Ngày 25/3/2011, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ An Giang ban hành Quyết định 71-QĐ/TU (gọi tắt là Quy chế 71) để thực hiện Quyết định số 340-QĐ/TW ngày 03/12/2010 của Ban Bí thư (khóa X) ban hành Quy chế cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng của Đảng” (gọi tắt là Quy chế 340).
Qua mười năm triển khai, thực hiện, theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, nhìn chung các cấp uỷ đã lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hoá những nội dung trong Quy chế 71 và Quy chế 340 sát và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị để tổ chức triển khai, thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ là cơ quan trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên; đầu mối tiếp nhận, xử lý và quản lý thông tin do cơ quan, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh uỷ cung cấp.
|
Các báo cáo viên chính là những người có đóng góp quan trọng
trong công tác tuyên truyền và định hướng thông tin (Ảnh: BTG An Giang)
|
Xác định tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng, đặc biệt là phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng của Đảng, bằng nhiều hình thức phù hợp như: cung cấp văn bản, tài liệu; qua trao đổi, làm việc trực tiếp giữa Thường trực Tỉnh uỷ với các cơ quan, đơn vị; giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ với các cơ quan, đơn vị; thông qua các hội nghị: định hướng công tác tuyên truyền, thông tin thời sự cập nhật kiến thức, hội nghị báo cáo viên… Thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đã tiếp nhận, chọn lọc, xử lý thông tin phản hồi từ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Hiện toàn tỉnh có 05 báo cáo viên Trung ương công tác tại tỉnh, 21 báo cáo viên cấp tỉnh, 279 báo cáo viên cấp huyện, 3.562 tuyên truyền viên cấp xã. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là những đồng chí có năng lực và trình độ chuyên môn và luôn phát huy khả năng thực hiện nhiệm vụ, triển khai tốt các nghị quyết, chỉ thị, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng nghiệp vụ, được cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu và phương tiện đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ.
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ duy trì đều đặn tổ chức các hội nghị báo cáo viên định kỳ hoặc đột xuất, kết hợp các loại hình như trực tiếp, trực tuyến. Có 7/11 địa phương, như: Chợ Mới, Long Xuyên, Tịnh Biên, Châu Thành, Tân Châu, Thoại Sơn và Châu Phú kết nối đường truyền trực tuyến đến điểm cầu xã, phường, thị trấn.
Việc cung cấp tài liệu tuyên truyền tại các hội nghị báo cáo viên, cơ sở dữ liệu, Bản tin Thông tin công tác tư tưởng, Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh, thông tin tư liệu tuần, thông tin chuyên đề; biên soạn, phát hành tài liệu về “Đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên theo Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI); 02 tập Sổ tay tuyên truyền phòng, chống “diễn biến hoà bình” và nhiều tài liệu khác, qua đó giúp cho báo cáo viên nghiên cứu phục vụ công tác tuyên truyền miệng và định hướng thông tin.
Các địa phương, đơn vị trong tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, báo cáo viên, tuyên truyền viên. Tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức thành công hội thi báo cáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và tham dự hội thi cấp khu vực phía Nam.
Mười năm qua, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Quy chế được thực hiện kịp thời, nghiêm túc, chất lượng. Nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin phục vụ cho công tác tuyên truyền miệng được nâng lên rõ nét. Các thông tin được lựa chọn, đảm bảo mang tính thời sự, đúng định hướng. Biên tập, phát hành các tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền miệng đảm bảo kịp thời, không ngừng đổi mới, cải tiến về nội dung và chất lượng. Việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho báo cáo viên, tuyên truyền viên luôn được các cấp uỷ đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Đã ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cung cấp thông tin, giúp cho việc cung cấp thông tin được linh hoạt, mau chóng và tiện lợi.
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Quy chế còn một số tồn tại hạn chế đó là: Việc cung cấp thông tin, tuy có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn chậm, đôi lúc chưa đáp ứng kịp yêu cầu đòi hỏi thực tiễn đặt ra. Việc minh bạch hoá thông tin có lúc, có khi vẫn chưa được quy định cụ thể, chặt chẽ. Nội dung thông tin cung cấp chậm đổi mới, đôi lúc chưa sát với tình hình thực tiễn đặt ra, nhất là ở cơ sở./.
KG (theo BTG An Giang)