Chủ đề là nội dung quan trọng trong báo cáo chính trị của Đại hội Đảng các cấp, nhất là cấp Trung ương. Mặc dù chủ đề không dài nhưng lại chứa đựng những tư tưởng chủ yếu được quán triệt trong toàn bộ nội dung báo cáo chính trị và các báo cáo khác trong văn kiện Đại hội. Chủ đề đại hội phản ánh những quan điểm, tư tưởng cơ bản chỉ đạo hoạt động lý luận, thực tiễn của Đảng và dân tộc trong một thời kỳ nhất định (một nhiệm kỳ, hay một giai đoạn dài hơn).
Trước hết, đó là tuyên bố/ thông điệp chính trị, thể hiện các quan điểm lớn của Đảng cầm quyền về các vấn đề đối nội, đối ngoại. Là sự khẳng định các giá trị căn bản, các nguyên tắc trong lãnh đạo phát triển đất nước, dân tộc. Thứ hai, chủ đề Đại hội còn có ý nghĩa là một thông điệp phát triển, nó phản ánh quan điểm của chủ thể cầm quyền về định hướng phát triển của quốc gia, dân tộc trong một thời gian, không gian cụ thể theo những mục tiêu, định hướng nhất định. Hiển nhiên, trong mỗi thời gian, không gian khác nhau, thông điệp đó cũng sẽ khác nhau. Với nghĩa đó, chủ đề Đại hội là sự kết tinh trí tuệ toàn Đảng, toàn dân, là ngọn cờ dẫn dắt, là cương lĩnh hành động của Đảng và dân tộc trong một giai đoạn lịch sử cụ thể.
|
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước. (Ảnh minh họa)
|
Yêu cầu cơ bản của chủ đề Đại hội là phải có tính cô đọng, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng; chủ đề không nôm na, đại khái, nhưng cũng không quá hàn lâm bác học. Vì, chủ đề Đại hội định hướng cho cả dân tộc, cho nên mọi người (cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân) đều có khả năng hiểu và vận dụng được.
1. Một số chủ đề Đại hội trong thời kỳ đổi mới
Trong thời kỳ Đổi mới, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (1996) Đảng ta bắt đầu hình thành chủ đề Đại hội. Chủ đề của Đại hội VIII là: “Tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”[i].
Bối cảnh, sau 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nước ta đã cơ bản thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những thắng lợi to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh là cơ sở để khẳng định sự đúng đắn và cần thiết khách quan của tiếp tục sự nghiệp đổi mới, của việc chuyển nhiệm vụ trọng tâm từ khắc phục khủng hoảng kinh tế - xã hội sang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa – đây cũng là quan điểm lớn trong chủ đề Đại hội VIII.
Nội dung cơ bản của chủ đề Đại hội này gồm hai phần cơ bản: một là những biện pháp hay động lực chủ yếu thúc đẩy phát triển đất nước, đó là “tiếp tục sự nghiệp đối mới”, “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; hai là mục tiêu phát triển đất nước: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước lên chủ nghĩa xã hội”. Đây là tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt trong toàn bộ báo cáo chính trị của Đại hội VIII, từ xác định mục tiêu đến định hướng phát triển các lĩnh vực chủ yếu.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (2001) diễn ra trong bối cảnh thế kỷ XX kết thúc, thế kỷ XXI mới bắt đầu. Toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VIII, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (1991-2000) và 15 năm đổi mới. Đại hội có sứ mệnh vạch ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tiếp theo (2001-2010). Chủ đề Đại hội được xác định là: “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[ii].
So với chủ đề Đại hội VIII, chủ đề Đại hội IX, có một số sự thay đổi, trước hết, ngoài hai động lực là “tiếp tục đổi mới” và “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của Đại hội VIII được giữ nguyên, Đại hội IX bổ sung thêm động lực: “phát huy sức mạnh toàn dân tộc”; từ đó, hệ động lực phát triển đất nước đã trở nên đa dạng, phong phú hơn. Mục tiêu phát triển đất nước được trình bày cô đọng, ngắn gọn: “xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Chủ đề Báo cáo chính trị Đại hội X là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”[iii].
