Thanh Hóa: Nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Văn kiện Đại hội XIII

 

Nhiều ý kiến tâm huyết của người dân góp ý vào Dự thảo văn kiện Đại hội XIII

Nhiều ý kiến tâm huyết của người dân góp ý vào Dự thảo văn kiện Đại hội XIII (Ảnh: TL)

Ý kiến của ông Hà Xuân Thành – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Các dự thảo văn kiện được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, nội dung sâu sắc, có tính khái quát cao, có nhiều điểm mới, bám sát thực tiễn đất nước; bố cục hợp lý, văn phong mạch lạc, rõ ràng; thể hiện tính khách quan, toàn diện trong đánh giá các thành tựu, kết quả đạt được, khuyết điểm, yếu kém và nguyên nhân cũng như trong xác định phương hướng, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp trong từng văn kiện”.

Đối với tổ chức công đoàn, ông Thành quan tâm đến nội dung được trình bày trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đó là: “Định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức của người lao động (NLĐ) tại doanh nghiệp (DN)”.

Theo ông Thành, tổ chức công đoàn Việt Nam sẽ đứng trước sự cạnh tranh với nhiều yếu tố bất lợi, vì vậy để định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức của NLĐ tại DN, tôi đề nghị Chính phủ và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sớm ban hành nghị định và các thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về tổ chức của NLĐ một cách chi tiết, trong đó cần xem xét phạm vi chủ thể có quyền thành lập tổ chức của NLĐ; quy định cụ thể về điều kiện cấp phép, thu hồi đăng ký tổ chức của NLĐ; trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, đình chỉ tổ chức của NLĐ; tổ chức của NLĐ tại DN chỉ được thành lập và hoạt động hợp pháp khi cơ quan, Nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký; quá trình hoạt động phải tuân thủ hiến pháp, pháp luật và điều lệ, nếu vi phạm thì thu hồi đăng ký.

Bên cạnh đó, cần có các tiêu chí hạn chế các đối tượng là quản lý của DN tham gia vào quá trình thành lập và hoạt động của “Tổ chức của NLĐ”, giảm thiểu sự can thiệp, chi phối, thao túng của chủ sử dụng lao động đến hoạt động của “Tổ chức của NLĐ”. Cần quy định rõ vấn đề tài chính của “Tổ chức của NLĐ”.

Về thực hiện toàn diện và đồng bộ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ông Nguyễn Tiến Quynh – Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Những năm qua, công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng đã được Trung ương và cấp ủy các cấp đặc biệt coi trọng, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt được nhiều kết quả rõ nét, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới, ông Quynh mong rằng Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ tiếp tục coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, coi trọng hơn nữa công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; phát huy tính tiền phong, gương mẫu, gần dân, trọng dân, hiểu dân của cán bộ, đảng viên.

Quan tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ông Lê Xuân Dương – Chủ tịch UBND thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành đưa ý kiến: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học - công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

Theo ông Dương, để khoa học - công nghệ thực sự thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp, chúng tôi mong muốn thời gian tới Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phát triển nông nghiệp xanh, sạch, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, mạng sản xuất, nhân rộng mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác. Khuyến khích, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm hoàn thiện các chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó cần đồng bộ trong toàn hệ thống để đưa các chính sách vào thực tiễn một cách thực sự, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững./.

 

Phản hồi

Các tin khác