(ĐHXIII) – Ngày 9/11, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt lấy ý kiến góp ý của đoàn viên vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng chí Ra Lan Nga – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Gia Lai dự và chủ trì Hội nghị.
|
LĐLĐ tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo văn kiện trình Đại hội. (Ảnh: TTuấn)
|
Theo đồng chí Rơ Lan Nga – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Gia Lai, mục đích Hội nghị là nhằm tập hợp trí tuệ của cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động tham gia góp ý trọng tâm vào những vấn đề lớn, quan trọng liên quan đến xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Ngoài ra, Hội nghị còn lấy ý kiến góp ý về việc đổi mới chính sách đối với người lao động trong quá trình đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Tại Hội nghị, các ý kiến đều cho rằng, các dự thảo văn kiện được chuẩn bị công phu, bài bản, nghiêm túc; kết cấu chặt chẽ, khoa học, quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển; kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận và góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng với 27 nội dung xoay quanh các vấn đề về cải cách chính sách lao động, tiền lương, nhà ở, chính sách đãi ngộ, động viên; đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng-chống và giảm nhẹ thiên tai, quản lý khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên...
|
Đại diện đoàn viên công đoàn các huyện, thị xã phát biểu góp ý tại Hội nghị. (Ảnh: TTuấn)
|
Một số ý kiến đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển ngành, lĩnh vực phù hợp yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng phát triển liên kết vùng trong quá trình hoạch định và thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Cải cách chính sách tiền lương, nhà ở; đổi mới và tổ chức hoạt động của Công đoàn phù hợp với biến đổi cơ cấu lao động, nhu cầu công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế...
Các đoàn viên cũng đề xuất các giải pháp, kiến nghị với Tỉnh ủy, Tổng LĐLĐ Việt Nam về vấn đề phát triển giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Các ý kiến góp ý cũng nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ, để nghiên cứu, đề xuất, bổ sung vào văn kiện trình Đại hội./.
Thùy Trang (t/h)