Tính đến ngày 30/9/2020, Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã nhận được 15 báo cáo (báo cáo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy và báo cáo của các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy) với trên 5,3 vạn lượt ý kiến của cán bộ, Đảng viên và nhân dân tham gia vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổng hợp, xây dựng báo cáo trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Đa số các ý kiến đều nhất trí với kết cấu, đề mục lớn và các nội dung trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Các ý kiến đều có chung nhận định: Dự thảo các văn kiện của Trung ương được chuẩn bị chu đáo, công phu, kỹ lưỡng, nghiêm túc, mang tính khái quát và toàn diện cao; nội dung được trình bày rõ, thể hiện sự kiên định đường lối đổi mới và những nguyên tắc xây dựng Đảng; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có bước phát triển mới về lý luận, phản ánh khách quan thực tiễn, tình hình trong nước và thế giới, tính chất và xu thế thời đại; chỉ rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, quan điểm, mục tiêu, biện pháp phát triển đất nước trong tương lai.
Hầu hết các ý kiến nhất trí với kết cấu, bố cục, phương pháp trình bày đảm bảo tính chặt chẽ, logic, khoa học, có sự đổi mới, phản ánh tư duy mới, tầm nhìn mới và cách tiếp cận mới. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị xem xét, bổ sung một số đánh giá, nhận định và góp ý điều chỉnh một số từ, ngữ trong dự thảo văn kiện.
Hơn 5,3 vạn lượt ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia góp ý vào các dự thảo văn kiện.
1. Về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới: Hầu hết ý kiến nhất trí nội dung về đánh giá những thành tựu, hạn chế, khuyết điểm nổi bật và nhận định tổng quát như dự thảo Báo cáo nêu.
Về tầm nhìn và định hướng phát triển: Hầu hết ý kiến tham gia đều đồng tình về dự báo tình hình thế giới, khu vực và đất nước trong những năm tới, những thuận lợi, thời cơ đi đôi với những khó khăn, thách thức và yêu cầu đổi mới đặt ra; về nội dung 5 quan điểm chỉ đạo và sắp xếp thứ tự các quan điểm như dự thảo nêu; về mục tiêu phát triển tổng quát và nhất trí Phương án 1 với các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm việc đánh giá tác động của tình hình dịch COVID-19 tới việc đánh giá các chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo; phân tích và nhận định toàn diện hơn tình hình biển Đông để thấy được những khó khăn, thách thức và yêu cầu mới đặt ra trong việc phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Có ý kiến đề nghị cần có giải pháp nâng cao chất lượng, phát huy tiềm năng lao động thời kỳ dân số vàng để tránh lãng phí nguồn nhân lực (định hướng thứ 5).
Về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững: hầu hết ý kiến nhất trí nội dung tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư công và tư; cơ cấu lại các loại thị trường, cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo bước chuyển căn bản nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng trên cơ sở tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, các lĩnh vực, các doanh nghiệp thích ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;...
Một số ý kiến đề nghị: Cần quan tâm giải quyết nợ xấu, nợ công, việc đánh giá công tác xây dựng nông thôn mới cần thực chất hơn, mang lại hiệu quả nhiều hơn, tránh hình thức. Cần xác định rõ hơn về vai trò của hợp tác xã (HTX) trong cơ cấu thành phần kinh tế ở ước ta hiện nay, có chính sách, giải pháp đồng bộ hỗ trợ các HTX, nhất là trong sản xuất nông nghiệp tập trung, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do FTA.
Về hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Đa số các ý kiến tham gia cơ bản nhất trí với việc hoàn thiện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thống nhất và nâng cao nhận thức, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế pháp luật; tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn với những định hướng nhiệm vụ, giải pháp chính; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.
Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người: hầu hết ý kiến nhất trí nội dung dự thảo. Một số ý kiến đề nghị, Nhà nước cần quan tâm đến phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; khuyến khích tư nhân phát triển giáo dục đại học và dạy nghề; sớm hoàn thiện xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; đồng thời đảm bảo tính ổn định, thống nhất, thực hiện việc đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động tránh lãng phí nguồn nhân lực. Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập và làm việc hiệu quả trong môi trường quốc tế.