So với các đại hội trước, chủ đề Đại hội X có một số sự bổ sung và phát triển. Trước hết, từ Đại hội này, chủ thể hành động đã được nêu và khẳng định ở vị trí thứ nhất đó chính là Đảng: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”. Đây vừa là sự khẳng định vị trí vừa phản ánh nhiệm vụ của chủ thể trong giai đoạn phát triển mới của dân tộc. Ngoài ra, các động lực “phát huy sức mạnh toàn dân tộc”, “đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới” của Đại hội IX vẫn được giữ nguyên. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng cũng đồng thời được coi là một động lực để đẩy mạnh phát triển đất nước. Vì, để đạt mục tiêu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, trước hết phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Mục tiêu phát triển đất nước được xác định là: “sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”. Mặc dù chủ đề Đại hội không nêu rõ thời gian cụ thể, nhưng trong văn kiện đã giải thích rõ từ “sớm” có nghĩa là trước năm 2010. Vì Đại hội IX đề ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010 nhằm đưa nước ra ra khỏi tình trạng kém phát triển.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân kết thúc thắng lợi 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010, 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991-2011) và 25 năm đổi mới. Đại hội có nhiệm vụ bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991, quyết định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020. Chủ đề của Đại hội XI là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”[iv].
Về cơ bản, nhiều nội dung trong chủ đề Đại hội X được giữ nguyên, như chủ thể hành động vẫn được khẳng định ở vị trí thứ nhất; các động lực chủ yếu phát triển đất nước là “phát huy sức mạnh toàn dân tộc”, “đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới”. Về mục tiêu, Đại hội X có sự diễn đạt lại mục tiêu từ: “sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển” (của Đại hội IX) thành “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Việc xác định mục tiêu như vậy thể hiện sự chủ động và quyết tâm chính trị cao, rõ ràng hơn. Đặc biệt, chủ đề đại hội lần này đã đưa ra mốc thời gian cụ thể để nước ta cơ cản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (năm 2020).
Chủ đề Báo cáo chính trị Đại hội XII là: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”[v].
So với các Đại hội trước, chủ đề Đại hội XII có một số điểm mới: chủ thể hành động vẫn được khẳng định ở vị trí thứ nhất, nhưng chuyển từ “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” thành “tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, cách trình bày này có tính khái quát hơn, vì “tăng cường xây dựng Đảng” có nội dung đa dạng, phong phú, toàn diện hơn so với “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”.
Ngoài các động lực chủ yếu được các đại hội trước xác nhận như: “phát huy sức mạnh toàn dân tộc”, “đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới”, Đại hội XII bổ sung thêm một động lực nữa là “dân chủ xã hội chủ nghĩa”. Mục tiêu cũng được bổ sung toàn diện hơn, gồm có: “Bảo vệ vững chắc Tổ quốc”, “giữ vững mội trường hòa bình, ổn định”, “sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Như vậy, qua chủ đề năm kỳ Đại hội gần đây, có thể rút ra một số đặc điểm như sau:
Một là, chủ đề Đại hội trước hết phải khẳng định vị thế, vai trò, nhiệm vụ của chủ thể hành động đó chính là Đảng (Đại hội X, XI, XII);
Hai là, chủ đề Đại hội phải chỉ ra được các động lực chính thúc đẩy phát triển đất nước trong một thời gian nhất định. Cụ thể các động lực ấy bao gồm: “tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới” (05 nhiệm kỳ); “phát huy sức mạnh toàn dân tộc” (04 nhiệm kỳ); đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (03 nhiệm kỳ); dân chủ xã hội chủ nghĩa (01 nhiệm kỳ).
