(ĐHXIII) – Với quyết tâm tạo sự bứt phá ngay từ năm đầu nhiệm kỳ, sau thành công của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) sớm xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội để triển khai nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực.
Ngay sau thành công của Đại hội Đảng bộ huyện, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gia Bình đã nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống (Ảnh: KL)
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Gia Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 -2025 đề ra mục tiêu xây dựng huyện Gia Bình phát triển nhanh và bền vững. Nghị quyết Đại hội cũng nêu rõ 16 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, 8 chương trình trọng tâm.
Xác định việc hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ ngay từ năm đầu là tiền đề quan trọng để triển khai nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ, Huyện ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội quán triệt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nghị quyết trong toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động, sự đồng thuận trong toàn xã hội.
Trong phát triển kinh tế, huyện Gia Bình chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển nông nghiệp phù hợp với thế mạnh của huyện và nhu cầu của thị trường. Trước mắt, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, đẩy mạnh xúc tiến quy hoạch vùng sản xuất tập trung, nhân rộng các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ. Đến nay, toàn huyện đã hình thành 11 vùng trồng trọt tập trung với quy mô hơn 150 ha, chủ yếu ở địa bàn các xã như: Bình Dương, Cao Đức, Thái Bảo, Lãng Ngâm, Đại Lai, Xuân Lai.
Hiện tại, trên địa bàn huyện Gia Bình đã hình thành các vùng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả cao, điển hình như vùng sản xuất rau thủy canh với diện tích 5 ha tại xã Bình Dương, 20 ha sản xuất rau an toàn tại HTX Ngăm Mạc, sản xuất giống lúa Nhật rộng 10 ha tại xã Đông Cứu…
Bên cạnh đó, huyện chú trọng triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 21/5/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2020-2025, phấn đấu đến hết năm 2025 chuyển đổi khoảng 540 ha diện tích đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm khác, các cây màu ngắn ngày có giá trị kinh tế cao, cây lâu năm và trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản.
Cùng với nông nghiệp, huyện Gia Bình tập trung kêu gọi đầu tư, thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ vào địa bàn. Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng dự án Khu Công nghiệp tập trung Gia Bình I, Gia Bình II, các cụm công nghiệp theo đúng chỉ đạo của tỉnh. Tiếp tục phát triển các nghề truyền thống, nhất là đúc đồng Đại Bái, tre trúc Xuân Lai và nhân cấy các nghề mới tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh theo hướng chuyên nghiệp, trong đó ưu tiên đầu tư, phát triển khu du lịch sinh thái Thiên Thai; xây dựng khu du lịch bãi Nguyệt Bàn, khu nghỉ dưỡng sông Đuống gắn với phát triển tổng thể du lịch Lục Đầu Giang, vành đai xanh và định hướng phát triển đô thị ven sông Đuống.
Đối với xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, huyện Gia Bình ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng khu vực thị trấn Gia Bình, đô thị Nhân Thắng. Lập đồ án quy hoạch chung đô thị Cao Đức để có cơ sở thu hút đầu tư phát triển đạt đô thị loại V. Triển khai đồng bộ việc nâng cấp các tuyến đường huyện, tỉnh đảm bảo kết nối giao thông giữa các vùng trong huyện, kết nối các huyện trong tỉnh và thành phố Hải Dương. Đi đôi với phát triển kinh tế, phát triển kết cấu hạ tầng, huyện tập trung nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội, chất lượng nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020 – 2025 quyết tâm xây dựng xã Nhân Thắng trở thành thị trấn vào năm 2025 với việc xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá cần thực hiện. Theo đó, Đảng ủy xã Nhân Thắng đã ban hành chương trình hành động thực hiện, trong đó, tập trung chỉ đạo việc chuyển đổi cơ cấu giống trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Đối với chăn nuôi, xã tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt chú trọng vận động nhân dân khôi phục chăn nuôi sau dịch tả lợn châu Phi. Với các loại hình dịch vụ, thương mại, Đảng ủy xã tiếp tục chỉ đạo phát triển mạnh mẽ các loại hình có thế mạnh như vận tải, cơ khí, sửa chữa máy móc thiết bị, kinh doanh buôn bán... để nâng cao thu nhập cho người dân.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Gia Bình II, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Báo Bắc Ninh)
Đồng chí Đào Duy Phương, Bí thư Đảng ủy xã Nhân Thắng, cho biết: “Xã Nhân Thắng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2015, đây là tiền đề quan trọng để xã tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu trong nhiệm kỳ trở thành thị trấn, như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra. Để đạt được mục tiêu này, ngay trong năm đầu thực hiện nghị quyết, cán bộ, đảng viên, nhân dân xã Nhân Thắng đoàn kết, nỗ lực hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch các chỉ tiêu đề ra, tạo niềm tin và động lực để phấn đấu trong những năm tiếp theo”.
Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Bình tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, từng bước biến quyết tâm thành hành động để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa Gia Bình ngày càng phát triển.
KL