(ĐHXIII) - Đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẳng định, trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT đã bám sát chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết liệt cải cách, đổi mới, triển khai đồng bộ các giải pháp, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, lĩnh vực công tác của ngành, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và xã hội, góp phần cùng Chính phủ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước. Trong đó, có nhiều thành tựu nổi bật được xã hội và người dân ghi nhận.
Ga Hà Đông trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, TP Hà Nội.
Tiềm năng chưa được phát huy hết
Bên cạnh những kết quả đạt được, giai đoạn vừa qua ngành GTVT vẫn còn có những khó khăn, tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục. Nổi bật có thể kể đến như hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, quản lý vận tải,... chưa đồng bộ, đầy đủ, chưa kịp thời ở một số lĩnh vực nên chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thực tiễn.
Tiếp đó, hệ thống hạ tầng GTVT vẫn còn thiếu đồng bộ, tính kết nối vẫn chưa cao, chi phí vận tải chưa hợp lý và giảm hiệu quả khai thác vận tải. Chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt, đường thủy nội địa còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Thị phần vận tải chưa hợp lý, số lượng doanh nghiệp vận tải, dịch vụ logistics có đủ năng lực dẫn dắt thị trường và cạnh tranh quốc tế còn ít.
Đồng thời, hiện chưa có sự thống nhất chung trong quản lý nhà nước về quy hoạch như quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch ngành do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và quy hoạch xây dựng do Bộ Xây dựng chủ trì, dẫn đến trong quá trình áp dụng còn bất cập, đặc biệt là quy định và phân loại về quy hoạch vùng lãnh thổ) và quy hoạch công trình cụ thể (ví dụ: Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 và Nghị định 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 thiếu quy định cụ thể về quy hoạch chi tiết các công trình tuyến như các tuyến cao tốc tuyến đường sắt,...).
Các quy hoạch ngành GTVT thường lập trên cơ sở các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên các quy hoạch này chưa đáp ứng yêu cầu định hướng chủ đạo cho quy hoạch giao thông nên ảnh hưởng đến chất lượng quy hoạch, thiếu tầm nhìn, sớm bị lạc hậu. Tính đồng bộ trong triển khai quy hoạch giữa các ngành, lĩnh vực, giữa quy hoạch chuyên ngành với quy hoạch ngành chưa cao, nhiều khi trong lập, triển khai quy hoạch phải điều chỉnh theo những điều khoản, nội dung đã được phê duyệt trước đó ảnh hưởng đến chất lượng đề án. Cân đối vốn thực hiện quy hoạch gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng nhu cầu theo tiến trình đề xuất trong các quy hoạch.
Nguồn lực ngân sách nhà nước (NSNN) bố trí cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) chưa đáp ứng đủ, chưa tương xứng, đồng bộ so với định hướng mục tiêu đặt ra. Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển KCHTGT còn khó khăn, do các dự án đòi hỏi nguồn vốn lớn, tính hiệu quả về mặt tài chính thấp, chưa có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, thiếu những chính sách khuyến khích đầu tư thích đáng và tạo sự chủ động cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án và đặc biệt là chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư theo thông lệ quốc tế.
“Những nguyên nhân này dẫn đến trong thời gian qua, một số tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đã đến Việt Nam bày tỏ quan tâm đầu tư nhưng phần lớn mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu, khảo sát thị trường”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chia sẻ.
Hiệu quả tiến độ các dự án bị ảnh hưởng
Tại một số công trình, dự án trọng điểm đang triển khai vẫn còn khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do vốn đầu tư không đáp ứng yêu cầu, cơ chế giải ngân phức tạp, công tác lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu còn nhiều vướng mắc, các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng nói chung còn nhiều bất cập, chưa có nhiều chế đặc thù áp dụng đối với các dự án trọng điểm hoặc dự án cấp bách; một số dự án lớn hơn 10.000 tỷ đồng khi điều chỉnh tổng mức đầu tư cần báo cáo Quốc hội thông qua do hình thành yếu tố quan trọng quốc gia,... Những yếu tố này ảnh hưởng đến tiến độ chung của nhiều dự án đang và sắp triển khai. Hiện nay, còn 06 dự án trọng điểm đang triển khai chậm tiến độ (Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và 05 dự án đường sắt đô thị); công tác triển khai một số dự án mới cũng còn chậm.
Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn luôn khó khăn, phức tạp, nếu không có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của địa phương thì sẽ làm kéo dài tiến độ thi công các công trình, phát sinh chi phí đầu tư, chậm đưa vào khai thác sử dụng, làm giảm hiệu quả đầu tư. Sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành, các địa phương chưa cao, đặc biệt là trong quản lý thực hiện quy hoạch, huy động vốn, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư.
Vốn dành cho công tác duy tu, sửa chữa định kỳ còn thiếu so với nhu cầu; công tác bảo trì lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa còn khó khăn do quy định về đổ thải, có năm không giải ngân hết được số vốn đã bố trí.
Một số mục tiêu đặt ra trong nghị quyết, chiến lược, quy hoạch phát triển ngành GTVT đến năm 2020 chưa đạt, một số chỉ tiêu thực hiện còn chậm so với mục tiêu tại Nghị quyết 13-NQ/TƯ và quy hoạch đường bộ cao tốc;…
|
Theo Bộ GTVT, Công tác GPMB vẫn luôn khó khăn, phức tạp, nếu không có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của địa phương.
6 kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Van Thể cho biết: Bộ đã có văn bản kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quan tâm xử lý những kiến nghị, đề xuất. Cụ thể là các bộ, ngành và các địa phương cần phối hợp chặt chẽ, quyết liệt xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án trọng điểm, nhất là trong công tác GPMB đối với các dự án lớn, quan trọng như: đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Nghệ An và một số dự án ODA lớn.
Các bộ, ngành liên quan cũng cần phối hợp, hỗ trợ Bộ GTVT xử lý các vướng mắc đối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông để sớm đưa dự án vào khai thác, vận hành, đảm bảo điều kiện tiếp tục giải ngân vốn nước ngoài cho dự án.
Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 đối với một số dự án cần thiết, cấp bách có khả năng giải ngân ngay khi được bố trí vốn, nhưng đã hết hạn mức kế hoạch trung hạn hoặc chưa có kế hoạch trung hạn, như: các dự án đầu tư công khẩn cấp cải tạo đường hạ cất cánh, đường lăn sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất; tuyến nối các cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và Hà Nội-Hải Phòng các dự án ODA đã hoàn thành cần bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài để thực hiện thủ tục ghi thu, ghi chi quyết toán ngân sách; các dự án ODA mới có nhu cầu bổ sung kế hoạch để triển khai sớm công tác GPMB (Tuyến tránh Long Xuyên, Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc...).
Cùng với đó, các Bộ, ngành, địa phương cần thống nhất phương án, xử lý dứt điểm các tồn tại, bất cập đối với các trạm thu phí đường bộ để hoàn vốn cho các dự án; chỉ đạo Bộ Công an và UBND các địa phương liên quan quyết liệt hơn trong công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các trạm thu phí, có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 82/CĐ-TTg ngày 18/01/2018.
Riêng với Bộ Tài chính, Bộ GTVT kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm hướng dẫn thủ tục thanh toán cho các dự án BT, đặc biệt thủ tục chi trả cho nhà đầu tư của dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, tạo điều kiện xử lý nhanh thủ tục thủ tục điều hòa, điều chỉnh vốn ngân sách giữa nguồn vốn trái phiếu chính phủ và nguồn vốn ngân sách để đảm bảo có thể giải ngân hết nguồn vốn được Chính phủ giao.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ cần phối hợp, hỗ trợ xử lý nhanh các thủ tục điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư, cơ cấu khoản vay của một số dự án ODA để đảm bảo điều kiện giải ngân kế hoạch, như: dự án WB5 hợp phần đường sông để trả các khoản chi GPMB đã ứng trước của địa phương, dự án Lộ Tẻ-Rạch Sỏi để hoàn trả các khoản chi GPMB không đúng quy định của nhà tài trợ, sử dụng vốn dư dự án cầu Hưng Hà./.
Bài, ảnh: KC