Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII
Ảnh minh họa. Nguồn: Nam Khánh

Ảnh minh họa. Nguồn: Nam Khánh

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII thể hiện rõ những nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để cụ thể hóa quan điểm, đường lối, định hướng và nội dung liên quan của Nghị quyết Đại hội XIII thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với tình hình trong nước, quốc tế và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời gian tới.

Chương trình hành động của Chính phủ là căn cứ để các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ ở trung ương và chính quyền địa phương cấp tỉnh xây dựng chương trình hành động của từng bộ, ngành, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phải được tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu cao nhất để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII, trong đó:

- Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương phải nghiêm túc quán triệt các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển” và các quan điểm chỉ đạo theo Nghị quyết Đại hội XIII; trong đó đặc biệt chú trọng 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống hành chính nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

10 nhiệm vụ chủ yếu

Nghị quyết đề ra 10 nhiệm vụ chủ yếu gồm:

1- Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.

2- Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

3- Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

4- Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; phát triển nền kinh tế số; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô.

5- Phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế vùng, kinh tế biển, lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.

6- Phát triển văn hoá, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

7- Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai và tác động của dịch bệnh.

8- Củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

9- Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

10- Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính.

Ban hành Chương trình hành động thuộc phạm vi quản lý

Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và các nhiệm vụ cụ thể trong Chương trình hành động này của Chính phủ, có trách nhiệm xây dựng, ban hành Chương trình hành động thuộc phạm vi quản lý, trong đó phải thể hiện bằng các đề án, chương trình, giải pháp, nhiệm vụ, lộ trình triển khai thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2021, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo theo quy định.

Trên cơ sở Chương trình hành động của Chính phủ và Chương trình hành động của mình, từng bộ, cơ quan, địa phương cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hằng năm. Đối với những nhiệm vụ đã rõ, đã có văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không cần phải xây dựng thêm đề án, các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức triển khai ngay, bảo đảm thực hiện kịp thời, hiệu quả những nội dung liên quan trong Chương trình hành động của Chính phủ và Chương trình hành động của bộ, cơ quan, địa phương.

Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII, Chương trình hành động này của Chính phủ và Chương trình hành động của bộ, cơ quan, địa phương; trong đó đặc biệt lưu ý cần nghiêm túc quán triệt thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, hoạt động và phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ gắn với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy; có quyết tâm chính trị cao; dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình; chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống; nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới trên các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Phản hồi

Các tin khác