Đại đoàn kết toàn dân tộc là
sợi dây xuyên suốt
Theo Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, dự thảo văn kiện lần
này có nhiều điểm mới, đó là đòi hỏi khách quan, kế thừa từ các nhiệm kỳ trước,
cũng như từ những kinh nghiệm thành công của các nước. Nếu trước đây ta mới chỉ
ghi "xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh", thì lần này, dự
thảo đề xuất "xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh".
“Như vậy, đã bổ sung cả "hệ thống chính trị" bao gồm Đảng, MTTQ và
các tổ chức chính trị xã hội”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
|
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn
|
Nhắc tới việc phát huy sức mạnh
đại đoàn kết toàn dân tộc, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng cho biết, yếu tố dân chủ
đã được bổ sung và gắn vận mệnh dân tộc, đất nước vào thời đại, kết hợp sức mạnh
đại đoàn kết toàn dân tộc với thời đại. Xây dựng xã hội chủ nghĩa có bổ sung những
nhân tố mới là khơi dậy khát vọng phát triển dân tộc, phát huy ý chí để phát
triển đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc.
"Dự thảo Văn kiện tiếp
tục nhấn mạnh đoàn kết là sức mạnh. Dân chủ trong Đảng phải là nòng cốt, dân chủ
phải là kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và sáng tạo, là
những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước", Chủ tịch
Trần Thanh Mẫn thông tin.
Đồng tình với Chủ tịch Ủy
ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng,
Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương khẳng định, việc huy động sức mạnh đại đoàn kết
toàn dân tộc là sợi dây xuyên suốt và là vấn đề rất quan trọng. Từ lúc chiến
tranh đều phải dựa vào nhân dân để chiến thắng, đến khi hòa bình lại tiếp tục dựa
vào nhân dân để phát triển.
Chính vì vậy, nếu không dựa
vào trí tuệ, sức mạnh của nhân dân, dựa vào nguồn lực trong nhân dân thì đất nước
không thể thành công như ngày hôm nay. “Phải phát huy được nguồn lực, sức mạnh
trong nhân dân để đẩy mạnh phát triển nền kinh tế đất nước trong 10 năm tới”, đồng
chí Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.
|
Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Hồng Lĩnh
|
Phó Trưởng ban Dân vận Trung
ương Nguyễn Hồng Lĩnh cũng cho rằng, giám sát, phản biện và dân chủ đóng vai
trò quan trọng trong giai đoạn hiện nay, xã hội càng phát triển thì dân chủ
càng cao. Nhân dân phải được phát huy vai trò của mình thông qua hoạt động giám
sát, phản biện này. Bởi vậy, cần tiếp tục cụ thể hóa hoạt động giám sát, phản
biện của MTTQ Việt Nam.
Nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng
Đảng vững mạnh góp phần quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong
giai đoạn hiện nay, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, trong xây dựng Đảng,
quan trọng nhất là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của từng tổ chức
đảng. Bởi chỉ có như vậy Đảng mới đáp ứng với yêu cầu của sự đổi mới và niềm
tin của người dân.
“Vì vậy, dự thảo văn kiện cần
có những giải pháp để tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt
phải xây dựng được đội ngũ cán bộ giỏi thì mới nâng tầm năng lực lãnh đạo, sức
chiến đấu, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Phải có sự đồng bộ giữa giáo
dục đào tạo, khoa học công nghệ và chính sách tiền lương, an sinh xã hội
Bày tỏ nhất trí cao với mục
tiêu phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng
cao chất lượng đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm trong các dự thảo báo cáo chính trị
trình Đại hội XIII của Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam Vũ Mạnh Tiêm kỳ vọng, các vấn đề này sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Bởi theo đồng chí giải thích, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã được
nhiều lần xác định là khâu đột phá nhưng sự đột phá còn chậm, chưa đáp ứng được
yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Lấy ví dụ từ giai cấp công
nhân hiện nay, đồng chí Vũ Mạnh Tiêm cho biết: Theo điều tra từ năm 2019, hiện
nay, công nhân lao động cả nước ở trình độ tiểu học, trung học cơ sở (cấp 1, cấp
2) vẫn còn khoảng hơn 30%; trình độ trung học phổ thông (cấp 3) trở lên là 68%.
Về đào tạo nghề cho công nhân lao động, mặc dù doanh nghiệp cố gắng tham gia
đào tạo, nhưng mới dừng lại ở 43%, đặc biệt là trình độ tay nghề, bậc thợ (từ bậc
4 đến bậc 7) còn rất là khiêm tốn, công nhân bậc cao rất ít, hiếm. Đặc biệt,
trong 5 năm qua, việc công nhân lao động học về tin học, ngoại ngữ chỉ chiếm
chưa được 10%. Đây là nguồn nhân lực thực tế, đây là giai cấp công nhân - lực
lượng đi đầu trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
|
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Mạnh Tiêm
|
Bên cạnh đó, cùng với điều
kiện khoa học công nghệ chưa được đồng bộ nên năng suất lao động của nước ta hiện
nay còn thấp so với các nước trong khu vực, kéo theo thu nhập của người lao động
ở mức thấp. Và thu nhập thấp, đồng nghĩa với việc công nhân lao động phải tăng
số giờ làm thêm. “Hiện nay, công nhân lao động đang làm việc 48 giờ/tuần nhưng
trong thực tế, phần lớn công nhân lao động làm việc 60 giờ trở lên, thậm chí đến
70 giờ/tuần, đây là điều rất bức xúc, làm sao công nhân có thời gian để học tập”,
đồng chí Vũ Mạnh Tiêm nói.
Từ thực tế đó, đồng chí Vũ Mạnh
Tiêm đề xuất cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục, đào tạo, bởi khi công
nhân lao động được học tập suốt đời, được nâng cao trình độ đào tạo tại đơn vị
thì tay nghề và thu nhập của người lao động sẽ được nâng lên.
“Chúng tôi đang đấu tranh để
thời gian tới công nhân chỉ phải làm việc 40 giờ/tuần, có thời gian để nghỉ
ngơi, tái tạo sức lao động, tham gia học tập… Rất mong nghị quyết nêu ra, chính
sách phải có sự đồng bộ giữa giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và chính sách
tiền lương, an sinh xã hội để mọi người dân cùng tích cực tham gia học tập. Đấy
mới là mục tiêu cho sự phát triển bền vững trong thời gian tới”, đồng chí Vũ Mạnh
Tiêm kiến nghị.
Đồng quan điểm với đồng chí
Vũ Mạnh Tiêm khi đề nghị cần phải nâng cao trình độ học vấn và tay nghề cho lao
động, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, đã đến lúc
Việt Nam không còn lao động giá rẻ nữa bởi hiện nay trình độ học vấn và tay nghề
của người lao động đang được nâng lên. “Đến lúc phải nói thẳng với các nhà đầu
tư FDI, lao động rẻ không phải là thế mạnh của Việt Nam, lao động Việt Nam là
những người đào tạo bài bản và có tay nghề cao, trình độ và được trả lương cao.
Chính vì vậy cần có một tư duy rõ ràng và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo từ
phát triển kinh tế, xã hội đến môi trường” – đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh nêu rõ./.
Bài và ảnh: Trung Anh