Về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ: Đa số ý kiến nhất trí nội dung dự thảo. Một số ý kiến đề nghị Nhà nước cần quan tâm, phân bổ ngân sách nhiều hơn nữa các nguồn lực thúc đẩy khoa học- công nghệ phát triển trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó nhấn mạnh cần thực hiện tốt các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài và đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là các chuyên gia đầu ngành. Hình thành và tăng cường hoạt động của các Quỹ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, Quỹ đầu tư mạo hiểm,...
Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam: Hầu hết ý kiến nhất trí nội dung dự thảo. Một số ý kiến đề xuất bổ sung những giải pháp đột phá, mạnh mẽ nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp của đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực và các tệ nạn xã hội, bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa Việt Nam, đặc biệt là trong thế hệ trẻ.
Về quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội: Các ý kiến đều nhất trí với những định hướng nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý phát triển xã hội bền vững, thực hiện có hiệu quả tiến bộ, bằng xã hội... như dự thảo Báo cáo nêu.
Về quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu: hầu hết các ý kiến nhất trí với những định hướng nhiệm vụ, giải pháp quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã nêu trong dự thảo Báo cáo. Khẩn trương sửa đổi Luật Đất đai để khắc phục an chế, bất cập, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chống lãng phí, thất thoát tài nguyên. Một số ý kiến đề nghị Trung ương cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề và doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, ô nhiễm các dòng sông, nhất là hệ thống sông Bắc - Hưng - Hải.
Về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc: Hầu hết ý kiến nhất trí nội dung dự thảo. Một số ý kiến đề nghị bổ sung, sửa cụm từ “đấu tranh” vào sau cụm từ “Kiên quyết, kiên trì” (trang 49), bổ sung cụm từ “và vững mạnh toàn diện” vào sau cụm từ "từng bước hiện đại”, bổ sung cụm từ "chất lượng, hiệu quả” vào sau cum từ “dân quân tự vệ vững mạnh”; bổ sung cụm từ “bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc” vào sau từ "toàn ven lãnh thổ"(trang 50).
Về triển khai đồng bộ, hiệu quả, sáng tạo hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng: Một số ý kiến đề nghị Trung ương bổ sung nội dung “Nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước và đối ngoại của nhân dân” và có giải pháp thực hiện tốt nội dung này trong nhiệm kỳ tới, nhất là cấp cơ sở và cấp trên cơ sở.
Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân: Hầu hết các ý kiến nhất trí với định hướng nhiệm vụ, giải pháp tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới. Song, cũng có ý kiến đề nghị Trung ương Đảng cần tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, tầm nhìn chiến lược trong hoạch định đường lối, chủ trương, khắc phục tình trạng ban hành văn bản chưa sát thực tiễn, thiếu tính khả thi..
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thành công tốt đẹp.
2. Về dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Hầu hết ý kiến nhất trí cao với những nhận định, đánh giá về kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020; các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Các ý kiến đều cho rằng, báo cáo đã đánh giá, nhận định đầy đủ và sát, đúng tình hình 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và nổi bật.
3. Về dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025: Hầu hết ý kiến nhất trí với những nhận định, đánh giá trong dự thảo Báo cáo; nội dung đánh giá đảm bảo đầy đủ, toàn diện và sát, đúng với tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
4. Về dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII: hầu hết các ý kiến tham gia đều đồng tình với những nhận định, đánh giá về kết quả đạt được, các hạn chế của 10 nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng và 5 bài học kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng của nhiệm kỳ Đại hội XII; đồng thời nhất trí cho rằng dự thảo Báo cáo đã đánh giá bao quát đầy đủ, đúng, sâu sắc, sát với thực tiễn về công tác xây dựng Đảng. Nhất trí cao với nội dung phương hướng và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII; dự thảo Báo cáo xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 giải pháp đột phá của công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khả thi; cần chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ và thường xuyên.
Nhóm PV