Muốn một thể chế tốt, cần loại trừ những “sâu mọt” trong Đảng

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Quốc hội tỉnh Bến Tre, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng chống tham nhũng.

PV:Trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2020 có 82 người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 69 người đã bị xử lý kỷ luật (tăng 39 người so với năm 2019) và 12 người bị xử lý hình sự. Ông có suy nghĩ gì về con số này?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Trước hết tôi đánh giá cao sự cố gắng của cơ quan Nhà nước, các cấp ủy Đảng đã nhìn thẳng vào sự thật, không bao che cho cán bộ lãnh đạo nên đã công khai trước Quốc hội và trước nhân dân.

Có thể nói con số tăng cao do hai vấn đề. Thứ nhất, do các cơ quan quyết liệt hơn trong giải quyết các vụ việc bức xúc, các vấn đề tố cáo để tìm ra sự thật, để khẳng định rằng có tham nhũng. Thứ hai, có lẽ chúng ta không thể chống lại xu thế, bởi vụ việc khi đã trở thành vấn đề bức xúc, quá lộ liễu không giải quyết không được.

Đánh giá vấn đề này, chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá lại toàn bộ quá trình quản lý Nhà nước và xử lý đối với những thông tin tố cáo, tố giác, những bức xúc, phát hiện của người dân và báo chí đối với vấn đề tham nhũng. Vì vậy, phải xem xét trách nhiệm của những người đã để xảy ra tình trạng này. Giả sử vụ việc xảy ra cách đây 5 năm, đến bây giờ mới phát hiện, vậy 5 năm trước trách nhiệm là của ai?.

Tôi lấy ví dụ việc bổ nhiệm ông Vũ Hùng Sơn vào chức vụ Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Hồ sơ đã được trả lại, điều đó có nghĩa là bổ nhiệm đã làm sai. Đây là vấn đề tham nhũng cán bộ.

Tôi cho rằng hiện nay những vụ việc được giải quyết chủ yếu là tham nhũng tài sản, còn tham nhũng nặng nhất, nguy hiểm nhất là tham nhũng chức vụ, tham nhũng quyền lực thì chưa giải quyết được. Đây là khâu khó nhất!.

PV: Cử tri và đại biểu Quốc hội cũng đã bày tỏ lo ngại về một số trường hợp có biểu hiện “nhóm lợi ích”, “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật hay tham nhũng ngay trong chính trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Vấn đề này người dân đã nói từ lâu và tôi cũng xin nói thẳng là chúng ta không né tránh.

Trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đưa ra lấy ý kiến đợt này cũng nêu rõ có lợi ích nhóm và đã được thể hiện trong báo cáo chính trị chứ không còn là võ đoán.

Điều quan trọng là chúng ta cần chỉ rõ đó là nhóm nào, chỉ rõ là ai chứ hiện tượng đã rõ và về mặt chính trị đã khẳng định là có, điều này là không thể chối cãi.



PV:
 Ông vừa đề cập đến dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng. So với Ðại hội XII, chủ đề Ðại hội XIII bổ sung xây dựng hệ thống chính trị vào nội dung xây dựng Ðảng thành "Tăng cường xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh". Quan điểm của ông về vấn đề này?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã mở rộng hệ thống chính trị vào nội dung xây dựng Đảng là hoàn toàn phù hợp vì các cơ quan đó nhân cốt đều do Đảng giới thiệu, chỉ đạo, bố trí, sắp xếp, đề bạt, bổ nhiệm. Cho nên, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng cộng với xây dựng, chỉnh đốn Đảng “plus” là hoàn toàn cần thiết và chính đáng. Đây là một trong những điểm mới trong dự thảo báo cáo chính trị của Đảng lần này.

Tôi đọc báo cáo và có rất nhiều cảm xúc, thấy rằng một mặt Đảng đã nhìn vào sự thật, phản ánh rõ, thậm chí đề cập đến rất nhiều vấn đề và được người dân hoan nghênh. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa chúng ta đang đứng trước một nguy cơ rất lớn mà Đảng xác định vấn đề tham nhũng giống như là “giặc nội xâm.” Cái khó nhất và cũng quan trọng nhất là chúng ta đặt ra vấn đề chỉnh đốn Đảng và phải chỉnh đốn toàn bộ.

Tôi thấy cụm từ “để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân” được sử dụng rất nhiều lần, có nghĩa những lãnh đạo cao nhất của Đảng, Ban chấp hành Trung ương đang rất lo lắng về tình trạng tham nhũng. Mà nếu không chỉnh đốn Đảng là mất Đảng, mất Đảng là mất chế độ.

Hiện nay, vấn đề đặt ra rất lớn, chỉnh đốn toàn diện từ các cấp, các ngành, chỉnh đốn thể chế, chỉnh đốn người đứng đầu cho đến trực tiếp cán bộ, đảng viên, là những người được Đảng cử vào cơ quan Nhà nước.

Điều tôi thấy khó khăn nhất là việc cơ cấu cán bộ của Đảng phải chỉnh đốn những cán bộ này đầu tiên. Muốn một thể chế tốt mà không làm tốt từ khâu cán bộ, vẫn đưa những “sâu mọt” vào nắm giữ các vị trí quan trọng và rường cột thì việc chỉnh đốn, xây dựng Đảng và các tổ chức chính trị xã hội không có nhiều ý nghĩa.

Chỉnh đốn Đảng là câu chuyện rất dài, nhưng chỉnh đốn trong Đảng phải là khâu quan trọng nhất và trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII cũng đã nhấn mạnh đây là khâu đầu tiên./.

Phản hồi

Các tin khác