(ĐHXIII) – Ông Phạm Xuân Sơn cho rằng: Cần phải có một mục riêng hoặc một phần riêng đánh giá về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng… Bởi những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ này là rất ấn tượng, qua đó góp phần củng cố niềm tin của toàn Đảng, toàn dân đối với Đảng và Nhà nước.
|
Ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội
|
Cần một chiến lược tương xứng với “mặt trận” tư tưởng hiện nay
Đề cập đến dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng: Đánh giá về nhiệm kỳ vừa rồi cho thấy, chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư rất nghiêm túc, ban hành các văn bản kịp thời, đáp ứng được thực tế, cả về đường hướng, tổ chức, chỉ đạo Nhà nước, Quốc hội, MTTQ…
“Về bộ máy Đảng được thu gọn nhiều. Theo đó, hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng nghiêm minh, nhất là kiểm tra Trung ương, được thể hiện qua số vụ việc đã thực hiện kiểm tra, xử lý; vì vậy có tác dụng củng cố tổ chức Đảng. Trung ương Đảng chỉ đạo sát sườn Nhà nước nên bộ máy Nhà nước đã tinh giản, từ các bộ đến hệ thống quản lý các địa phương, cụ thể hóa các quy chế về đánh giá, sắp xếp, luân chuyển, bổ nhiệm. Đảng cũng quan tâm nhiều đến hệ thống mặt trận và công tác dân vận” – ông Phạm Ngọc Thảo nói.
Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Thảo cũng cho rằng, việc học tập, vận dụng kinh nghiệm nước ngoài vào Việt Nam có lúc, có nơi, có việc chưa phù hợp thực tiễn như Luật đặc khu. Hiệu lực triển khai tổ chức Đảng, chấp hành kỷ luật đảng của tổ chức Đảng và chính quyền ở nhiều địa phương chưa nghiêm; hiệu lực trong quản lý chính quyền địa phương nhiều nơi chưa tốt.
PGS.TS Đinh Ngọc Giang, Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, phần phương hướng, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng đã có những đổi mới về kết cấu, hình thức trình bày và một số nội dung mới trong từng mặt công tác xây dựng Đảng.
“Nghiên cứu nội dung của 5 vấn đề lớn nêu trong phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác xây dựng Đảng, chúng tôi nhận thấy tiểu ban văn kiện đã tiếp thu khá nhiều ý kiến của các giới chức, ngành, địa phương và chuyên gia, đồng thời kế thừa những nội dung đã nêu từ Đại hội XII còn nguyên giá trị để thể hiện trong dự thảo lần này, ví dụ như bảy phương hướng, giải pháp nêu trong mục: “Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị”. Ở các mục khác đều có sự kế thừa và phát triển cho phù hợp nhiệm kỳ mới” – PGS Giang nói.
Góp ý cụ thể vào nội dung trình bày, PGS.TS Đinh Ngọc Giang cho rằng, trong một số mục quá chi tiết mà vẫn thiếu, lại thiếu những phần cần phải làm rõ. “Ví dụ, tiểu mục: “Coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng”, chúng ta rất cần có một chiến lược công tác tư tưởng cho tương xứng với “mặt trận” tư tưởng hiện nay. Nhưng phần này báo cáo trình bày quá chi tiết những nhiệm vụ và giải pháp nhỏ về công tác tư tưởng, lại không đặt ra chiến lược; những nội dung lý luận rất lớn cần tiếp tục phải làm rõ như: lý luận về nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; lý luận về kinh tế thị trường định hướng XHCN; lý luận về Đảng cầm quyền; lý luận về nền dân chủ XHCN... chưa được đề cập đến” PGS Giang lưu ý.
