(ĐHXIII) – Nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cán bộ, đảng viên tại tỉnh Hải Dương đã thể hiện trách nhiệm của mình thông qua việc phân tích, đánh giá, bổ sung ý kiến góp ý, góp phần nâng cao chất lượng các dự thảo văn kiện.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật
Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cụ thể hoá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề xuất cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương nhằm cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đề ra. Thêm vào đó, cần chuẩn bị tốt nhất cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Lựa chọn giới thiệu các đại biểu có đủ các tiêu chuẩn theo quy định, đại diện cho tiếng nói, ý chí, nguyện vọng chính đáng của cử tri. Tiến hành bầu cử theo đúng nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách, giảm đại biểu kiêm nhiệm công tác tại các cơ quan hành chính nhà nước.
Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, cần nêu cao vai trò của các Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu Quốc hội, trong việc đưa tiếng nói, kiến nghị, nguyện vọng của cử tri địa phương về xây dựng luật; củng cố, nâng cao vai trò của các ngành, địa phương trong việc tham gia góp ý, xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực hoạt động, quản lý của ngành. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương, bảo đảm đúng, đủ, kịp thời và chất lượng.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng cho rằng cần nghiêm túc triển khai và nâng cao chất lượng việc lấy ý kiến góp ý các dự thảo văn bản, đặc biệt chú trọng đến những đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự thảo văn bản. Đồng thời, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đa dạng, phong phú bằng nhiều hình thức, ngay từ giai đoạn xây dựng chính sách và dự thảo các quy định.
Bà Nga cũng nhấn mạnh các cơ quan, ban, ngành, địa phương cần chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản trực tiếp liên quan đến ngành, lĩnh vực nhằm phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp. Song song với đó, cần phát huy tính dân chủ và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Tập trung phản biện xã hội vào các chương trình, đề án, dự thảo quy định có liên quan trực tiếp đến nhân dân địa phương.
Cuối cùng, bà Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh cần thực hiện nghiêm túc việc tổ chức triển khai thi hành pháp luật để bảo đảm hiện thực hoá các chính sách, quy định đã được ban hành. Trong đó, đề cao vai trò của các cơ quan tư pháp, các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong việc phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.
Đấu tranh phản bác hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch
Nhất trí cao với dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã yêu cầu toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải “Kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn”, ông Bùi Quang Toản, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hải Dương, cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, làm sáng rõ, đầy đủ, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị cốt lõi, trường tồn của chủ nghĩa Mác-Lênin. Phải có trách nhiệm nghiên cứu vận dụng, sáng tạo và phát triển những vấn đề lý luận, nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam trong tình hình mới.
Để đấu tranh phản bác hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, theo ông Toản, cần tập trung nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhất là người đứng đầu, của từng đảng viên và nhân dân về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thêm vào đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, thành tựu của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...
Ngoài ra, theo ông Bùi Quang Toản, cần tập trung xây dựng, tổ chức lực lượng chuyên gia chuyên trách, cộng tác viên bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 35. Cần quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm minh các trường hợp đưa tin sai trái, xuyên tạc, có nội dung chống phá, gây mất niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; bảo đảm và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Đồng thời, cần tích cực tuyên truyền và triển khai thực hiện hiệu quả các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII./.
HD (T/h)