Công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ qua có nhiều chuyển biến tốt

Theo Bộ Ngoại giao, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp nhiều ý kiến vào Dự thảo Báo cáo Tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Đa số các ý kiến đều nhận định: Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII đã đề cập, phản ánh toàn diện tất cả các mặt trên cả hai phương diện: Ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân. Làm nổi bật kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm ngắn gọn, cô đọng, đúng mực, đúng thực chất, theo đúng thái độ của Đảng trong đổi mới: nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật về công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII, báo cáo đề cập phương hướng chung, mười nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhấn mạnh ba nhiệm vụ trọng tâm và ba giải pháp đột phá. Đây là sự kế thừa, phát triển cách tiếp cận của nhiệm kỳ Đại hội XII, có bổ sung cần thiết, đặc biệt là giải pháp đột phá.

Một số ý kiến cho rằng: Đường lối của Đảng đúng đắn, song việc triển khai, tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, thống nhất, thậm chí có biểu hiện nói và làm không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, dẫn đến nhiều cán bộ, đảng viên kể cả cán bộ cấp cao bị kỷ luật, truy tố trước pháp luật. Tiếp tục làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng vi phạm, đồng thời xử lý nghiêm khắc để giữ vững niềm tin nhân dân. Cuộc chiến đấu chống tham ô, tham nhũng, chống tiêu cực trong Đảng và bộ máy nhà nước cần tiếp tục quyết liệt hơn nữa. Điều này đòi hỏi từng cán bộ, đảng viên cần vững vàng, trưởng thành hơn để quyết tâm thực hiện mục tiêu đề ra.

Công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ qua chuyển biến tốt hơn so với hai nhiệm kỳ trước, nhưng chưa toàn diện; sức chiến đấu ở một số tổ chức Đảng còn yếu. Công tác định hướng chính trị, tư tưởng có lúc chưa nhạy bén và kịp thời, nhất là trước các vấn đề lớn, bất ngờ. Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi. Công tác kiểm tra, giám sát chưa thật sự chặt chẽ; các vụ việc tiêu cực chậm được phát hiện từ cơ sở. Công tác phát triển đảng viên còn nhiều khó khăn, chưa đồng bộ và bền vững (đối với công tác phát triển đảng ở ngoài nước gặp nhiều khó khăn đặc biệt đối với các địa bàn không có hoặc ít lưu học sinh).

Nhiều ý kiến phân tích và nhận định: Thế giới hội nhập, đảng viên ra ngoài nước nhiều thành phần, đa dạng mục đích, việc di chuyển giữa các quốc gia ngày càng phổ biến, dễ dàng, vì vậy một số nội dung cần sửa đổi nhằm quản lý đảng viên ở ngoài nước cho phù hợp. Vì vậy, cần tiến hành phân loại đảng viên thành hai đối tượng: Đảng viên là công chức nhà nước và đảng viên ngoài khối công chức nhà nước, đây là yếu tố quan trọng để giao nhiệm vụ đảng viên khi ra ngoài nước. Đặc biệt, đối với đảng viên không hưởng lương từ ngân sách nhà nước đi có thời hạn thì nên dành quy chế sinh hoạt đảng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế để tạo điều kiện cho lao động chuyên tâm công việc (có thể miễn sinh hoạt đảng trong thời gian dưới 3 năm). Nếu tại những địa bàn có đặc thù (chiến tranh, xung đột, thiên tai, dịch bệnh… ), dẫn đến đảng viên phải phân tán, công việc không ổn định, cần áp dụng đặc thù song hành như công tác Lãnh sự, bảo hộ công dân (tự động gia hạn hộ chiếu), nếu áp dụng quy định, điều lệ về sinh hoạt Đảng, sẽ có nhiều đảng viên vi phạm hoặc bị kỷ luật đảng.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng đưa ra một số ý kiến đề nghị: Cần tăng cường các cơ chế hoạt động để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, trước hết là tham gia giám sát hoạt động của các tổ chức đảng, đảng viên, tham gia đóng góp ý kiến cho Đảng. Có chính sách đãi ngộ và vinh danh xứng đáng cho đảng viên kiên trung, đóng góp bền bỉ cho công tác xây dựng đảng và công tác đoàn thể, quần chúng cộng đồng ở ngoài nước.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng: một số ý kiến cho rằng cần xây dựng cơ chế, biện pháp hiệu quả để lựa chọn được cán bộ có năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá; tiếp tục có những bước đột phá trong chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và chính sách tạo động lực, đảm bảo cuộc sống (cải cách tiền lương) để cán bộ, công chức toàn tâm, toàn ý với công việc; công tác đánh giá cán bộ, cần phải thay đổi cơ bản để đánh giá đúng năng lực của cán bộ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Cần tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát để việc giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ ứng cử phải đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng nhất trí đề nghị Trung ương tiếp tục đặc biệt quan tâm đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cần tập trung xây dựng hệ thống thể chế của Đảng và Nhà nước chặt chẽ; thực hiện công khai, minh bạch, kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức, có quyền; xử lý nghiêm minh, công bằng, công khai hành vi tham nhũng; có cơ chế tiền lương và đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ, công chức. Một số ý kiến nêu: ở những đơn vị quản lý nhỏ xã, thôn đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa hoặc kinh tế còn khó khăn thì đi đôi với việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính thì luôn cần phải nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ quản lý, để có thể đạt được kết quả tốt hơn nữa.

Các ý kiến bày tỏ nhất trí cần tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cần có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả xây dựng mục tiêu, kế hoạch, lộ trình cụ thể đối với việc tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng cán bộ trong nhiệm kỳ này. Chú ý hơn quy chế khen thưởng và kỷ luật trong Đảng; cần có thêm chính sách phát triển nguồn nhân lực và thu hút du học sinh về nước làm việc; chính sách thu hút nhân lực là người Việt Nam ở nước ngoài.

Công tác xây dựng đảng và chỉnh đốn đảng cần tiếp tục thực hiện thông qua nâng cao chất lượng đảng viên, cán bộ, đảng viên phải thực sự có trình độ, có trách nhiệm và liêm khiết, từ đó củng cố và nâng cao niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Các chủ trương về xây dựng Đảng cần được thể chế hóa thông qua đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Phản hồi

Các tin khác