Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Chỉ đầu tư dự án có tính đột phá, tạo sự lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội

Sáng 13/5, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc đơn vị bầu cử số 1 của tỉnh Bình Định tiếp xúc cử tri tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

 Tìm “lối ra” cho nông nghiệp phát triển

 Cử tri đại diện tại 7 xã và 1 thị trấn thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đã nghe 5 ứng cử viên trình bày chương trình hành động của mình khi trở thành đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026.

Các ứng cử viên trên cương vị công tác của mình đều có những ưu tiên trong chương trình hành động, là thế mạnh của bản thân, như công tác thanh niên, phụ nữ, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp; hoặc bàn các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng, miền cũng như trên cả nước.

  Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trao đổi với cử tri tại thị trấn Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định (Ảnh: M.T)

Đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Quốc hội khóa XIV trình bày chương trình hành động của mình. Theo Bộ trưởng, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khoá XV, ông sẽ nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, người đại biểu của nhân dân và chương trình hành động đã đề ra.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin đến bà con cử tri tại huyện Tây Sơn những kết quả đạt được của ngành Tài chính thời gian qua cũng như các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

“Thời gian tới, Bộ Tài chính nỗ lực tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ thúc đẩy phát triển nền tài chính quốc gia vững mạnh, làm tiền đề cho kinh tế vĩ mô ngày càng bền vững”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Đối với tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, được ứng cử tại tỉnh là vinh dự và nguyện vọng của ông. Dù hiện nay Bình Định là tỉnh đang phát triển và vẫn gặp không ít khó khăn, nhưng với truyền thống văn hóa cách mạng, với vùng đất và con người nghĩa tình, bản lĩnh và sáng tạo, Bình Định sẽ “cất cánh” trong tương lai.

Bộ trưởng cũng quan tâm đến một “lối ra” đầy hứa hẹn cho địa phương khi đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, áp dụng những quy trình mới, giống mới, cây con mới, nâng cao chuỗi giá trị và chất lượng sản phẩm. Thời gian tới, khi trở thành đại biểu Quốc hội của tỉnh, ông sẽ cùng với lãnh đạo tỉnh và bà con nhân dân nỗ lực phấn đấu đưa tỉnh Bình Định ngày một phát triển.

Cải cách tiền lương sẽ được thực hiện vào thời điểm phù hợp

Cử tri mong muốn các ứng cử viên khi trúng cử phải “nói đi đôi với làm”, thực hiện lời hứa trước cử tri.

Cử tri tại huyện Tây Sơn đã gửi nhiều ý kiến đến các vị ứng cử viên liên quan đến các chính sách an sinh xã hội, chế độ chính sách cho đội ngũ khối phố cơ sở, công tác tu bổ các di tích lịch sử trong đó có di tích lịch sử cấp quốc gia là Bảo tàng Quang Trung; cho đến các vấn đề lớn của đất nước, như: đầu tư công, nợ công… 

Quang cảnh buổi tiếp xúc giữa cử tri thị trấn Phú Phong
với các ứng viên ĐBHQ đơn vị bầu cử số 1, Bình Định (Ảnh: M.T)

Trước các kiến nghị của cử tri, trong phạm vi các vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của ngành Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã trả lời hết sức cặn kẽ, chi tiết. Theo Bộ trưởng, thời gian qua Bộ Tài chính đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công, từ đó, kiềm chế nợ công ở mức thấp nhất so với mục tiêu đề ra. Danh mục nợ đã có chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng làm tăng dư địa chính sách tài khóa cho các mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tốc độ tăng nợ công giảm; cơ cấu nợ chuyến biến tích cực, tỷ trọng nợ trong nước tăng dần.

“Những dự án không có hiệu quả chắc chắn sẽ không vay. Chỉ thực hiện các dự án đầu tư các công trình hiệu quả, có tính đột phá cao, các dự án liên vùng, tạo sự lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội đất nước”, người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định trước bà con cử tri huyện Tây Sơn.

Bộ trưởng cho biết thêm, thời gian qua, Bộ Tài chính đã linh hoạt trong điều hành, cơ cấu vay trong nước, vay nước ngoài được điều chỉnh theo hướng bền vững hơn; đẩy mạnh huy động nguồn vốn vay trong nước; kỳ hạn phát hành, thời gian đáo hạn bình quân danh mục trái phiếu chính phủ tăng dần, trong khi lãi suất vay giảm sâu, góp phần giảm rủi ro danh mục nợ Chính phủ, bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia.

Đối với nguồn thực hiện cải cách tiền lương, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2020 tăng trưởng kinh tế không đạt như mục tiêu đề ra đã ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu ngân sách. Thu ngân sách Trung ương năm 2020 đã giảm 95 nghìn tỷ đồng. Tăng trưởng kinh tế chậm lại cũng đã ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách của các địa phương.

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; năm nay ngân sách bố trí hơn 12 nghìn tỷ đồng để mua vắc xin phòng chống dịch.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hết sức phức tạp như hiện nay, sẽ hiện hữu nguy cơ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, từ đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu ngân sách. Do đó, chính sách cải cách tiền lương sẽ được thực hiện vào thời điểm phù hợp.

“Khi điều chỉnh chính sách tiền lương, các chính sách chế độ đi kèm cũng sẽ thay đổi”, người đứng đầu ngành Tài chính chia sẻ thêm với các bà con cử tri.

Ông Lê Kim Toàn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV thay mặt các ứng cử viên, đã giải đáp nhiều vấn đề cử tri quan tâm thuộc thẩm quyền của địa phương.

Ông Lê Kim Toàn ghi nhận các ý kiến của cử tri và cho biết, với những kiến nghị vượt thẩm, quyền, tỉnh sẽ tập hợp kiến nghị cử tri, gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết. Khi các ứng cử viên trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét để đề xuất với Quốc hội các kiến nghị của bà con cử tri.

Phản hồi

Các tin khác