(ĐHXIII) - Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định rất rõ ràng về mục tiêu củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Theo đó, Nghị quyết nêu rõ, trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy; có quyết tâm chính trị cao; dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình; chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống; nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được; đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững.
Có thể thấy, để đạt sự phát triển nhanh và bền vững, đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó, xác định dựa vào các nguồn lực bên trong là chủ công và nguồn lực bên ngoài là cơ hội.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thu hút đầu tư nước ngoài chỉ là một mặt của chính sách hấp dẫn đầu tư. Cần lưu ý tránh quá chú ý tới yếu tố ngoại sinh mà quên mất nội lực với các yếu tố nội sinh hiệu quả. Thực tế, trong thời điểm này, nguồn lực trong nước của ta hoàn toàn có khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển, đủ nhiều để Việt Nam hoàn toàn có thể tự lực, tự cường.
Bài viết gần đây nhất về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trong các nhân tố tác động đến tăng trưởng kinh tế thì khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm chỉ có 27%, còn lại là các nguồn lực khác, trong đó 30% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ cộng lại.
Do đó, bây giờ đề cập tới việc thu hút đầu tư là phải tạo ra được các công thức với các nhân tố bao hàm trong đó là thể chế, luật pháp.
Đơn cử như hiện nay, nhiều nhà hoạch định chính sách kinh tế hay nhắc đến cụm từ “lót ổ cho đại bàng”. Trong hoàn cảnh này, thiết nghĩ, không nhất thiết phải là “đại bàng ngoại”, mà “đại bàng nội” cũng hoàn toàn có khả năng, tất nhiên, phải có tiền đề với các yếu tố thống nhất, đồng bộ từ môi trường pháp lý thông qua việc rà soát thể chế nhà nước, kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa, công nghệ... đến mức độ sẵn sàng đón nhận của cấp ủy, chính quyền các cấp, từ Trung ương xuống cơ sở, địa phương. Nói cách khác là luật lệ, luật chơi phải hấp hẫn thì các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước mới sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư.
|
Phát triển nhanh và bền vững là mục tiêu mà Việt Nam hướng tới. (Ảnh tư liệu)
|
Ở khía cạnh nhỏ hơn, cần lưu ý tới việc bảo vệ chế độ hợp đồng với tư cách là Nhà nước, các hợp đồng giữa Nhà nước với tư nhân, giữa tư với tư, giữa công với tư. Trong đó, Nhà nước với vai trò, công cụ là chủ thể của quản lý phải duy trì được tính công bằng khách quan để bảo vệ được điều khoản trong hợp đồng. Ví dụ như một doanh nghiệp đến tỉnh A, môi trường pháp lý lúc đó người ta đầu tư được nhưng sau khi đầu tư xong rồi lại thay đổi quy hoạch, luật khác thì ai bảo vệ lợi ích cho họ, bù lại bằng hoàn lại vốn và lãi suất ngân hàng thì ai tin tưởng mà đầu tư nữa?
Hay như việc bảo đảm được tài sản, phải tạo dựng và xác lập được lòng tin. Nếu công dân gửi vào ngân hàng với một lãi suất huy động phù hợp và lãi suất đó cộng với tiền gửi phải được bảo đảm bằng giá trị không đổi thì người ta mới có niềm tin gửi vào ngân hàng và cũng tương tự như vậy với thị trường chứng khoán hoặc thị trường bất động sản. Nền kinh tế hiện tại của nước ta đang cần 3 thị trường để huy động vốn: Thị trường tài chính, chứng khoán và bất động sản. Vì thế, điều quan trọng là Nhà nước phải bảo vệ được giá trị tài sản của người dân, doanh nghiệp, bảo vệ được điều khoản cam kết hợp đồng thì mới có niềm tin đầu tư. Đấy cũng chính là môi trường pháp lý.
Rồi phải kể đến môi trường văn hóa, đặc biệt là văn hóa kinh doanh, làm sao chặn được văn hóa kinh doanh kiểu chụp giật, lừa đảo… Nhà nước phải có chính sách bảo đảm sự tín nhiệm trong các giao dịch và thiết lập một môi trường xã hội an toàn.
Hay như vấn đề hạ tầng và sự ổn định trong quy hoạch phải ổn định cộng với chất lượng nhân sự trong bộ máy hành chính, sự hành xử chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ công nhân viên chức nhà nước trong xử lý, giải quyết thủ tục kinh tế…
Đã đến lúc nhìn nhận lại một cách đúng đắn về thu hút đầu tư toàn diện và hiện Việt Nam ta hoàn toàn có thể hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước. Tính đến thời điểm nay, nền kinh tế Việt Nam đã xuất hiện một số tập đoàn hùng mạnh, có tính dẫn dắt như Vingroup, Sungroup, FLC…Trong từng lĩnh vực cụ thể, Việt Nam cũng từng bước hình thành “những đại bàng lớn”. Nhưng, một câu hỏi lại được đặt ra, đó là, phải làm sao loại bỏ tư tưởng “vọng ngoại”, chỉ có nước ngoài mới đầu tư. Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng là mở ra một cánh cửa vô cùng lớn để thu hút chính nguồn đầu tư nội lực, trong nước.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, còn nhiều tồn tại, bất cập cần giải quyết mà thiết thức nhất là cần phải tạo ra một “sân chơi” thực sự bình đẳng từ huy động vốn cho đến quy hoạch, cho đến các ứng xử khác để thực sự hấp dẫn đầu tư trong nước, lấy đó làm nguồn lực chủ công trong hành trình đưa Việt Nam trở nên ngày càng thịnh vượng và thực sự trở thành một nước “Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045” như Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII đã đề ra./.
Lê Anh