|
PGS.TS Đinh Ngọc Giang, Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
|
Đề cập cụ thể đến mục 5 nói về “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong điều kiện mới”, PGS Giang cho rằng, ở mục này, nên điều chỉnh tên của mục là “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, ý phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trong điều kiện mới”. Vì Đảng không chỉ lãnh đạo hệ thống chính trị, mà còn lãnh đạo toàn xã hội. Phần nội dung trình bày của mục này cũng có tình trạng lộn xộn, lẫn lộn giữa nội dung lãnh đạo và phương thức lãnh đạo, giữa phương hướng, nhiệm vụ đổi mới với giải pháp. Trong mục này, ở nhiệm vụ, giải pháp cuối cùng “Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới”, PGS Giang đề nghị viết rõ ý: Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo và “đổi mới nội dung, phương thức cầm quyền của Đàng”. Trong nhiệm kỳ khóa XII, chúng ta chưa có thành tựu nghiên cứu cụ thể về nội dung, phương thức cầm quyền của Đảng, nên phải nghiên cứu tiếp ở nhiệm kỳ này.
Cần có chế tài thật rõ, thật nghiêm về đề thu hồi tài sản tham nhũng
TS Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội góp ý, trên trang 58 có đoạn ghi rõ: “Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ và Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”. Đã có ý kiến cho rằng, lần này bổ sung vào phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thành “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ” là hoàn toàn chính xác, được nhân dân thống nhất cao.
Tuy nhiên, TS Khiển cho rằng, cũng cần bàn thảo thêm, bởi theo từ điển tiếng Việt thì “Phương châm là tư tưởng chỉ đạo hành động, do đó thêm vào 6 từ “dân giám sát, dân hưởng thụ” trong phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được xác định tại Đại hội lần thứ VI (1986) liệu có hợp lý không, nhất là “dân hưởng thụ” vì “phương châm” là tư tưởng chỉ đạo việc đưa ra, ban hành chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động thực hiện chứ không phải là mục đích ban hành chính sách, pháp luật.
“Việc xác định và thực hiện phương châm này xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta được ghi rõ tại Điều 2 và Điều 3 của Hiến pháp năm 2013 là Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhà nước đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Vậy tôi đề nghị không bổ sung 6 từ này vào phương châm như trong Dự bảo báo cáo chính trị” – TS Khiển đề xuất.
Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Đối ngoại Kiều bào, ông Phạm Xuân Sơn cũng cho rằng: cần phải có một mục riêng hoặc một phần riêng đánh giá về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng. Các đại hội trước đã nhận diện ra nguy cơ tham nhũng. Mặc dù đến nay Đảng và Nhà nước ta chưa có những biện pháp để ngăn ngừa hoặc là ngăn chặn triệt để tệ nạn này, chưa thể làm cho những người thoái hóa không dám tham nhũng không muốn tham nhũng và không thể tham nhũng…. nhưng rõ ràng những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ này là rất ấn tượng, qua đó góp phần củng cố niềm tin của toàn Đảng, toàn dân đối với Đảng và Nhà nước.
Trong phần dự thảo báo cáo chính trị có đưa nội dung chống tham nhũng vào một mục trong công tác xây dựng Đảng nhưng rất mờ nhạt. Trong khi đa số người dân đều mong muốn công tác này được tiếp tục triển khai triệt để hơn trong thời gian tới. Mong muốn những người mà có bản lĩnh, có trí tuệ, có đạo đức, liêm khiết, kiên quyết, kiên trì chống tham nhũng nên tiếp tục sự nghiệp này, ông Phạm Xuân Sơn nói.
|
Ông Phạm Xuân Sơn, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Đối ngoại Kiều bào.
|
Cũng nhấn mạnh đến công tác phòng chống tham nhũng, GS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, để chống tham nhũng thành công, phải kiểm soát quyền lực thật tốt. Bên cạnh đó, phòng chống tham nhũng phải quyết liệt hơn, cần có chế tài thật rõ, thật nghiêm về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, phải thu hồi triệt để thì mới ngăn chặn được tham nhũng.
Bên cạnh đó, GS Lý cũng đề nghị, dự thảo văn kiện cần có cơ chế để người dân làm chủ cũng như làm rõ vai trò của Mặt trận trong việc phát huy quyền làm chủ của dân. Đặc biệt, cần mở rộng phạm vi, vai trò của Mặt trận nhất là trong hoạt động giám sát phản biện xã hội để Mặt trận làm hết khả năng, năng lực của mình trong hiện nhiệm vụ của Đảng giao…/.
Bài và ảnh: Thu Hà