|
Các đại biểu trao đổi trong khuôn khổ Hội nghị.
|
Ngày 30/10, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân sỹ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài vào các dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Dự Hội nghị có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý các dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam...
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, trong những năm qua, MTTQ Việt Nam thường xuyên nhận được những ý kiến đóng góp quan trọng của các vị nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc, chức sắc các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng thời các cụ, các vị, các đồng chí luôn sẵn sàng đồng hành cùng MTTQ Việt Nam trong công tác tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, cùng nhau hướng đến mục tiêu xây dựng: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, theo kế hoạch, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức 4 hội nghị xin ý kiến vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Chính vì vậy, việc tham gia ý kiến của các cụ, các vị, các đồng chí sẽ góp phần nâng cao chất lượng các dự thảo Văn kiện trình Đại hội, đảm bảo các yêu cầu cơ bản như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh: Văn kiện Đại hội phải có tầm nhìn chiến lược, diễn đạt phải chặt chẽ, chắc chắn, rõ ràng. Văn kiện phải có tính quần chúng, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ kiểm tra.
|
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội nghị.
|
Phát huy tinh thần làm việc của 2 Hội nghị góp ý trước, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn đại biểu tham dự nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, thẳng thắn, chân thành, góp ý chung vào các dự thảo Văn kiện hoặc một số vấn đề cụ thể, tâm đắc đã nghiên cứu sâu hay qua tổng kết thực tiễn.
Là người đầu tiên góp ý, GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội nhận định, dự thảo văn kiện Đại hội XIII có rất nhiều những điểm mới chưa từng có trong mấy chục năm qua, tuy nhiên so với thực tiễn vẫn chưa đáp ứng được với vai trò thời kỳ mới. Cụ thể, giải pháp thì có nhiều điểm mới nhưng tư duy còn chưa mới. Do đó, cần phải thay đổi quan điểm. Đảng ta đã thành công trong đổi mới kinh tế nhưng đổi mới chính trị chưa theo kịp với kinh tế. Chính trị chưa kiểm soát được quyền lực như nhân dân mong muốn, cơ chế xin – cho tuy có thay đổi nhưng chỉ giải quyết được hệ quả nhưng chưa giải quyết được nguồn gốc. Đã đến lúc đổi mới hệ thống chính trị mạnh mẽ hơn nữa
Góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội liên quan đến vấn đề dân tộc, miền núi, TS Cẩm Văn Đoàn, Ủy viên Hội đồng tư vấn về dân tộc, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, từ khi hòa bình lập lại, trong các kỳ Đại hội Đảng, trong các chiến lược, quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội đều đưa nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ số 1 ở các tỉnh miền núi, Tây Nguyên. Mặc dù Đảng, Nhà nước ban hành nhiều cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng nhưng đến nay kết quả chưa mong muốn nguyên nhân sâu xa là người bảo vệ rừng, trồng rừng chưa thể sống được, làm giàu từ rừng.
Do đó, TS Đoàn kiến nghị phải cần có một cuộc cách mạng mới trong lâm nghiệp và tiếp tục có chương trình phát triển rừng bền vững trong kế hoạch 5 và 10 năm tới. Bên cạnh đó cần ổn định dân cư các công trình thủy điện, thủy lợi bởi dân dân tái định cư các công trình này chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Trong chiến lược phát triển và kế hoạch 5 năm cần cơ bản ổn định và cải thiện, nâng cao mức sống, cải thiện các điều kiện ăn ở, học hành, đi lại chăm sóc sức khỏe của đồng bào tái định cư. Cùng với đó có những giải pháp cơ bản ổn định di cư tự do, tạo sinh kế, việc làm, định cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số.
|
GS Võ Đại Lược phát biểu tại Hội nghị.
|
Đề cập đến lĩnh vực đột phá trong văn kiện, ông Trần Hải Linh, Ủy viên Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) cho rằng, hiện nay, học sinh tốt nghiệp các trường Trung học phổ thông ở nước ta không thua kém với trình độ học sinh trung học các nước khác. Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, cần phân tách ra 2 mô hình: đó là đại học nghiên cứu và đại học, cao đẳng chuyên đào tạo nghề mà xã hội đang cần. Trong đó trao quyền tự chủ cho các trường đại học có thể coi là biện pháp hữu hiệu để phát triển giáo dục đại học. Đồng thời cần giao quyền phong giáo sư và phó giáo sư cho các trường đại học theo mô hình giống như các nước phát triển đã và đang làm. Vì giáo sư và phó giáo sư dựa trên những công bố tập san khoa học quốc tế, bằng phát minh sáng chế hoặc các thành tích nghiên cứu khoa học khác đã đạt được…
Ông Trần Hải Linh nhấn mạnh: Cần giao trách nhiệm và trao niềm tin cho đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Tạo các cơ hội để cho họ cống hiến và chứng minh khả năng trên quê hương mình… Đổi lại họ phải đáp ứng được yêu cầu công việc là phải hợp tác được với nhau thành những nhóm nghiên cứu mạnh, nhận những nhiệm vụ cụ thể, ra sản phẩm cụ thể và chịu trách nhiệm cam kết ra kết quả cụ thể… “Là những người đang sinh sống, làm việc, nghiên cứu và học tập tại Hàn Quốc, cũng là những người luôn theo dõi bước chuyển mình của quê hương, chúng tôi có một niềm tin mạnh mẽ là Việt Nam sẽ tạo ra những “kỳ tích” như Hàn Quốc. Chỉ cần tổ quốc gọi, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng”, ông Trần Hải Linh nêu.
Góp ý cho tầm nhìn và định hướng phát triển của Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII ở nội dung phát triển văn hóa, xã hội, con người, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp phát triển đất nước đã được đặt ra trong Báo cáo chính trị Đại hội XII. Tuy nhiên, theo tổng kết và nhận định của nhiều nhà nghiên cứu thì chúng ta chưa thực sự có những quyết sách chiến lược, những cơ chế cụ thể mở đường để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh phát triển đất nước. Chính vì vậy, để phát huy niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, khát vọng về một Việt Nam hùng cường thì nhân tố quyết định là ở xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời xác định tôn giáo, tín ngưỡng là một thành tố của văn hóa. Tín ngưỡng, tôn giáo góp phần làm nên những giá trị cốt lõi văn hóa truyền thống dân tộc, do đó, Dự thảo Báo cáo cần nhấn mạnh tôn giáo không chỉ là thành tố văn hóa, mà thực sự còn là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước.
|
Thượng tọa Thích Đức Thiện phát biểu tại Hội nghị.
|
Đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho rằng, khủng hoảng, thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu như thiên tai lũ lụt, dịch bệnh hiểm nghèo... đang đe dọa đời sống của nhân dân. Bão lũ miền Trung trong mấy ngày qua chính là hậu quả của vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Do đó, Dự thảo Báo cáo chính trị cần đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì hệ lụy của nó vô cùng nguy hiểm có thể làm tiêu tan những thành quả mà con người đã dày công bỏ ra để xây dựng một thế giới giàu đẹp.../.
Thu Hà