Các nhà đầu tư châu Âu và Hàn Quốc tin tưởng vào môi trường kinh doanh của Việt Nam
Thu hút đầu tư nước ngoài Việt Nam ngày càng khởi sắc (Ảnh: HNV)

Xu hướng gia tăng đầu tư của Liên minh châu Âu (EU) vào Việt Nam

Vừa mới đây, EU đã khảo sát và chứng minh về trong thực tiễn về xu hướng gia tăng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh Việt Nam đang trở thành đối thủ cạnh tranh “đáng gờm” về thu hút đầu tư nước ngoài ở Đông Nam Á.

Thống kê của Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, với kim ngạch ngoại thương đạt khoảng 41,3 tỷ USD, EU hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Liên minh châu Âu trên thế giới và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Liên minh châu Âu trong ASEAN - đối tác thương mại lớn thứ ba của Liên minh châu Âu bên ngoài châu Âu (sau Mỹ và Trung Quốc).

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Liên minh châu Âu sang Việt Nam là sản phẩm công nghệ cao, gồm máy móc, thiết bị điện, máy bay, xe cộ và dược phẩm, trong khi các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Liên minh châu Âu là điện thoại, sản phẩm điện tử, giày dép, dệt may, cà phê, gạo, thủy sản và đồ nội thất.

Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực giúp tăng khả năng cạnh tranh giữa các thị trường Liên minh châu Âu và Việt Nam. EVFTA có nghĩa là thuế quan được miễn giảm và các mối quan hệ thương mại và kinh doanh được làm sâu sắc hơn.

Đây là cơ hội lớn cho các công ty thuộc Liên minh châu Âu. Hiệp định mở ra khả năng tiếp cận nhiều với một thị trường mới nổi gần 100 triệu dân, trong đó có khoảng 55 triệu công nhân. Ngoài ra, hiệp định còn mở ra cơ hội đối tác, đối thoại, hợp tác và tạo mối quan hệ bền chặt hơn với khu vực Đông Nam Á.

Hợp tác Việt Nam và Liên minh châu Âu tiếp tục đạt hiệu quả lớn (Ảnh: PV)

Hợp tác Việt Nam và Liên minh châu Âu tiếp tục đạt hiệu quả lớn (Ảnh: PV)

Trong khi đó, việc phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA), trong đó Liên minh châu Âu và Việt Nam quyết định tạo thuận lợi về môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp hai bên (bao gồm cả việc tăng cường khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là sở hữu trí tuệ), tạo thuận lợi hơn cho các công ty thuộc Liên minh châu Âu đầu tư vào lĩnh vực bị hạn chế trước đây. Ví dụ, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trong các ngân hàng thương mại đã tăng từ 30% lên 49%.

Đây chính là những yếu tố khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư của Liên minh châu Âu, đồng thời cho thấy tiềm năng và tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á.

Một cuộc khảo sát về chỉ số môi trường kinh doanh quý I/2021 do Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) thực hiện còn cho thấy thêm, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu vẫn tin tưởng vào nền kinh tế Việt Nam. Theo EuroCham, hiệu quả hoạt động trong quý II/2021 dự đoán sẽ tiếp tục cải thiện. Tuy nhiên, cuộc khảo sát cũng lưu ý rằng “thủ tục hành chính” là thách thức lớn nhất để tận dụng lợi thế của EVFTA.

Triển vọng thu hút FDI từ EU trong bối cảnh hai bên đã ký kết Hiệp định EVFTA là rất tích cực, hứa hẹn cải thiện chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam. FDI từ EU không chỉ đơn thuần bổ sung thêm vốn đầu tư mà còn có thể giúp Việt Nam tiếp cận và bắt kịp các xu hướng phát triển mới của thế giới. Do đó, Việt Nam cần tận dụng triệt để khoảng “thời gian vàng” khi các nước ASEAN chưa có FTA với EU để tiếp cận, thâm nhập thị trường cũng như thu hút FDI từ các nước EU. Bên cạnh đó, dù triển vọng thu hút FDI từ EU trong bối cảnh 2 bên đã ký kết EVFTA, EVIPA là rất tích cực, hứa hẹn cải thiện chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực DN EU có thế mạnh như: công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ ngân hàng, tài chính… Tuy nhiên, đối với thu hút FDI chất lượng cao, Hiệp định EVFTA chỉ là yếu tố hỗ trợ, chứ không có tính quyết định đối với hoạt động đầu tư.

