|
Quang cảnh Hội nghị.
|
Sáng 26/10, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đây là hội nghị lấy ý kiến đầu tiên trong chuỗi 4 hội nghị sẽ diễn ra đến ngày 5/11.
Dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân vào văn kiện Đại hội Đảng cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Các ý kiến sẽ góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định: Việc tham gia ý kiến của các đại biểu chính là tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của toàn dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045. Các ý kiến sẽ góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng; làm cho ý Đảng hợp với lòng dân; tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đề ra.
Trích lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Văn kiện Đại hội là một văn kiện rất quan trọng, vừa mang tính lý luận cao, tính thực tiễn sâu sắc và tính chính trị chỉ đạo cho lâu dài, tồn tại mãi mãi trong lịch sử của Đảng, của đất nước… Do vậy phải có tầm nhìn chiến lược; phải làm cho chặt chẽ, chắc chắn, diễn đạt cho rõ ràng, không được sơ hở gây hiểu lầm. Văn kiện phải có tính quần chúng, giản dị, ai đọc cũng hiểu… viết sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ kiểm tra.
|
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị
|
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn lưu ý, báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, các báo cáo khác phải lấy đó làm hồn cốt, làm gốc, không được trùng lắp, nhưng cũng không được trái, khác với Báo cáo chính trị. Trên tinh thần cầu thị và lắng nghe, những vấn đề gì, việc nào đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh, các ý kiến thống nhất cao thì đưa vào báo cáo. Còn những vấn đề đang tranh luận, mới hoặc có nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, thận trọng, khách quan…
Kiên quyết loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất
Góp ý vào các dự thảo văn kiện, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã được chuẩn bị công phu, tổng kết đánh giá thực tiễn, có tính khái quát cao. Nhiều nhận định sâu sắc, đúc rút thành lý luận xứng tầm báo cáo chính trị - văn kiện trung tâm của Đại hội.
Góp ý cụ thể về lĩnh vực giáo dục, Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam cho rằng, về những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có bước phát triển nhưng quá chậm. Lĩnh vực bảo vệ tài nguyên môi trường còn nhiều sai sót, môi trường chưa tốt, tài nguyên còn bị vi phạm nhiều, trong đó việc xây dựng quá nhiều thủy điện gần như xuyên suốt ở các tỉnh miền núi gây nhiều thảm họa trong mùa lũ. Về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tuy đã tiếp tục hoàn thiện nhưng việc vi phạm của các cơ quan pháp quyền vi phạm pháp luật còn nhiều... Bên cạnh đó, việc xác định cơ cấu kinh tế chưa đúng, chưa thực hiện được xây dựng công nghiệp nặng, chưa có chương trình sản xuất tư liệu sản xuất...
Từ trực trạng nêu ra, Thiếu tướng Võ Sở góp ý, về phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 cần đưa công nghiệp chế tạo, chế biến lên cao hơn, trong đó quan tâm sản xuất công nghiệp nặng, có sản xuất tư liệu sản xuất, hạn chế việc để lệ thuộc kinh tế nước ngoài. Hết sức quan tâm đến việc nâng cao đời sống nhân dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số.
Về môi trường, cần kiên quyết xử lý việc ngập mặn ở Nam bộ, triều cường ở thành phố Hồ Chí Minh, cắt giảm việc xây dựng thủy điện, tăng điện gió, điện mặt trời. Về xây dựng nhà nước pháp quyền, cần tiếp tục cải cách hành chính, kiên quyết chống xu hướng dành quyền lực để thao túng hệ thống tổ chức quản lý của nhà nước; kiên quyết làm trong sạch hệ thống chính quyền các cấp. Tổ chức tốt việc nhân dân thực hiện chức năng giám sát chính quyền.
|
Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
|
Về công tác xây dựng Đảng, Thiếu tướng Võ Sở đề nghị cần thường xuyên kiện toàn các cấp ủy, tiếp tục nêu gương của Ban chấp hành Trung ương, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và các uỷ viên Trung ương, nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các đồng chí Bí thư chi bộ. Kiên quyết loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất từ khi đại hội hoặc trong quá trình có biểu hiện xấu khỏi tổ chức Đảng. Thực hiện các biện pháp để nhân dân tham gia xây dựng Đảng.
