viên cả về số lượng và chất lượng” vào trong nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất trong nhiệm kỳ tới. Trong đó, chú trọng một số giải pháp như: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên về công tác kết nạp đảng viên; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng giúp nhân dân nâng cao nhận thức về Đảng, trên cơ sở đó củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, hướng về Đảng và phấn đấu trở thành đảng viên; nâng cao chất lượng các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho quần chúng ưu tú; việc kết nạp đảng viên cần được coi trọng cả về số lượng và chất lượng, không được đơn thuần chạy theo số lượng. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên, sàng lọc, kiên quyết đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng. Có như vậy Đảng ta mới thực sự vững mạnh”.

Bà Lê Thị Len, thôn Xuân Hòa, xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy: “Qua nghiên cứu dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, tôi thống nhất cao với nội dung các Văn kiện; đặc biệt là dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Dự thảo Báo cáo chính trị đã đánh giá đúng kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm; đồng thời, xác định rõ tầm nhìn và định hướng phát triển chiến lược cho những năm tới. Tuy nhiên, xuất phát từ tình hình thực tiễn cơ sở, tôi đề nghị bổ sung thêm vào phần hạn chế, khuyết điểm nội dung: Công tác phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn. Trong dự thảo Báo cáo mới đề cập đến “công tác phát triển đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo còn nhiều khó khăn” nhưng thực tế hiện nay ở các vùng nông thôn việc tạo nguồn kết nạp Đảng hết sức khó khăn do phần lớn thanh niên đều đi học và đi làm ăn xa; hội viên của các đoàn thể như nông dân, phụ nữ... đều đã lớn tuổi, tâm lý ngại phấn đấu; nguồn kết nạp chủ yếu đều ở các đơn vị giáo dục, y tế nhưng lâu dần các nguồn này cũng cạn, vì vậy có chi bộ nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên mới. Trên cơ sở hạn chế đã chỉ ra, tôi đề nghị cần xác định rõ các giải pháp cho nhiệm kỳ tới để bảo đảm việc xây dựng đội ngũ kế cận cho Đảng.

Ông Nguyễn Song Toàn, cán bộ xã Tân Lập, huyện Vũ Thư: “Bản thân tôi rất tâm huyết và đã dành thời gian nghiên cứu kỹ dự thảo các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tôi xin đóng góp vào dự thảo Báo cáo chính trị ở nội dung: Trong mục XV có nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm, theo tôi thứ tự các nhiệm vụ nên sắp xếp lại: nhiệm vụ thứ nhất (về công tác xây dựng Đảng) giữ nguyên; nhiệm vụ thứ 2 (về phát triển kinh tế) chuyển sang nhiệm vụ thứ 4; nhiệm vụ thứ 3 (về bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia) chuyển lên nhiệm vụ thứ 2; nhiệm vụ thứ 4 (về giữ gìn bản sắc văn hóa và an sinh xã hội) chuyển xuống vị trí thứ 5; nhiệm vụ thứ 5 (hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật...) chuyển lên nhiệm vụ thứ 3; nhiệm vụ thứ 6 (quản lý đất đai, tài nguyên) giữ nguyên.

Đối với dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng, tôi nhất trí cơ bản giữ nguyên Điều lệ Đảng hiện hành. Tuy nhiên, tôi xin đề xuất để Đại hội XIII của Đảng xem xét quyết định. Thứ nhất, bổ sung thêm quy định tặng Huy hiệu Đảng cho đảng viên 35 năm tuổi đảng, mục tiêu nhằm khép kín các mức tặng thưởng Huy hiệu Đảng cho đảng viên từ 30 năm tuổi đảng trở lên theo chu kỳ 5 năm như: đảng viên 30, 35, 40, 45, 50, 55... tuổi đảng. Thứ hai, tôi đề xuất nhiệm kỳ của đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở hiện nay nên chuyển từ 2,5 năm lên thành 5 năm nhằm phù hợp với điều kiện thực tế và tạo thuận lợi về nhiều mặt cho các chi bộ trong quá trình hoạt động”./.

Phản hồi

Các tin khác