(ĐHXIII) – Theo chương trình hành động thực hiện chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được truy cập trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
|
Thời gian qua tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. (Ảnh: Báo Bà Rịa- Vũng Tàu)
|
Cùng với đó, 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công và phần mềm một cửa điện tử của tỉnh được xác thực điện tử. 100% hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số, liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã và liên thông với hệ thống của quốc gia. Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở của tỉnh được kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm để phục vụ phát triển chính quyền số, phục vụ người dân và phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế số chiếm trên 20% GRDP; hạ tầng băng thông rộng phủ đến 100% hộ gia đình, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh, internet. Người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 50%...
Để đạt các mục tiêu trên, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đề ra 70 nhiệm vụ, trong đó có 21 nhiệm vụ thực hiện thường xuyên và theo lộ trình của Trung ương; 11 nhiệm vụ phải hoàn thành trong năm 2021; 13 nhiệm vụ hoàn thành trong năm 2022; 4 nhiệm vụ hoàn thành trong năm 2023; 1 nhiệm vụ hoàn thành trong năm 2024 và 20 nhiệm vụ hoàn thành trong năm 2025.
Bên cạnh khâu đột phá trên, 2 khâu đột phá còn lại của tỉnh là: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tập trung đầu tư hạ tầng trên tinh thần tự lực tự cường; tranh thủ đầu tư công của Trung ương để phát triển nhanh nhất có thể hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh và liên vùng.
Trước đó, nhằm tạo nền tảng và chủ động tham gia quá trình chuyển đổi số, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã tập trung thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và nhiều chương trình chuyển đổi số...Bước đầu đã đạt được nhiều kết quả như đưa vào vận hành trung tâm tích hợp, chia sẻ dữ liệu; liên thông văn bản điện tử giữa các cơ quan; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt hơn 60%… Nhờ vậy, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu luôn nằm trong tốp đầu về chuyển đổi số./.
Tường Vy