(ĐHXIII) – Góp ý các dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đã đóng góp những ý kiến tâm huyết và khẳng định, dự thảo các Văn kiện thể hiện khát vọng phát triển và quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước ta, nhằm đưa đất nước lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
|
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) góp ý dự thảo Văn kiện. (Ảnh: Bích Liên)
|
Góp ý vào dự thảo các Văn kiện, nhiều đại biểu cho biết, dự thảo các Văn kiện của Đảng có nhiều điểm nhấn trong xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển với các dấu mốc quan trọng: Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Nhiều đại biểu khẳng định, với hướng đi đúng đắn, khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta.
Thảo luận về một số nội dung liên quan đến dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) nhất trí, tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013…
Để làm tốt được những vấn đề trên, theo đại biểu cần phải có cơ chế cung cấp thông tin cho người dân. Bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt, có hiệu quả trên thực tế phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Góp ý về công tác cán bộ, đại biểu Vũ Hồng Thanh (Quảng Ninh), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh: Việc thực hiện quy trình 5 bước lựa chọn nhân sự trước Đại hội XIII của Đảng sẽ góp phần hạn chế được tình trạng chạy chức, chạy quyền, hướng tới mục tiêu là chọn lựa được một lớp cán bộ đủ đức, đủ tài đảm đương công việc.
Để triển khai hiệu quả hơn công tác nhân sự, đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là hình thức trực tuyến, đảm bảo tuyên truyền thống nhất, đồng bộ từ Trung ương tới cấp cơ sở.
Đề cập đến lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) góp ý, dự thảo Văn kiện cần bổ sung cụ thể hơn việc đưa KH&CN phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Đại biểu cho rằng báo cáo đã chỉ rõ nền kinh tế phát triển chưa bền vững, kinh tế nông nghiệp nước nhà đang được đánh giá là phát triển chậm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ít, trong khi đó thì biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai lụt lội, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường…Bởi vậy, đại biểu đề xuất xây dựng một chiến lược thích ứng BĐKH cho các vùng miền, quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất lúa, đảm bảo nước tưới cho bà con không bị xâm nhập mặn, đảm bảo an ninh lương thực cho đồng bào.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đề nghị phân tích sâu sắc hơn về mục tiêu, nhiệm vụ, căn cứ, cơ sở phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới và giải pháp thực hiện; đồng thời xác định tính trọng tâm, trọng điểm trong các đột phá chiến lược; cụ thể hóa hơn các nội hàm về đổi mới thể chế trong từng lĩnh vực và rà soát lại tính bao quát, tính khả thi của một số chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng để bảo đảm tính nhất quán trong các báo cáo.
Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị: Cần đánh giá rõ nét hơn các thành tựu quan trọng đã đạt được trong dự thảo báo cáo chính trị. Đồng thời đánh giá khái quát về thể chế phát triển, trong đó cần quan tâm, có định hướng hoàn thiện thể chế chính sách trong các lĩnh vực như: y tế, dân số, tỷ lệ dân di cư…
Đại biểu cũng bày tỏ sự đồng tình về những đổi mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng giai đoạn mới và cho rằng cần tuyên truyền mạnh mẽ chủ trương, chính sách của Đảng đến với đảng viên, quần chúng nhân dân cần phải có định hướng rõ hơn về nội dung tuyên truyền, đảm bảo ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu...
Tham gia góp ý về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho biết: Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cần phải tính toán chi tiết hơn, thực tiễn hơn như: Chỉ tiêu TFP, năng suất lao động, tổng số vốn đầu tư toàn xã hội. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu không có tính liên thông, kế thừa như Chỉ tiêu FDI, chỉ tiêu HDI (Chỉ số phát triển con người), có giai đoạn có chỉ tiêu nhưng có giai đoạn sau lại không có. Do đó, cần phải kiểm tra, tính toán lại để xây dựng kịch bản phát triển đảm bảo tính thực tiễn và tính liên thông.
Đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) góp ý, cần tạo môi trường đổi mới, sáng tạo trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ đi đôi với phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Đại biểu nhấn mạnh, công tác cán bộ có vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, nếu nói xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt thì việc xây dựng và đổi mới cán bộ là khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt./.
Bích Liên