Yên Lạc nêu cao vai trò của người đứng đầu trong triển khai chỉ thị 05
12

Yên Lạc nêu cao vai trò của người đứng đầu trong triển khai chỉ thị 05 (Ảnh: T.B)

Cùng với đó, nêu cao vai trò của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, từ đó triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, thiết thực.  Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động; gắn các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước với thực hiện nhiệm vụ chính trị, giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị... Công tác tuyên truyền được thực hiện đa dạng, trong đó, chú trọng tuyên truyền những cách làm hay, mô hình hiệu quả, gương người tốt - việc tốt trên các lĩnh vực nhằm lan tỏa rộng khắp những phẩm chất đạo đức cao đẹp của Bác và đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành những công việc thiết thực hằng ngày trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Chú trọng xây dựng các mô hình và các phong trào thi đua, huyện Yên Lạc đã lan tỏa được nhiều cách làm hay, thu hút nhiều đoàn viên, hội viên tham gia, tạo chuyển biến rõ nét ở cơ sở. Tiêu biểu là mô hình tiết kiệm “Làm theo tấm gương của Bác” tại các cơ sở hội phụ nữ. Hội cựu chiến binh các cấp duy trì các mô hình câu lạc bộ cựu chiến binh, cựu quân nhân làm kinh tế giỏi; mô hình cựu chiến binh giữ gìn an ninh trật tự “1+2”, “1+3”… 

Trong lao động sản xuất, nhiều nông dân năng động sáng tạo để làm ra nhiều của cải vật chất phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho lao động địa phương. Điển hình như gia đình ông Kim Đình Úp ở xã Đồng Văn với mô hình nuôi cá sông trong ao cho thu nhập bình quân mỗi năm trên 500 triệu đồng; gia đình bà Nguyễn Thị Vui xã Trung Nguyên với mô hình cơ sở sản xuất đũa; gia đình ông Nguyễn Văn Trường sản xuất mộc truyền thống ở thị trấn Yên Lạc.

Trong ngành Giáo dục và Đào tạo, việc triển khai các mô hình “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Nhà trường văn hóa, nhà giáo văn minh, học sinh thanh lịch”…đã thực sự đem đến những hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại mỗi địa phương và giúp cho huyện luôn ở vị trí tốp đầu của tỉnh về chất lượng giáo dục. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong toàn ngành đã giúp cho đội ngũ cán bộ, giáo viên thêm yêu nghề, yêu trẻ,  nỗ lực nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong của người thầy đáp ứng yêu cầu mới.

Khối các cơ quan, đơn vị hành chính đã kết hợp học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; có nhiều đổi mới trong công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm chống tham ô lãng phí, tiêu cực. Qua đó, đã góp phần nhân lên tính tích cực, mặt mạnh và loại bỏ được những hạn chế trong mỗi tổ chức, cá nhân. Học Bác về thực hành tiết kiệm, Văn phòng HĐND&UBND huyện thực hành tiết kiệm trong việc tổ chức hội họp, tiếp khách; sử dụng văn phòng phẩm; quản lý tài sản của cơ quan; thực hiện công khai, minh bạch tài chính. Đặc biệt, với quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử, một nền hành chính công phục vụ, Văn phòng HĐND&UBND huyện đã tham mưu đưa Trung tâm Hành chính công của huyện vào hoạt động, là đầu mối tập trung hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính; tăng tính liên thông, minh bạch; giảm bớt phiền hà, thời gian, công sức cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong liên hệ giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn.

Điểm nổi bật trong thực hiện Chỉ thị số 05 là các tổ chức Đảng trên địa bàn đã đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII), Chỉ thị 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng, nhân dân đang quan tâm tại cơ quan, đơn vị. Trong đó, trọng tâm là thực hiện khâu đột phá về nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, địa phương, đơn vị. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; thực hiện tốt đạo đức công vụ; xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tận tụy, liêm khiết, gần dân, trọng dân, hết lòng phục vụ nhân dân. Toàn huyện đã tổ chức thực hiện tốt Quy định số 11 của Bộ Chính trị về "Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân". Lãnh đạo huyện và các xã, thị trấn đã tổ chức hội nghị đối thoại, đến từng hộ dân tuyên truyền vận động thực hiện chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng triển khai các dự án.

Xác định xây dựng nông thôn mới là một hành trình lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, mỗi xã ở huyện Yên Lạc lại có những cách làm và sự sáng tạo riêng. Chỉ thị 05 chính là một trong những động lực, đòn bẩy để kêu gọi, vận động toàn dân dồn sức quyết tâm nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới để đạt nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Trong đó, bài học về tính tiên phong gương mẫu của đảng viên và phát huy dân chủ, đảm bảo công khai, minh bạch là mấu chốt.

Bằng việc học tập và làm theo Bác, 5 năm qua, Yên Lạc đã đạt được những thành tựu quan trọng về mọi mặt, có bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng bình quân 9,2%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 67,4 triệu đồng/người/năm. Huyện đã hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đề ra. Những kết quả đạt được từ các phong trào thi đua trong 5 năm qua, huyện Yên Lạc đã thêm nhiều tập thể được tặng Huân chương lao động, Cờ thi đua của Chính phủ và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; hơn 150 tập thể và cá nhân được nhận Bằng khen của các Bộ, ngành ở Trung ương; hàng trăm tập thể và cá nhân được tặng Cờ thi đua, danh hiệu tập thể lao động xuất sắc và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; gần 1.400 cá nhân là chiến sỹ thi đua cơ sở.

Phản hồi

Các tin khác