Ba là, chủ đề Đại hội phải chỉ ra mục tiêu phát triển của đất nước trong một giai đoạn nhất định, mục tiêu này không phải cho một nhiệm kỳ mà thường trong một thời gian tương đối dài. Mặc dù cách diễn đạt khác nhau, nhưng tư tưởng xuyên suốt về mục tiêu phát triển đất nước trong chủ đề các Đại hội thời kỳ đổi mới gồm: giữ vững độc lập chủ quyền của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Từ sự phân tích trên cho thấy, chủ đề Đại hội không phải là nhất thành bất biến mà nó thay đổi trong những không gian, thời gian nhất định; chủ đề Đại hội cũng không phải mong ước chủ quan của con người mà là sự phản ánh các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội cụ thể. Chủ đề Đại hội vừa thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng cầm quyền; vừa thể hiện mơ ước, khát vọng của Đảng và dân tộc; vừa là sự kết tinh kinh nghiệm của chính quá trình đổi mới. Quá trình đổi mới cho thấy, nếu kiên trì thực hiện công cuộc đổi mới, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thường xuyên thực hiện xây dựng Đảng thì đất nước nhất định sẽ phát triển.
2. Chủ đề Đại hội XIII trong bản dự thảo báo cáo chính trị
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dự kiến diễn ra trong quý I năm 2021. Khi Việt Nam kết thúc 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011-2020); 35 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); chuẩn bị 100 năm thành lập Đảng, thành lập nước.
Bản dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII có chủ đề là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Chủ đề Đại hội như trên gồm các nội dung chủ yếu sau:
Một là, chủ đề Đại hội đã nêu và khẳng định được vị thế, vai trò, nhiệm vụ của chủ thể lãnh đạo, quản lý đó là Đảng và hệ thống chính trị. Điểm mới lần này là gắn “xây dựng” với “chỉnh đốn”; giữa Đảng và hệ thống chính trị. Bài học kinh nghiệm sau khi thực hiện Nghị quyết trung ương 4 khóa XI, XII cho thấy, công tác xây dựng phải gắn liền với chỉnh đốn Đảng. Có những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng diễn ra trong thời gian dài, gây bức xúc trong xã hội nhưng không được giải quyết kịp thời, triệt để đã gây ra những sự bất bình trong đảng viên và quần chúng nhân dân, cản trở sự phát triển của đất nước. Điều đó đặt ra yêu cầu, trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định, “xây dựng” phải gắn với “chỉnh đốn” Đảng. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị, có vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tuy nhiên, Đảng không đồng nhất với hệ thống chính trị. Đảng mạnh phải được biểu hiện qua hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo phải vững mạnh, nhưng không phải lúc nào cũng mặc nhiên như như vậy, vì giữa Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội có sự phân công, phân nhiệm chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, không bao biện, làm thay. Ở khía cạnh nào đó, Đảng vững mạnh mà các tổ chức còn lại chưa vững mạnh thì cũng không đem lại hiệu quả thực sự. Do vậy, chủ đề lần này đặt ra yêu cầu “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” là có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phải hướng tới trong sạch, vững mạnh. Bởi Đảng có trong sạch thì mới vững mạnh, Đảng càng vững mạnh bao nhiêu thì càng có khả năng tự làm mình trong sạch bấy nhiêu. Và chỉ khi Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh mới có khả năng dẫn dắt đất nước, dân tộc đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Hai là, về các động lực phát triển đất nước, chủ đề Đại hội lần này vừa có sự kế thừa tư tưởng các đại hội trước như: “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”, “phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc”; đồng thời có sự bổ sung những nội dung rất mới như: “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”. Ở đây, khát vọng phát triển đất nước không phải chỉ của Đảng mà của cả dân tộc. Khát vọng mãnh liệt của dân tộc Việt Nam là hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh. Ngoài ra, còn phải phát huy sức mạnh thời đại, đó là tổng hợp các yếu tố do thời đại tạo ra trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa….
