Công tác chỉnh đốn Đảng vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh"

Ngày 10/11, tại Hà Nội, Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Hội Triết học tổ chức Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng”.

Chủ trì Hội thảo gồm: GS.TS Lê Hữu Nghĩa, Chủ tịch Hội Triết học; GS.TS Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, Phó Chủ tịch Hội Triết học.

Tham dự Hội thảo có sự tham gia đông đảo của giới triết học Việt Nam và các nhà khoa học.

Hội thảo nhằm nghiên cứu, phân tích làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của những chủ trương, giải pháp mới trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, tập trung vào dự thảo Báo cáo chính trị; đóng góp ý kiến về những vấn đề còn có quan điểm khác nhau; đề xuất những ý kiến tiếp tục hoàn thiện các nội dung được trình bày trong dự thảo.

GS.TS Lê Hữu Nghĩa, Chủ tịch Hội Triết học phát biểu đề dẫn Hội thảo 

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS Lê Hữu Nghĩa, Chủ tịch Hội Triết học nhấn mạnh, để chuẩn bị cho Đại hội XIII, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã quyết định thành lập 05 Tiểu ban, trong đó có Tiểu ban Văn kiện Đảng, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội và Tiểu ban Điều lệ Đảng. Ngay sau khi thành lập các Tiểu ban đã khẩn trương xây dựng kế hoạch làm việc; tiến hành tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để biên soạn dự thảo các văn kiện. Các văn kiện đã sửa chữa, bổ sung, biên tập rất nhiều lần để trình Hội nghị Trung ương 10, 11, 13 khóa XII cho ý kiến.

Đồng thời, các dự thảo văn kiện đã được thảo luận, góp ý nghiêm túc tại đại hội Đảng các cấp từ cấp cơ sở đến các đảng bộ trực thuộc Trung ương và 20/10/2020 được công bố rộng rãi để lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các đồng chí lão thành cách nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, lực lượng vũ trang cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước.

Nhấn mạnh một số nội dung cốt lõi, những điểm mới trong Dự thảo báo cáo chính trị, đồng thời chia sẻ một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, GS.TS Lê Hữu Nghĩa đề nghị các nhà khoa học tham dự Hội thảo phân tích làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của những chủ trương và giải pháp mới trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII, tập trung vào Báo cáo Chính trị là báo cáo trung tâm của Đại hội. Đồng thời, đề xuất những ý kiến góp ý tiếp tục hoàn thiện các nội dung được trình bày trong dự thảo Báo cáo Chính trị.

Tại Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được gần 30 tham luận và các ý kiến phát biểu của các nhà khoa học, tập trung góp ý vào các vấn đề: Chiến lược phát triển, cơ hội, tầm nhìn của đất nước đến giữa thế kỷ 21; những định hướng và đột phá phát triển đất nước; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; những vấn đề quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ môi trường và các quan hệ lớn cần giải quyết trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội...

GS.TS Nguyễn Văn Tài, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng phát biểu tại Hội thảo 

Góp ý về một vài vấn đề công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trong thời kỳ mới, GS.TS Nguyễn Văn Tài (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng) cho rằng, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, trong các dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng ta đã đánh giá toàn diện, sâu sắc những ưu điểm và hạn chế, yếu kém nổi bật trong công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ qua về chính trị, tư tưởng, đạo đức; xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng... Trong đó, nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII đã có những chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ và bước đầu khắc phục một số hạn chế, yếu kém kéo dài trong nhiều nhiệm kỳ trước... Tuy nhiên GS.TS Nguyễn Văn Tài cho rằng, trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế: "Việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số nơi chưa nghiêm, thậm chí còn vị phạm, mất đoàn kết nội bộ. Kiểm soát quyền lực còn lúng túng, hiệu quả thấp". Vì vậy, GS.TS Nguyễn Văn Tài đề nghị trong đánh giá tình hình, cần nhấn mạnh hơn, công tác chỉnh đốn Đảng vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh". Có hiện tượng, cấp Trung ương triển khai các biện pháp chỉnh đốn Đảng một cách quyết liệt, nhưng đến cấp uỷ đảng từ tỉnh (và tương đương) trở xuống, nhất là cấp huyện, xã chưa chuyển biến mạnh mẽ.

Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ đã được Đảng đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm cụ thể, tuy nhiên GS.TS Nguyễn Văn Tài đề nghị cần nhấn mạnh: Trong giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, tính chiến đấu của Đảng, cần nhấn mạnh việc thực hiện có hiệu quả nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Đây là một quy luật của sự tồn tại và phát triển của Đảng, nhất là trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền.

Ở nội dung “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị (tr.281)”, cần bổ sung giải pháp ban hành và thực hiện các quy chế phát huy dân chủ trực tiếp của đảng viên…Đồng thời, cần bổ sung giải pháp cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thực hiện nghiêm Quy chế chất vấn trong Đảng để công khai trả lời chất vấn của cấp ủy viên, đảng viên về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp ủy, ban thường vụ...

Ở một khía cạnh khác, liên quan đến vấn đề trọng dụng người tài vì sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nêu rằng, trong bối cảnh thế giới thay đổi và đứng trước nhiều thách thức, Việt Nam muốn rút ngắn được khoảng cách này với các nước phát triển và nếu muốn để nước ta đến năm 2045, năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao” thì cần tìm ra và xác định chính xác các khâu đột phá. Và nhất quán với văn kiện Đại hội XII, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược.

 Ban tổ chức đã nhận được gần 30 tham luận và các ý kiến phát biểu của các nhà khoa học góp ý vào những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, trong điều kiện hiện nay cả 3 đột phá đó đều rất quan trọng. Song, GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn cho rằng, đất nước thiếu nhất hiện nay, cũng là điểm nghẽn nhất cần tháo gỡ sớm nhất chính là thiếu những người tài trong khoa học, công nghệ, tổ chức và quản lý xã hội. Bởi vậy, khâu đột phá đầu tiên phải được tính đến là đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng một cách thật hiệu quả nguồn nhân lực, trong đó đặc biệt là phải hết sức tôn trọng nguồn nhân lực có chất lượng cao thật sự, nhất là tầng lớp trí thức tinh hoa, của dân tộc.

Nói cách khác, GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn cho rằng, muốn cho đất nước phát triển để đạt được mục tiêu kinh tế nêu trên thì chúng ta phải phát hiện sớm những người tài để sau đó chọn đúng được người tài cho từng lĩnh vực của hoạt động xã hội; phải thật sự trọng dụng người tài; tạo môi trường thuận lợi để người tài sáng tạo; phải biết dùng người tài đúng lức, đúng việc, đúng chỗ và phải có chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với người tài nhằm tạo ra động lực mạnh mẽ cho các lĩnh vực sáng tạo khoa học, phát minh công nghệ, điều hành, quản lý và tổ chức xã hội. “Đây cũng chính là một phần của khâu đột phá hết sức quan trọng trong công tác tổ chức, công tác cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại”, GS,TS Nguyễn Trọng Chuẩn nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thống nhất rằng, để thực hiện chiến lược phát triển nhanh và bền vững, cùng với việc phát huy các nguồn lực truyền thống, nước ta cần phát huy tinh thần độc lập dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển, tinh thần tự lực, tự cường vươn lên, phát huy hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà khoa học, các đại biểu đặc biệt khẳng định, cần tiếp tục kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới toàn diện, đúng đắn của Đảng trong giai đoạn tiếp theo. Chỉ có như vậy mới hiện thực hóa được mục đích, khát vọng phát triển của dân tộc trong tình hình mới./.

Phản hồi

Các tin khác