“Bà bán rau, ông bán nước cũng phải sử dụng được các tiện ích số”
Theo GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội khuyến học Việt Nam, báo cáo đã có những đánh giá toàn diện, khá rõ về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, chỉ ra những nguyên nhân thành công hay chưa thành công và rút ra những kinh nghiệm cần lưu ý cho nhiệm kỳ sắp tới. Tuy nhiên, những đánh giá này thiên về định tính khái quát mà chưa đi sâu vào đánh giá thực trạng, chưa làm rõ bản chất của các hiện tượng.
Phân tích cụ thể, GS Dong nói, các văn kiện bảo cần làm rõ việc giáo dục đã tiến bộ, sâu sắc hơn trước cụ thể thế nào và còn những vấn đề gì. Chẳng hạn, dự thảo nói “Chương trình sách giáo khoa (SGK) phổ thông đang được triển khai đúng lộ trình”. Nhận định điều này “đúng mà không đúng” bởi hiện nay cả xã hội đang xôn xao. Và chúng ta cần đi sâu vào bản chất xem “quần chúng mong muốn gì ở SGK”.
GS Dong cũng nói dự thảo văn kiện cần làm rõ xem các định hướng vừa được ban hành tới đây sẽ triển khai như thế nào. Chẳng hạn Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Nghị quyết 52 của Trung ương hay Quyết định 749 của Thủ tướng. Đặc biệt, GS Dong nhận định: “Trong phát triển kinh tế - xã hội vẫn vắng bóng con người. Dự thảo nói nhiều đến chất lượng nguồn nhân lực, nhưng mà không thấy tiêu chí cho từng con người thế nào thì phát triển thế nào”. Theo GS Dong, nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số… đang đặt ra yêu cầu mới. Công dân số, có nghĩa là từ bà bán rau, ông bán nước cũng phải sử dụng được các tiện ích số.
|
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội khuyến học Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
|
Cũng đề cập đến lĩnh vực giáo dục, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần phải thêm tiêu chí “đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế”. Bởi nguồn nhân lực phải tiến đến tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. “Quản lý nhà nước đối với giáo dục hiện nay cần phải tập trung, không nên phân tán. Bởi vậy, dự thảo cần ghi thêm rằng: “Quản lý nhà nước, nhất là quản lý hệ thống các trường đại học, cao đẳng còn phân tán” – PGS Nhĩ góp ý và giải thích, cao đẳng, đại học là một hệ thống, nhưng quản lý chưa tập trung khiến cho quá trình liên thông gặp khó khăn. Mặt khác, hệ thống trường cao đẳng ở nước ta là rất lớn nhưng văn kiện chưa đề cập.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho rằng, những vấn đề về vai trò của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò nòng cốt chính trị tiếp tục hiện diện nhiều trong dự thảo, thể hiện rõ quan điểm nhất quán về vai trò là gốc của nhân dân; MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội là nòng cốt chính trị trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Đặc biệt, dự thảo lần này đã cụ thể hóa một bước cơ chế “nhân dân làm chủ” thông qua vai trò nòng cốt của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”; phát triển, mở rộng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đã bổ sung hai quyền rất quan trọng của nhân dân là quyền giám sát, quyền thụ hưởng, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của nhân dân.
Liên quan đến vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới, bà Bùi Thị Hòa cho rằng, đối với các nhóm phụ nữ tiên phong như quản lý, lãnh đạo, trí thức, doanh nhân, văn nghệ sĩ, vận động viên..., so sánh báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc XII với dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội XIII, văn kiện Đại hội XII có nêu: “tạo điều kiện để phụ nữ phát triển tài năng”, nhưng ở phần đánh giá của dự thảo văn kiện mới chỉ đánh giá kết quả thực hiện bình đẳng giới và công tác trẻ em, không đề cập đến công tác cán bộ nữ hoặc phụ nữ tham gia lãnh đạo, mặc dù nhiệm kỳ này đã có những bước tiến đáng kể về vấn đề phụ nữ tham chính.
“Vì vậy, cần bổ sung đánh giá về đội ngũ cán bộ nữ cũng như định hướng tiếp tục phát huy tài năng nữ, nguồn lực đội ngũ cán bộ nữ trong phần IV về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người”, bà Bùi Thị Hòa nói./.
Bài và ảnh: Thu Hà