(ĐHXIII) – Hiện, Đề án và Hồ sơ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa đang lấy ý kiến để tập trung phát huy mọi tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển tỉnh Thanh Hóa nhanh và bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù
Nằm trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, trong đó xen lẫn 11 huyện thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, Thanh Hóa hội tụ đủ 3 vùng địa lý, là tỉnh nối giữa Bắc bộ và Trung bộ và là vùng Tây Bắc kéo dài, nằm trên đường hàng hải quốc tế, cửa ngõ ra biển gần nhất ở khu vực Tây Tây Bắc nước ta và Đông Bắc Lào, có đường biên giới trên bộ, trên biển, có đủ loại hình giao thông thuận lợi cho kinh tế phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, có tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp sản xuất với quy mô lớn.
Trong bối cảnh đó, xác định Thanh Hóa là tỉnh có vị trí địa lý chiến lược đặc biệt quan trọng, có vai trò kết nối vùng đồng bằng Sông Hồng, Tây Bắc Trung Bộ, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề ra yêu cầu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Thanh Hóa nhanh và bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa khác so với quy định quy định của pháp luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, trình độ quản lý, quy mô kinh tế - xã hội và vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế đối với tỉnh Thanh Hóa là cần thiết để Thanh Hóa có thêm cơ hội thu hút, huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, phát huy mọi thế mạnh để phát triển nhanh và bền vững, trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp nặng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch; giáo dục và đào tạo…
Tại Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 03/02/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Đề án báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép tỉnh Thanh Hóa thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy, biên chế.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn (Ảnh: T.H)
|
Sớm trình ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù
Có thể nhận thấy tầm quan trọng và sự cần thiết xây dựng nội dung phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nói riêng cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước đến năm 2030 tầm nhìn 2045 nói chung.
Ngoài sự hỗ trợ, ủng hộ tích cực của các cơ quan Trung ương, bản thân cấp ủy và chính quyền tỉnh Thanh Hóa cũng cần chủ động xem xét, nghiên cứu, bổ sung một số cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy, phân cấp quản lý, đầu tư, tài chính trong lĩnh vực khoa học, công nghệ để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của địa phương.
Chú ý bổ sung đánh giá tác động của chính sách trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, tài chính và tính thống nhất của chính sách với hệ thống pháp luật, nhất là các đề xuất chính sách liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước. Nghiên cứu, bổ sung cơ chế, giải pháp huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp; các ngành, nghề truyền thống nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh. Bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch như ưu tiên hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2021-2025…
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông (Ảnh: MPI)
|
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn khẳng định, việc xây dựng Nghị quyết sẽ tạo động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội, có sức lan tỏa lớn của vùng và liên vùng, đóng góp lớn hơn nữa vào sự phát triển kinh tế xã hội của vùng và cả nước như mục tiêu Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.
Trong khi đó, xuất phát từ vai trò là cơ quan trực tiếp tham mưu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, để hoàn thiện và trình cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Thanh Hóa, cần đánh giá tác động của chính sách để làm rõ được mức độ phù hợp, tính khả thi của các mục tiêu, lý do lựa chọn chính sách. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý để nghiên cứu, tham mưu trình cơ quan có thẩm quyền xem xét đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2021, từ đó, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo động lực phát triển cho tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn tới, phấn đấu hoàn thành đúng mục tiêu và tiến độ thời gian để xây dựng Nghị quyết của Quốc hội nêu tại Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 02/3/2021./.
Lê Nguyễn