|
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội khuyến học Việt Nam.
|
Vấn đề giáo dục và đào tạo luôn được Đảng ta đánh giá cao, coi đó là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước. Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh vai trò của giáo dục và đào tạo và nội dung này cũng nhận được sự quan tâm, góp ý của nhiều chuyên gia, nhà khoa học.
Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đang được lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân khẳng định: Giáo dục và đào tạo tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả…. Tuy nhiên, dự thảo cũng thừa nhận, đổi mới giáo dục và đào tạo chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới tư duy và hoạt động giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra; một số nhiệm vụ, giải pháp đổi mới còn thiếu hệ thống, chưa ổn định… Nội dung, chương trình giáo dục và đào tạo còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo vẫn thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động. Chưa chú trọng đúng mức đến phát triển phẩm chất và kỹ năng người học. Giáo dục "làm người", đạo đức, lối sống còn bị xem nhẹ….
Góp ý về nội dung này, GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội khuyến học Việt Nam đề nghị, các văn kiện cần làm rõ việc giáo dục đã tiến bộ, sâu sắc hơn trước cụ thể thế nào và còn những vấn đề gì. Chẳng hạn, dự thảo nói “Chương trình sách giáo khoa phổ thông đang được triển khai đúng lộ trình”. GS Dong nhận định điều này “đúng mà không đúng”. Bởi hiện nay cả xã hội đang xôn xao. Và chúng ta cần đi sâu vào bản chất xem “quần chúng mong muốn gì ở sách giáo khoa".
Cũng đề cập đến lĩnh vực giáo dục, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần phải thêm tiêu chí “đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế”. Bởi nguồn nhân lực phải tiến đến tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. “Quản lý nhà nước đối với giáo dục hiện nay cần phải tập trung, không nên phân tán. Bởi vậy, dự thảo cần ghi thêm rằng: “Quản lý nhà nước, nhất là quản lý hệ thống các trường đại học, cao đẳng còn phân tán” – PGS Nhĩ góp ý và giải thích, cao đẳng, đại học là một hệ thống, nhưng quản lý chưa tập trung khiến cho quá trình liên thông gặp khó khăn. Mặt khác, hệ thống trường cao đẳng ở nước ta là rất lớn nhưng văn kiện chưa đề cập.
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội chỉ ra: “Tình trạng cải cách giáo dục nhiều lần trong mấy chục năm qua nhưng vẫn tiếp tục khiến người dân lo lắng, bức xúc, hay việc hàng tỷ đô la chảy ra nước ngoài theo con đường du học cũng là một minh chứng cho sự lúng túng trong việc xác định một triết lý giáo dục con người đúng đắn. Đó là nhiệm vụ chưa hoàn thành của khoa học xã hội” – Từ phân tích đó, TS Hồng bày tỏ: “Nếu khoa học xã hội tiếp tục ít được quan tâm, ít được lắng nghe thì việc tham mưu cho Đảng và Chính phủ xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại, dân chủ như đã đề ra nhiều năm nay, sẽ là nhiệm vụ bất khả thi”.
|
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội.
|
Cùng đề cập đến nội dung giáo dục, đào tạo trong Dự thảo văn kiện, PGS.TS Lê Thị Lan, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đề nghị thêm từ “có nhiều nỗ lực” trong đánh giá công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập: “Công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập có nhiều nỗ lực đi vào thực chất và hiệu quả hơn”. Thực tế hiện nay, những vấn nạn này trong lĩnh vực giáo dục diễn ra hết sức nghiêm trọng trong các năm 2018, 2019 và nhờ sự quyết liệt chỉ đạo của Đảng, Nhà nước thì công tác này mới được cải thiện trong năm 2020.
Trong phần hạn chế, khuyết điểm của công tác đổi mới giáo dục, PGS Lan cũng đề nghị làm rõ hạn chế bởi đất nước đang nỗ lực đổi mới giáo dục và khoa học công nghệ nhưng công tác đổi mới đó chưa thực sự hiệu quả để giáo dục và khoa học công nghệ trở thành then chốt thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
Dưới góc nhìn của mình, Bí thư Đoàn Thanh niên Đại học Quốc gia Hà Nội Trương Ngọc Kiểm cho rằng, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đào tạo, nhưng trong 5 năm qua, vấn đề này luôn nóng và khó; nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Trong khi đó, việc đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục đào tạo là khâu đột phá để phát triển nguồn nhân lực… Trong khi đó, nếu nhìn nhận ở 3 góc độ là đào tạo, sử dụng và đãi ngộ thì quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực của các ngành vẫn còn yếu, manh mún; nhu cầu nguồn nhân lực dài hạn còn hạn chế, trình độ đào tạo không đảm bảo; chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, thu nhập cào bằng hạn chế mức đóng góp…
Từ phân tích đó, Bí thư Đoàn Thanh niên Đại học Quốc gia Hà Nội góp ý: “Giáo dục đào tạo quyết định nguồn nhân lực, vì thế đòi hỏi thay đổi căn bản, toàn diện từ nội dung, phương pháp giảng dạy đến xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh”.
Bí thư Đoàn Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (Thành phố Hồ Chí Minh) Hà Thanh Đạt đề xuất, văn kiện Đại hội cần lưu ý đề cập đến việc tăng cường học ngoại ngữ, xây dựng xã hội học tập chủ động và tăng cường bồi dưỡng tư tưởng chính trị cho đội ngũ sinh viên, trí thức trẻ. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng môi trường giảng dạy và học tập tại hệ thống các trường đại học dân lập, tránh đào tạo đại trà mà không chất lượng; cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc định hướng nghề, giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.
Một số chuyên gia, nhà khoa học cũng cho rằng, dự thảo văn kiện xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 cần quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát đối với giảng viên, giáo viên từ giáo dục mầm non đến đại học; có phương hướng nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên, giảng viên, hạn chế tối đa bị tác động lối sống không lành mạnh, không để xảy ra tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục. Đáng chú ý, văn kiện bổ sung chủ trương nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là thiết bị tin học công nghệ cao cho đơn vị trường học các cấp nhằm chuyển đổi hình thức giảng dạy từ truyền thống “bảng đen - phấn trắng” sang “giảng dạy 4.0” phù hợp với tình hình mới…/.
Trung Anh