Bài 2: Tạo không gian phát triển của kinh tế tư nhân
Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần được điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn (Ảnh tư liệu)

Đổi mới là tạo cho xã hội những độ co giãn hợp lý để đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển. Đại hội XII, Đảng ta đã nhận thức được rõ hơn về kinh tế tư nhân, tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, để đánh giá triển khai thực hiện tốt Nghị quyết này, Đại hội XIII cần thảo luận một cách rõ hơn xem khu vực tư nhân có vai trò gì, có giá trị đến đâu và tạo cho nó một không gian rộng tới mức nào là hợp lý để có thể phát triển mà vẫn có thể kiểm soát được những rủi ro phát sinh do mặt trái của cơ chế thị trường.

Sản xuất công nghiệp, đặc biệt công nghiệp chế biến chế tạo đang góp phần lớn vào tăng trưởng kinh tế (Ảnh: PV)

Sản xuất công nghiệp, đặc biệt công nghiệp chế biến chế tạo đang góp phần lớn vào tăng trưởng kinh tế (Ảnh: PV)

Rõ ràng, vai trò của “định hướng xã hội nghĩa” thể hiện rất rõ bởi các lực lượng kinh tế đều phát sinh tiêu cực nếu nó không được định hướng, không được kiểm soát và tổ chức chặt chẽ. Chúng ta đã có kinh nghiệm về tác động tiêu cực ở một số khu vực kinh tế khác do không giám sát tốt. Tính “định hướng xã hội chủ nghĩa” không chỉ thể hiện ở việc kiểm soát và điều chỉnh tốc độ phát triển của khu vực tư nhân mà còn thể hiện cả trong việc điều hành khu vực kinh tế Nhà nước và các khu vực kinh tế khác. Ví dụ, những sai sót ở khu vực kinh tế nhà nước thời gian vừa qua cũng cần được sửa chữa một cách thấu đáo. Cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng kể cả về số lượng và chất lượng trong khu vực này. 

Vậy là, sự đổi mới nhận thức lý luận và cụ thể hóa những đặc trưng của mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đang tiếp tục được hoàn thiện trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, qua đó tạo ra những động lực lớn hơn cho phát triển kinh tế.

Thực tế, sau hơn 35 năm Đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm phát triển và coi trọng các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân, bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Kể từ Đại hội VI của Đảng, kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã ngày càng được coi trọng và khuyến khích phát triển.

Quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân ngày càng sáng tỏ, cùng các chính sách chung và các chính sách đặc thù được ban hành trong thời gian qua đã có tác động tích cực đến sự phát triển của kinh tế tư nhân. Trong giai đoạn 2001 - 2016, kinh tế tư nhân không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Doanh nghiệp tư nhân phát triển ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và các vùng, miền, số lượng doanh nghiệp của tư nhân tăng nhanh, từ 55.236 doanh nghiệp năm 2002 thì đến năm 2016 đã có khoảng 500.000 doanh nghiệp với nhiều loại hình đa dạng.

Hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế tư nhân dần được nâng lên, có tỷ trọng đóng góp GDP khoảng 39 - 40%. Khu vực kinh tế tư nhân cũng chiếm trên 85% lao động đang làm việc của nền kinh tế; thu hút khối lượng vốn khá lớn từ nền kinh tế để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đạo đức, văn hoá kinh doanh của doanh nhân dần được nâng lên.

Tuy đạt nhiều thành tựu, song, nhìn chung, khu vực kinh tế tư nhân còn tồn tại, hạn chế. Cơ chế, chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế, có quy mô nhỏ, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ. Trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp. Cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác. Năng lực hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu tham gia các chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu. Vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh còn khá phổ biến. Quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản, tiếp cận các cơ hội kinh doanh, nguồn lực xã hội chưa thực sự bình đẳng so với các thành phần kinh tế khác...

Tới đây, để cụ thể hoá và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 cần tập trung: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, doanh nhân trong việc thực hiện Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân. Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân, để kinh tế tư nhân “là một động lực quan trọng” góp phần phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước. Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân và các loại hình doanh nghiệp khác. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp tư nhân. Xóa sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân với loại hình doanh nghiệp khác. Thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tư nhân. Nâng cao hiệu quả công tác Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân…/.

Phản hồi

Các tin khác