Đảng uỷ xã Vũ Đoài tích cực lãnh đạo phát triển kinh tế
Một mô hình nuôi cá lồng trên sông ở Vũ Đoài (Ảnh: Đ.T)

Từ tiềm năng thế mạnh của xã Vũ Đoài là có diện tích mặt nước 68 ha, nông dân có truyền thống nuôi cá nước ngọt từ nhiều đời, có làng đã có nghề cá giống truyền thống, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, đáp ứng được yêu cầu tổ chức thực hiện Dự án “Nuôi trồng thuỷ sản cá nước ngọt” tại địa phương. Trên cơ sở đó, Ban chấp hành Hội Nông dân Vũ Đoài đã báo cáo với Ban chấp hành Đảng bộ xã xin ý kiến chỉ đạo về chủ trương tiếp thu dự án trên.

Ban chấp hành Đảng bộ xã Vũ Đoài sau khi nghiên cứu, xem xét đề xuất của Ban chấp hành Hội Nông dân xã, đã họp, thảo luận, thống nhất bằng nghị quyết và giao cho Hội Nông dân xã là đơn vị chủ trì, triển khai Dự án "Nuôi trồng thủy sản cá nước ngọt” đảm bảo vệ sinh môi trường.

Sau khi được lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Thái Bình, Hội Nông dân huyện Vũ Thư thẩm định, nhất trí giao cho Hội Nông dân xã Vũ Đoài tham gia dự án, Ban chấp hành Hội Nông dân xã đã họp và triển khai đến từng thành viên Ban chấp hành Hội Nông dân xã và các chi hội trưởng để thống nhất lựa chọn các hộ trong vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung của xã có đủ điều kiện được tham gia dự án từ năm 2018. Đến nay, các hộ đều thực hiện đúng quy định của dự án. Hiện nay, các hộ dân hiện đang thả cá trắm, chép, trôi là các loại giống phù hợp với khí hậu địa phương. Để nâng cao hiệu quả của Dự án, Hội Nông dân xã Vũ Đoài thường xuyên tuyên truyền phổ biến, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi nâng cao kỹ thuật chăm sóc để cá sinh trưởng, phát triển tốt.

Theo đồng chí Nguyễn Đức Tuệ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vũ Đoài, thông qua dự án, đã giúp người dân có thu nhập khá từ nuôi cá có thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho hội viên hội nông dân, làm cơ sở tiếp tục nhân rộng mô hình Dự án “Nuôi trồng thủy sản cá nước ngọt” trong cộng đồng và địa bàn từng thôn. Điển hình như gia đình ông Phạm Đình Chiếu, nhằm tận dụng nguồn nước sông tự nhiên (sông Hồng), gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư vật tư, con giống và xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng với quy mô từ 32-34 lồng cá, mỗi năm trừ chi phí, thu lãi từ 400 triệu đến 450 triệu đồng/năm…

Cũng theo đồng chí Nguyễn Đức Tuệ, khi triển khai thực hiện dự án, Hội đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, đảm bảo các quy định pháp luật về đầu tư và sử dụng vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đúng mục đích. Đồng thời, định hướng nội dung hoạt động của dự án thông qua việc kiểm tra giám sát thường xuyên nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hộ chăn nuôi tham gia dự án để kịp thời phản ánh với cấp trên để có hướng giải quyết kịp thời.

Có thể thấy, hoạt động của dự án đã góp phần khẳng định niềm tin của hội viên nông dân vào chủ trương, đường lối Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp hội cấp trên đối với nông dân vùng sâu, vùng xa, cũng như vùng duyên hải đồng bằng châu thổ sông Hồng, tạo điều kiện để hội viên nông dân phần đấu vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình, tạo thêm nhiều việc làm mới có thu nhập ổn định cho người lao động, làm cơ sở nhân rộng mô hình "Nuôi trồng thủy sản cả nước ngọt” tại địa phương. Cũng thông qua dự án, góp phần khẳng định vị trí, vai trò của Hội Nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội, một trong những tổ chức chính trị - xã hội đi đầu trong việc vận động hội viên xây dựng mô hình kinh tế hộ, một trong những việc có tầm quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người nông dân. Với hiệu quả từ dự án có tính lan tỏa sâu rộng, hội viên trong dự án sẽ hỗ trợ, giúp đỡ hội viên ngoài dự án xây dựng mô hình trên địa bàn dân cư góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.

 

Phản hồi

Các tin khác