(ĐHXIII) - Góp ý vào dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nhấn mạnh: Điểm rất mới mà dự thảo lần này nêu, đó là lần đầu tiên trong nghị quyết của Đảng đề cập nội dung: Xây dựng nền tư pháp đảm bảo yêu cầu liêm chính.
|
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng). (Ảnh: TTXVN)
|
Góp ý về nội dung xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong dự thảo Báo cáo Chính trị, đại biểu Nguyễn Bá Sơn nhận xét: Báo cáo đã xác định và thể hiện đầy đủ nội dung xây dựng và thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong giai đoạn mới theo hướng tiếp tục đổi mới, tổ chức nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan tổ chức tham gia vào các quá trình tố tụng…“Như vậy, có thể khẳng định hướng đưa ra là hoàn toàn đúng đắn. Đặc biệt, dự thảo Báo cáo chính trị có đề cập việc xây dựng nền tư pháp Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoạt động tư pháp có trọng trách là phải bảo vệ công lý, bảo vệ con người, bảo vệ quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của tổ chức và cá nhân. Như vậy, có thể nói rằng, vai trò của công tác tư pháp trong công cuộc đổi mới và trong quá trình phát triển trong giai đoạn sắp tới là hết sức quan trọng”, đại biểu nhận xét.
Đại biểu cũng lý giải, đặc thù của công tác tư pháp là luôn luôn đối diện và có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp. “Với đặc điểm rất mới mà dự thảo lần này đưa ra, tôi thấy rằng đây là lần đầu tiên được ghi vào một nghị quyết của Đảng, đó là xây dựng nền tư pháp đảm bảo yêu cầu liêm chính”, đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn, đây cũng là lần đầu tiên nhiệm vụ công tác tư pháp đặt yêu cầu liêm chính của đội ngũ cán bộ tư pháp được đưa vào trong Nghị quyết. Đó là một bước tiến mới trong tư tưởng của Đảng về vấn đề xây dựng các nhiệm vụ công tác tư pháp trong tương lai. Có thể khẳng định để làm được việc này, đội ngũ làm công tác tư pháp phải đảm bảo tính tuân thủ pháp luật trong mọi hoạt động. Việc đánh giá và định hướng mà dự thảo Nghị quyết lần này đưa ra về xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp liêm chính đã đặt mục tiêu chuẩn mực về sự liêm chính, hoàn toàn đúng đắn.
“Nếu như chúng ta đi sâu vào vấn đề này thì tính tuân thủ pháp luật phải được thể hiện ở tầm thượng tôn pháp luật trong hoạt động tư pháp, bao gồm hết tất cả các tính liêm chính, tính tuân thủ pháp luật trong mọi hoạt động mới đảm bảo được các mục tiêu xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh để phục vụ cho công tác phát triển trong tương lai. Điều này hết sức quan trọng, bởi niềm tin của nhân dân, theo tôi, đó chính là nền tảng chính trị của một chế độ, của một xã hội”, đại biểu bày tỏ.
Cũng liên quan đến việc xây dựng pháp luật đề cập trong Báo cáo chính trị, đại biểu cũng phân tích: Trong Hiến pháp của chúng ta từ năm 1946 cho đến giờ có một thiết chế rất quan trọng, đó là thiết chế Mặt trận Tổ quốc. Hiến pháp 2013 cũng đã khẳng định, Mặt trận Tổ quốc là một trong ba thiết chế kiến tạo nên thể chế chính trị của Nhà nước ta, bao gồm: Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc. Chúng ta đẩy mạnh quản lý nhà nước thông qua việc xây dựng pháp luật và hoàn thiện pháp luật liên tục trong nhiều năm. Riêng về kiểm soát năng lực thông qua hoạt động của Tổ chức Mặt trận Tổ quốc, theo hiến định của Hiến pháp thì dường như còn chậm.
Đại biểu lý giải, thực tế từ năm 2014 đến nay, chúng ta liên tục xây dựng các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của Mặt trận Tổ quốc nhưng vẫn còn thiếu một yếu tố rất là quan trọng là thể chế hóa quy định của Hiến pháp về vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong hoạt động giám sát xã hội.
Đại biểu góp ý, đến giờ chúng ta vẫn chưa có quy định của pháp luật, chưa có Luật Giám sát của Mặt trận Tổ quốc. Đây cũng là mong muốn của số lượng lớn nhân dân và cử tri, đặc biệt là các đồng chí, các anh, các chị làm công tác Mặt trận. "Tôi rất mong muốn Đại hội nhiệm kỳ này, Đảng có ý kiến để chúng ta có thể xây dựng được Luật Mặt trận Tổ quốc”, đại biểu đề xuất./.
Bích Liên