Giữ nhịp tăng trưởng cho ngành nông nghiệp
nn

(Ảnh minh họa của: BT)

Bám sát nhiệm vụ chính trị đã đề ra

Theo Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong quý I/2021, Đảng ủy Bộ đã tích cực chủ động tham gia với Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, người lao động quán triệt thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ, đồng thời bám sát chương trình công tác trọng tâm của Bộ để phấn đấu triển khai các nhiệm vụ chính trị đã đề ra.

Cụ thể, ngay từ đầu năm, toàn ngành đã tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành địa phương tập trung triển khai các giải pháp nhằm ổn định sản xuất, ứng phó với rét đậm, rét hại, mặn, phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh COVID-19, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, quý I/2021, sản xuất nông lâm thủy sản tiếp tục đạt được kết quả cao, toàn diện.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%, đóng góp 8,34% vào mức tăng trưởng chung. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,19%, lâm nghiệp tăng 3,78% và thủy sản ước tăng 2,9%.

Nắm chắc tình hình để điều chỉnh kế hoạch sản xuất

Theo nhận định của Đảng ủy Bộ NN&PNTT, trong quý II/2021, tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, bất ổn liên quan đến chính sách thương mại, căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực. Đồng thời, với xu hướng bảo hộ trong nước, nhiều thị trường nhập khẩu nông sản sẽ siết chặt hơn nữa hàng rào kỹ thuật và các biện pháp tự vệ thương mại, đi cùng với đó là những yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp chứng thư xuất khẩu, đẩy mạnh chính ngạch, thanh kiểm tra chất lượng tại nước xuất khẩu.

Mặt khác, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa dự báo được thời điểm kết thúc, đang làm đảo lộn nền kinh tế toàn cầu dẫn đến khó khăn về thị trường tiêu thụ nông sản.

Ở trong nước, những khó khăn, thách thức từ tác động của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước. Đồng thời, thời tiết khó lường (hạn hán, xâm nhập mặn, dự báo tiếp tục diễn ra), dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.

Trên cơ sở nhận định tình hình, Đảng ủy Bộ NN&PTNT cho biết, trong quý II/2021, toàn ngành phấn đấu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt trên 9,7 tỷ USD. Cụ thể, một số chỉ tiêu phấn đấu gồm: sản lượng lúa đạt khoảng 9,5 triệu tấn, tổng sản lượng thủy sản đạt 2,4 triệu tấn, sản lượng khai thác gỗ đạt khoảng 4,85 triệu m3…

Để đạt được những mục tiêu trên, theo Đảng ủy Bộ NN&PTNT, trong quý II/2021, các đơn vị thuộc Bộ sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 19/QĐ-BNN-KH ngày 4/1/2021 về kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Đồng thời, theo dõi sát tình hình thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, biến động thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp nhằm giữ nhịp tăng trưởng của ngành.

Cụ thể, về lĩnh vực trồng trọt, theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Tập trung thu hoạch lúa Đông Xuân, gieo cấy lúa Hè Thu tại phía Nam và tiếp tục gieo cấy, chăm sóc lúa Đông Xuân phía Bắc; triển khai kế hoạch vụ Hè Thu, vụ Mùa tại Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Đồng thời, theo dõi sát tình hình sản xuất các cây công nghiệp, cây ăn quả, đặc biệt với cây ăn quả chủ lực (thanh long, nhãn, xoài, chôm chôm, sầu riêng) để có chỉ đạo rải vụ các đối tượng cây trồng này phù hợp.

Với lĩnh vực chăn nuôi, toàn ngành sẽ tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp khôi phục, tăng đàn lợn và ổn định phát triển đàn gia cầm và một số vật nuôi khác theo hướng áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Đi cùng với đó là việc tăng cường giám sát quản lý chất lượng vật tư lĩnh vực chăn nuôi; phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan tiến hành xử lý các vụ việc vi phạm về chất lượng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi…Trong đó, cần đặc biệt quan tâm theo dõi tình hình dịch bệnh ở các địa phương, nhất là đối với các bệnh nguy hiểm như: dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục.

Về lĩnh vực thủy sản, Đảng ủy Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ tiếp tục hướng dẫn các địa phương tập trung phát triển nuôi trồng các đối tượng nuôi chủ lực và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững. Đồng thời, theo dõi, nắm bắt chặt chẽ diễn biến thời tiết, dự báo ngư trường, tình hình khai thác hải sản của ngư dân trên các vùng biển để kịp thời hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất an toàn, hiệu quả.

Đặc biệt, về công tác chế biến và phát triển thị trường, theo Đảng ủy Bộ NN&PTNT, để đạt được mục tiêu về kim ngạch xuất khẩu trong quý II đã đề ra, các đơn vị liên quan cần tiếp tục theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất các nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương trong nước, đặc biệt là tại các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19. Kịp thời thông tin cảnh báo các quy định mới của thị trường nhậpkhẩu; triển khai phổ biến các rào cản kỹ thuật trong thương mại nông sản, định hướng xuất khẩu nông lâm thủy sản tại các thị trường trọng điểm./.


 

Phản hồi

Các tin khác