Đó là đề xuất của đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình,Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Ninh Bình, khi góp ý vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, dự thảo Văn kiện trình Đại hội đã bổ sung nhiều vấn đề mới, vấn đề lớn và nhiều vấn đề rất quan trọng.
|
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà . (Ảnh: quochoi.vn)
|
Đại biểu lấy ví dụ: “Báo cáo Chính trị đã bổ sung thêm vấn đề khơi dậy khát vọng của dân tộc; rồi việc xác định tầm nhìn đến năm 2045. Báo cáo cũng nhận định rằng cơ đồ đất nước chưa bao giờ được như bây giờ. Hay chúng ta cũng bổ sung thêm những tác động của COVID-19 và đặc biệt trong Báo cáo Chính trị đã thẳng thắn, có đến gần 6 trang nêu về các hạn chế, bất cập trong nhiệm kỳ vừa qua”.
Tuy nhiên đại biểu cũng chỉ ra rằng, trong báo cáo 5 năm, nguyên nhân khách quan mới nói đến sự diễn biến phức tạp của điều kiện kinh tế toàn cầu mà không nói đến trong 5 năm qua chúng ta đã có 4 năm đầu tăng trưởng tốt, đến năm 2020 - năm cuối cùng nhiệm kỳ do nguyên nhân khách quan là dịch bệnh COVID-19 nên tăng trưởng chưa đạt, thì báo cáo 5 năm chưa đề cập đến. “Vì vậy, tôi nghĩ là cần phải bổ sung thêm nguyên nhân khách quan này”, đại biểu góp ý.
Về nội dung quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, đại biểu lý giải: Toàn bộ trong phần Báo cáo Chính chưa hề đề cập đến công tác quy hoạch. “Công tác quy hoạch tôi cho là vừa là hạn chế, vừa là nguyên nhân và đây là một trong những việc mà các địa phương thực hiện rất là khó. Trong Luật Quy hoạch quy định rằng quy hoạch cấp dưới thì tuân thủ theo quy hoạch cấp trên. Nhưng trên thực tế, bây giờ quy hoạch tổng thể quốc gia chưa có, các địa phương đang xây dựng quy hoạch của tỉnh và hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, đại biểu cho biết.
Theo đó, đại biểu đề nghị trong báo cáo Chính trị cũng như là báo cáo 5 năm và báo cáo 10 năm cần bổ sung thêm một số vấn đề về quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng cho hay: Trong bổ sung đánh giá về hạn chế, Báo cáo Chính trị có nói về vấn đề quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu trên một số mặt còn hạn chế, chưa đề cập đến lĩnh vực quản lý đất đai. “Trên thực tế, chúng ta cũng biết khoảng 2/3 các khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai và có rất nhiều những bất cập liên quan đến việc quản lý đất đai trong thời gian vừa rồi”, đại biểu cho hay. Trên cơ sở đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm những hạn chế trong quản lý đất đai, quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường vào báo cáo Chính trị.
Về vấn đề du lịch, đại biểu phân tích: Hiện nay chúng ta đã có Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, có xác định đến năm 2020 và tầm nhìn 30 rồi xa hơn nữa, thế nhưng trong Báo cáo Chính trị thì liều lượng cho du lịch cũng như là nhấn mạnh về vấn đề du lịch vẫn còn đang rất mờ nhạt. Bởi vậy, cần bổ sung và có định hướng những cái chi tiết hơn nữa về vấn đề này.
Cụ thể, theo đại biểu để phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn cần đề cập đến chi tiết hơn, cũng như có những định hướng đúng tầm để vừa tăng các sản phẩm du lịch, gắn du lịch với bảo vệ môi trường, gắn với nông thôn mới hay vấn đề sinh thái; tăng các sản phẩm du lịch, các hợp tác liên kết trong du lịch …
Băn khoăn ở lĩnh vực môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực, đại biểu cho biết: Chúng ta có rất nhiều những thành tựu trong cả nhiệm kỳ vừa qua, thế nhưng báo cáo lại nhận định môi trường xã tiếp tục bị ô nhiễm, việc chấp hành pháp luật nhìn chung còn chưa nghiêm, kỷ cương, phép nước còn bị xem nhẹ…cũng là nặng với nhận định này. Bởi vậy theo đại biểu cần sửa là: “có lúc, có nơi, chứ không phải là tất cả môi trường văn hóa xã hội bị ô nhiễm, tất cả việc kỷ cương, phép nước bị xem nhẹ…
Ở khía cạnh khác, đại biểu góp ý: “Chúng ta nói rằng Đại hội XIII có nhiệm vụ kiểm điểm, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII gắn với đợt tổng kết quá trình đổi mới quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm ,10 năm tới thì tôi cho rằng Đại hội XIII quyết định phương hướng của 5 năm tới là rất chính xác. Tuy nhiên, chỉ có thể định hướng cho 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045. Bởi theo đại biểu, với 10 năm tới thì chỉ là định hướng chứ không thể quyết định được. Điều này sẽ đảm bảo sự chuẩn xác nhiệm vụ của Đại hội.
Đồng quan điển trên, song đại biểu Quàng Văn Hương (Sơn La), Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội lại góp ý về công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong nhiệm kỳ vừa vừa qua cũng như định hướng trong thời gian tới.
Đại biểu cho biết: Giai đoạn vừa qua, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này. Tại Kỳ họp thứ 8 đã có một Nghị quyết mang tính lịch sử về công tác dân tộc và tiếp tục đến Kỳ họp thứ 9 có Nghị quyết về thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn tới.
Đại biểu nhấn mạnh: Đây là vấn đề rất quan trọng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các văn kiện từ Báo cáo chính trị đến Báo cáo tổng kết chiến lược, báo cáo kinh tế - xã hội 5 năm chưa toát được nội dung liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã thể hiện rõ trong hoạt động của Quốc hội, của Chính phủ trong thời gian qua.
Những vấn đề này thể hiện trong dự thảo Văn kiện chưa thực sự đầy đủ, chủ yếu tiếp cận dưới góc độ xóa đói, giảm nghèo, không tách thành một mục riêng, chưa tiếp cận với góc độ chính trị, xử lý mối quan hệ mà thực tiễn đang đặt ra theo đúng tinh thần Hiến pháp.
Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới có nêu: kiên trì thực hiện các quan điểm của Đảng về công tác dân tộc trong Nghị quyết 24 và các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, XII, xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản lâu dài, cấp bách là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị. Bởi vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục được làm rõ hơn về nội dung cụ thể hơn về vấn đề này trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội.
Góp ý về cụm từ “nhân dân” trong các Văn kiện, đại biểu cho rằng: Hiện nay từ Đảng, Nhà nước thì chúng ta viết hoa nhưng từ “nhân dân” chúng ta lại không viết hoa. Trong Hiến pháp và trong các văn kiện của Đảng cụm từ “nhân dân” viết hoa nhưng lần này dự thảo lại viết thường.
“Theo tôi phải viết đúng tinh thần của Hiến pháp, đó là từ “Nhân dân”, phải viết hoa để đảm bảo thống nhất giữa quy định của Hiến pháp và các quy định của Đảng”, đại biểu góp ý./.
Bích Liên