Xuất khẩu và đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam đang gia tăng

Cũng đánh giá về triển vọng thu hút đầu tư của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Viện Nghiên cứu Thương mại quốc tế thuộc Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) mới đây đã công bố Báo cáo cho biết Việt Nam đã và đang được chú ý như một thị trường đầu tư hấp dẫn ở Đông Nam Á. Theo KITA, xuất khẩu và đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam đang gia tăng.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục tăng đầu tư vào Việt Nam (Ảnh: PV)

Các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục tăng đầu tư vào Việt Nam (Ảnh: PV)

Cụ thể, từ năm 2017, Việt Nam vươn lên nằm trong nhóm 3 nước xuất khẩu nhiều nhất sang Hàn Quốc, sau Trung Quốc và Mỹ. Năm ngoái, số doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam là 3.324 doanh nghiệp, nhiều hơn Trung Quốc với 2.233 doanh nghiệp.

Đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào Việt Nam năm 2019 đạt 8,3 tỷ USD, chiếm 21,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của nước này (39 tỷ USD).

Mặc dầu vậy, cũng theo báo cáo trên, rủi ro thương mại cũng gia tăng khi quy mô thương mại của Việt Nam mở rộng, quy chế nhập khẩu đối với các sản phẩm của Việt Nam bị siết chặt.

Trong thời kỳ diễn biến của dịch bệnh COVID-19 vẫn đang phức tạp và bùng phát trở lại gần đây, cộng với việc các doanh nghiệp toàn cầu đổ xô vào Việt Nam, rủi ro thị trường cũng tăng lên bởi rất khó để đảm bảo nguồn nhân lực có tay nghề cao và cơ sở hạ tầng.

Bởi thế, KITA cho rằng Chính phủ lẫn các công ty Hàn Quốc cần chủ động phối hợp với Chính phủ Việt Nam xây dựng một mạng lưới ứng phó với những rủi ro.

Theo Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM), đại diện cho hơn 5.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại miền Trung và Nam Việt Nam, dù dịch bệnh hoành hành, nhưng doanh nghiệp Hàn Quốc dự kiến vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong năm 2021. Tuy đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, nhưng Hàn Quốc vẫn duy trì vị trí thứ nhất với tổng số vốn đầu tư tích lũy vào Việt Nam là 70,4 tỉ USD.

Đáng chú ý, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RECP) - một hiệp định thương mại tự do giữa 15 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương bao gồm Úc, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Myanmar, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam đang được kỳ vọng thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước nói riêng và với các nước thành viên trogn Hiệp định nói chung. Đây là cộng đồng lớn nhất trong lịch sử chiếm khoảng 33% dân số thế giới, 30% GDP toàn cầu, 90% thuế nhập khẩu được xóa bỏ, với các quy tắc chung về thương mại điện tử, quyền thương mại cùng quyền sở hữu trí tuệ được thiết lập và quy tắc thống nhất về xuất xứ hàng hóa dự kiến sẽ thúc đẩy Chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt là, chi phí xuất khẩu của toàn bộ khối RECP dự kiến sẽ giảm đáng kể, từ đó các công ty sẽ xuất khẩu dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là khuôn khổ lớn nên cần có hướng dẫn chi tiết hơn để Việt Nam và Hàn Quốc có thể phối hợp phát triển và nhận được nhiều lợi ích hơn.

Sự tin tưởng của các nhà đầu tư đến từ EU và Hàn Quốc nói riêng cũng như nhiều quốc gia khác nói chung vào môi trường kinh doanh của Việt Nam cho thấy các chủ trương và chính sách phát triển liên quan tới kinh tế nói riêng cũng như phát triển nói chung của cả nước đang đúng đắn và hiệu quả, từng bước đảm bảo hiệu quả phát triển bền vững mà Việt Nam đang hướng tới./.

 

 

Phản hồi

Các tin khác