Bộ GTVT đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và đoàn thanh tra giao thông tại bến xe Mỹ Đình - Hà Nội (Ảnh chụp ngày 27/4/2021).
 

Phương châm “không có lợi ích nhóm”

Việc quán triệt, triển khai thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN, nhất là Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN; Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN năm 2018, Luật PCTN năm 2018;... Ban Cán sự đảng, Bộ GTVT đã kịp thời triển khai đến cấp ủy các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ nghiêm túc thực hiện. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành giao thông vận tải về công tác PCTN.

Đánh giá khái quát những ưu điểm của công tác PCTN, đồng chí Lê Anh Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Ban Cán sự đảng, Bộ GTVT trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo về công tác PCTN; từ Bộ GTVT cho tới các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo PCTN, công tác PCTN tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh theo hướng có chiều sâu, đạt kết quả toàn diện, đồng bộ, rõ nét hơn. Công tác PCTN đã đạt được kết quả nhất định, được sự đồng tình ủng hộ của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thời gian qua vẫn còn những hạn chế như: Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật PCTN chưa thường xuyên; công tác báo cáo còn chậm so với yêu cầu của Ban Nội chính Trung ương; đội ngũ cán bộ thực hiện chức năng PCTN còn chưa chuyên nghiệp, đa số thực hiện công tác kiêm nhiệm; công tác phát hiện hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng còn hạn chế;... Nguyên nhân của những tồn tại này là: Thủ trưởng một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN; tâm lý ngại va chạm, đùn đẩy, né tránh khi xử lý vụ việc liên quan đến tiêu cực tham nhũng và những nguyên nhân khác dẫn đến kết quả PCTN còn có mặt hạn chế.

Kế thừa những thành tựu đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, năm nay, Bộ GTVT xác định, nhiều lĩnh vực do Bộ GTVT quản lý tiềm ẩn nguy cơ, tiêu cực, lãng phí dễ xảy ra tham nhũng như: Quản lý đầu tư xây dựng, quản lý các nguồn thu, chi ngân sách, quản lý trạm thu phí, trạm kiểm tra trọng tải, đăng kiểm phương tiện, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép, cấp chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện, công tác nạo vét duy tu tuyến luồng hàng hải;... Mặc dù công tác PCTN thời gian qua đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên, vẫn đang đứng trước những nguy cơ và thách thức lớn. Tình hình tham những diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi khó phát hiện.

Theo đồng chí Lê Anh Tuấn, để nâng cao công tác PCTN trong thời gian tới, Ban Cán sự đảng, Bộ GTVT tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt hơn nữa trong công tác PCTN với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền đặc lợi", triển khai chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện kịp thời các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác PCTN;…

“Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp ủy khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách với phương châm ‘không có lợi ích nhóm’, bất kể họ là ai, giữ cương vị nào”, Bí thư Đảng ủy Bộ GTVT nhấn mạnh.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng chống tham nhũng 

Về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, Bộ GTVT đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và thực hiện tốt Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đặc biệt là nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên phần mềm tPublic của Bộ GTVT, trong đó tập trung công khai các lĩnh vực đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công, tuyển dụng công chức, viên chức, người lao động, bổ nhiệm cán bộ. Nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn đội ngũ công chức, viên chức, người lao động; siết chặt kỷ cương hành chính; minh bạch tài sản, thu nhập; chuyển đổi vị trí công tác. Đặc biệt chú trọng quản lý theo dõi, kiểm tra các dự án trọng điểm của Bộ như cao tốc Bắc Nam và các dự án khác nhằm phòng ngừa tránh để xảy ra tiêu cực, tham nhũng.

Đồng thời, Bộ GTVT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo chất lượng hiệu quả, giám sát nội bộ, có nhiều kênh để tiếp nhận thông tin tố cáo về hành vi tham nhũng, coi trọng xử lý đơn tố cáo và phát hiện của báo chí; thực hiện cơ chế khuyến khích, bảo vệ khen thưởng người tố cáo. Sau kết luận thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo cần kiên quyết thu hồi tài sản, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật như: Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án để nắm bắt thông tin, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành GTVT. Thanh tra Bộ thường xuyên giữ mối liên hệ, truyền tải kịp thời các ý kiến khi đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN và Thanh tra Chính phủ trong công tác PCTN để triển khai tại Bộ GTVT trong thời gian tới.

Mặt khác, Bộ cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu về thực hiện pháp luật PCTN. Bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm về công tác PCTN; lấy công tác PCTN là thước đo đánh giá kết quả công tác thi đua hàng năm.

Tổ thanh tra giao thông phối hợp cùng cơ quan chức năm kiểm tra tải trọng xe.
 

Trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, Bộ GTVT tiếp tục rà soát, đánh giá, kịp thời chấn chỉnh, thay thế, loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất, đạo đức, có dư luận về tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, đảm bảo những người trực tiếp làm việc trong các cơ quan này phải thực sự liêm chính, trong sạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN; đấu tranh không khoan nhượng với hành vi tham nhũng; không bao che, dung túng, không có vùng cấm trong công tác PCTN; xử lý kịp thời, triệt để các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện nghiêm chỉ đạo từ Trung ương về phòng, chống tham nhũng là phải "Chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng". Công tác PCTN theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Tiếp tục cử cán bộ thực hiện nhiệm vụ giám định tư pháp khi cơ quan chức năng có yêu cầu.

Để tiếp tục tăng cường thực hiện, nâng cao hiệu quả các giải pháp PCTN, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng trong thời gian tới, Bộ GTVT kiến nghị các cơ quan Trung ương, các cơ quan có thẩm quyền xây dựng thể chế nghiên cứu, sớm có giải pháp mạnh mẽ, tập trung vào các vấn đề then chốt, trong đó có nội dung kiểm soát giới hạn quyền lực Nhà nước bằng Hiến pháp, Pháp luật; kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước, gắn với việc nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát.

Về lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra và phòng, chống tham nhũng, theo Bộ GTVT, cần nghiên cứu xây dựng mô hình cơ quan chống tham nhũng đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ưu tiên tăng cường biên chế, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức và đặc biệt là vấn đề xây dựng chính sách thu nhập đặc thù đối với lực lượng này cùng với cơ chế giám sát minh bạch.

Bộ GTVT cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ sớm có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 về kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị để Bộ GTVT triển khai thực hiện theo quy định.

Phản hồi

Các tin khác