(ĐHXIII) – Các đại biểu đã đánh giá cao những điểm mới trong dự thảo lần này, như đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên trước tiên; nhấn mạnh tính cầm quyền của Đảng; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.
|
Nhiều ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng
|
Chiều 9/11, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân về dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tại hội nghị, hầu hết các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí với các nội dung nêu trong dự thảo các văn kiện trình đại hội, nhất là các nội dung trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; đồng thời đánh giá cao những điểm mới trong dự thảo lần này, như đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên trước tiên; nhấn mạnh tính cầm quyền của Đảng; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.
Bên cạnh các ý kiến đồng tình, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết vào dự thảo Báo cáo chính trị. Theo đó, trong phần đánh giá thành tựu nhiệm kỳ XII về lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hóa, bảo vệ môi trường, các đại biểu đề nghị cần đầu tư, bổ sung kỹ hơn, vì đây là các lĩnh vực còn nhiều hạn chế, thiếu sót trong thời gian qua và nhân dân rất quan tâm, nhất là tình trạng sạt lở núi, lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng.
Phần đánh giá về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu cho rằng xem xét, nghiên cứu, đánh giá lại cho phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là ảnh hưởng của COVID-19 đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2020. Trên cơ sở đó, cần có sự nhìn nhận và rút ra bài học, kinh nghiệm cũng như định hướng trong thời gian tới.
Về tầm nhìn và định hướng phát triển, các đại biểu đề nghị cần đưa vấn đề bảo vệ môi trường song song với phát triển kinh tế - xã hội; nhấn mạnh bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế; bảo đảm giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển; kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chú trọng xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Ngoài ra, nhiều ý kiến còn góp ý về vấn đề đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực nữ, nguồn nhân lực trẻ nhanh nhạy, bắt kịp xu hướng cuộc cách mạng 4.0, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới./.
Việt Phương (t/h)