Ba là, về mục tiêu phát triển: chủ đề khẳng định hệ mục tiêu phát triển đất nước gồm: “bảo vệ vững chắc Tổ quốc”, “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định”; “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. So với các Đại hội trước đây, điểm khác biệt căn bản là mục tiêu “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Vì, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[vi]. Việc xác định mục tiêu trở thành “nước phát triển” là rõ ràng, phù hợp, dễ định lượng hơn (trên thế giới đã có bộ tiêu chí về nước kém phát triển, đang phát triển, nước phát triển). Mục tiêu này có chủ đích hướng tới các sự kiện trọng đại của đất nước và dân tộc (100 năm thành lập Đảng 2030, và 100 năm thành lập nước 2045).
Nhìn tổng quát, chu trình của chủ đề Đại hội lần này bắt đầu từ hành động của chủ thể (tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị), đến hệ các động lực thúc đẩy phát triển (khát vọng phát triển đất nước, ý chí, sức mạnh dân tộc, thời đại), và hệ mục tiêu (bảo vệ Tổ quốc, môi trường hòa bình, ổn định, trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa). Các bộ phận ấy có sự gắn kết chặt chẽ với nhau.
Chủ đề như vậy đã phản ánh được nội dung, nhiệm vụ, không gian, thời gian của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta từ nay đến giữa thế kỷ XXI. Chủ đề Đại hội XIII có sự kế thừa kinh nghiệm, bài học chủ đề các Đại hội trước đây, đồng thời có sự bổ sung, phát triển những luận điểm mới phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và thời đại trong bối cảnh mới.
Tuy nhiên, chủ đề Đại hội XIII trong dự thảo Báo cáo chính trị có nêu: “…phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại…”, chúng tôi cho rằng, luận điểm “sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” cần được cân nhắc, nghiên cứu thêm vì mấy lý do sau:
Một là, trong sức mạnh dân tộc Việt Nam có nhiều nội dung khác nhau như: sức mạnh đại đoàn kết, sức mạnh của lòng nhân nghĩa, khoan dung, yêu chuộng hòa bình, sức mạnh của ý chí kiên cường vượt qua khó khăn, thử thách… Điều đó có nghĩa, đại đoàn kết chỉ là một nội dung trong sức mạnh dân tộc, mặc dù nội dung này chiếm một vị trí quan trọng nhưng cũng không thay thế được các nội dung còn lại. Trong giai đoạn hiện nay cần phải phát huy được tất cả sức mạnh dân tộc chứ không chỉ có sức mạnh đại đoàn kết.
Hai là, đặt trong mối tương quan giữa “sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” với “sức mạnh thời đại” thì hai phạm trù không tương xứng. Bởi sức mạnh thời đại là khái niệm phản ánh tổng thể tất cả các nhân tố do thời đại tạo ra (từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; sức mạnh của toàn cầu hóa, của sự phát triển khoa học công nghệ…). Do vậy, sức mạnh dân tộc cũng phải là sự tổng hợp của tất cả các yếu tố dân tộc tạo ra mới tương xứng với sức mạnh thời đại (chứ không phải chỉ có sức mạnh đại đoàn kết).
Ba là, cả bốn nhiệm kỳ gần đây (IX, X, XI, XII), trong chủ đề Đại hội đều nêu “phát huy sức mạnh toàn dân tộc”, và chắc hẳn trong tương lai, để dân tộc phát triển cường thịnh không thể không phát huy sức mạnh của toàn dân tộc. Điều đó có nghĩa là, sức mạnh toàn dân tộc cần được phát huy trong thời gian dài chứ không phải một hay một vài nhiệm kỳ đại hội.
Từ đó, chúng tôi kiến nghị, chủ đề Đại hội XIII nên diễn đạt lại thành: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
[i] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1996, tr. 7
[ii] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2001, tr. 9
[iii] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2006, tr. 11
[iv] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 13
[v] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2016, tr.11
[vi] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 71
TS. Nguyễn Văn Quyết