(ĐHXIII) – Việc thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng thời gian qua đã được triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện tương đối khẩn trương từ Trung ương đến địa phương, đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém…
|
Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học tiêu biểu trong cả nước.
|
Ngày 22-10, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức Hội thảo chuyên gia “Cơ sở lý luận và thực tiễn xác định, tổ chức thực hiện các đột phá chiến lược phát triển đất nước trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng”.
Chủ trì hội thảo có các đồng chí: PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; PGS.TS Bùi Tất Thắng, Chánh văn phòng Tổ Biên tập Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Phúc khẳng định: Đại hội XI của Đảng đã xác định ba đột phá chiến lược giai đoạn 2011-2020. Đại hội XII của Đảng đã đánh giá việc thực hiện ba đột phá chiến lược và tiếp tục nhấn mạnh một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của đất nước là: Thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ), cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng về kinh tế-xã hội, trọng tâm là thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã được triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện tương đối khẩn trương từ Trung ương đến địa phương, đã đạt được những thành tựu quan trọng. Đất nước ta bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp. Thể chế kinh tế thị trường cơ bản được hình thành, các loại thị trường từng bước phát triển thống nhất trong cả nước, gắn kết ngày càng tốt hơn với thị trường thế giới. Cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được triển khai mạnh mẽ và đạt được những kết quả tích cực, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất-kinh doanh, thực hiện các giao dịch. Quy mô giáo dục và đào tạo tăng nhanh, chất lượng nguồn nhân lực có bước cải thiện đáng kể. Khoa học-công nghệ có bước phát triển. Kết cấu hạ tầng từng bước được nâng cấp phát triển, nhất là lĩnh vực giao thông đường bộ, đường hàng không, bưu chính viễn thông…
|
Hội thảo đã lắng nghe ý kiến tâm huyết của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong cả nước
|
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, đặc biệt là việc tổ chức thực hiện ba đột phá chiến lược vẫn thiên về hướng tiệm tiến, chưa thực sự quyết liệt và thiếu đồng bộ, sức sản xuất chưa được giải phóng triệt để…
PGS.TS Vũ Văn Phúc cũng cho biết, Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: Ba đột phá chiến lược do Đại hội XI, XII của Đảng xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được điều chỉnh, bổ sung các khâu đột phá cụ thể phù hợp với yêu cầu, điều kiện của từng giai đoạn phát triển. Trong 5 năm (2021-2025) để phù hợp với điều kiện, yêu cầu mới ba đột phá chiến lược được bổ sung, điều chỉnh: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh theo pháp luật; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực then chốt, tập trung nâng cao, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, ưu tiên phát triển các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng các đô thị lớn, hạ tầng năng lượng, các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng phát triển kinh tế số.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã phát biểu nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, tập trung thảo luận những vấn đề: Cách tiếp cận việc xác định và tổ chức thực hiện các đột phá chiến lược trong giai đoạn 2021-2025, trong chiến lược 10 năm (2021-2030) và tầm nhìn đến năm 2045; các nhân tố ảnh hưởng đến việc xác định và tổ chức thực hiện các khâu đột phá chiến lược trong giai đoạn 2021-2025, trong chiến lược 10 năm (2021-2030) và tầm nhìn đến năm 2045; căn cứ lý luận và thực tiễn xác định các đột phá chiến lược trong giai đoạn 2021-2025, trong chiến lược 10 năm (2021-2030) và tầm nhìn đến năm 2045; căn cứ lý luận và thực tiễn để bước đầu tổ chức thực hiện các khâu đột phá chiến lược trong giai đoạn 2021-2025, trong chiến lược 10 năm (2021-2030) và tầm nhìn đến năm 2045…
Kết quả của Hội thảo là cơ cở để Ban Chủ nhiệm nhiệm vụ và Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương xây dựng Báo cáo tư vấn trình Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng./.
TT